Tin Hà Tĩnh

Chính quyền “bất lực” hay “làm ngơ”?

Phớt lờ việc hàng năm đều bị các đoàn kiểm tra phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng, lập biên bản yêu cầu đình chỉ hoạt động, suốt 6 năm qua, chủ cơ sở nuôi tôm ở xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn cứ “vô tư” xả nước thải chưa qua hệ thống xử lý ra môi trường. Phải chăng, cơ quan chức trách ở đây đã bất lực trước chủ vựa tôm này?

Dòng nước đen, đặc quánh từ hồ tôm của ông Nguyễn Viết Khánh (xã Xuân Đan) chảy thẳng ra biển. Ảnh: PV

Vừa qua, báo Nhà báo và Công luận có bài phản ánh về việc hồ tôm không có hệ thống xử lý nước thải “vô tư” xả thải trực tiếp ra biển suốt 6 năm qua, khiến hàng chục hộ dân tại xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hết sức bức xúc khi phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng.

Để làm rõ hơn việc mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh gây ô nhiễm, PV Báo Congluan.vn đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng nơi đây.

Người dân bức xúc phản ảnh hồ tôm gây ô nhiễm nặng. Ảnh:PV


Tuy nhiên, khá bất ngờ, điều PV chúng tôi nhận được lại là “quả bóng” trách nhiệm bị đá qua, chuyền lại từ cấp xã cho đến huyện.

Ông Phan Trọng Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đan cho biết, đã có nhiều đoàn về kiểm tra và lập biên bản. Hồ tôm của ông Nguyễn Viết Khánh xả thải gây ô nhiễm môi trường đã được xã báo cáo lên huyện, Phòng Tài nguyên & Môi trường, Cảnh sát môi trường. Năm 2017, Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân đã về lập biên bản và đầu năm nay (2018), Phòng cũng tiếp tục về.

“Trong tuần vừa rồi chúng tôi cũng có xuống. Nước thải từ hồ tôm ra môi trường có mùi hôi, màu ngà đen, đặc. Và chúng tôi cũng đã có báo cáo lên cho huyện”, ông Tri cho biết.

Chủ vựa tôm “vô tư” xả thải thẳng ra biển. Ảnh: PV

Sau khi báo Congluan.vn phản ánh, chủ vựa tôm mới cho lấp dòng chảy như thế này. Ảnh: PV

Thế nhưng, phía Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân lại cho rằng lỗi để xảy ra sự việc là do cấp xã!.

Ông Lê Hữu Phong, Phó Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân thừa nhận rằng đã nhiều lần kiểm tra và phát hiện mô hình nuôi tôm được triển khai nhưng không hề có hệ thống xử lý chất thải.

“Huyện đã yêu cầu dự án phải thực hiện hồ xử lý và chỉ được nuôi khi có hệ thống xử lý môi trường. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản và xử lý vi phạm nhưng đối tượng này (ông Khánh- PV) không hợp tác”, ông Phong nói.

“Huyện cũng đã có văn bản giao cho xã phải có trách nhiệm quản lý, giám sát nhưng xã quản lý chưa chặt nên có những thời điểm họ xả thải ra ngoài mà chưa qua xử lý. Còn việc xả thải mà báo phản ánh thì chúng tôi mới biết chứ xã không có báo cáo gì”, vị này thanh minh.

PV đặt câu hỏi: Tại sao dự án nuôi tôm mặc dù chưa hoàn thiện hệ thống xử lý về chất thải và việc này được phát hiện ngay từ thời gian đầu nhưng vẫn tiến hành cho nuôi thả? Tại sao khi cấp xã có dấu hiệu buông lỏng quản lý, làm ngơ cho mô hình nuôi tôm xả thải mà huyện đã về kiểm tra, lập biên bản, sao không đình chỉ để kéo dài trong suốt 6 năm qua?

Ông Lê Hữu Phong, Phó Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân cho biết: “Về công tác quản lý thì Phòng đã lập biên bản, tham mưu cho huyện và huyện đã giao trách nhiệm cho xã. Xã phải có trách nhiệm xử lý, giám sát, báo cáo thường xuyên lên cho huyện nhưng chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình”, ông Phong nói.

Khi PV hỏi cho xem các hồ sơ, biên bản của Phòng đã lập khi về kiểm tra mô hình này trong nhiều năm qua thì vị này một mực từ chối.

“Hồ sơ anh em đang trong quá trình tiếp tục xử lý đơn vị này nên chưa có kết luận chính thức, sẽ cung cấp sau”, ông Phong nói.

Ống xả thải của hồ tôm với dòng nước đen sì, hôi thối. Ảnh: PV

Cũng xung quanh vụ việc này, dư luận đặt dấu hỏi: Suốt 6 năm qua, chủ cơ sở nuôi tôm này vẫn cứ “vô tư” xả nước thải chưa qua hệ thống xử lý ra môi trường, trong khi hàng năm đều có các đoàn kiểm tra của huyện, sở ngành về nhưng chỉ nhắc nhở?

Phải chăng, các cơ quan chức năng ở đây đã “làm ngơ” hoặc “bất lực” trước chủ vựa tôm này?

Báo Congluan.vn sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP