Tôi không phải dân IT “nòi”. Từ cấp một, tôi đã có niềm yêu thích đặc biệt với âm nhạc. Nhớ ngày nhỏ, khi mẹ mua cho cây sáo hay chiếc đàn guitar, tôi ngồi chơi, nằm chơi, thậm chí thiu thiu ngủ tay vẫn ôm đàn sáo. Thấy tôi mê mẩn với những nốt nhạc, lên cấp hai, ba mẹ cho tôi thi thử vào Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện nay). Đúng là chỉ thử thôi, vì đến ngày báo điểm cả nhà không ai nhớ để đi xem. Một ngày tình cờ qua trường, bố mẹ tôi rẽ vào và may mắn thay, tôi đã đỗ rồi. Vậy là con đường âm nhạc của tôi bắt đầu ngoài dự tính từ đó.
Tuy nhiên, từ đó việc học văn hóa của tôi xuống dốc không phanh. Lên cấp ba, như các bạn cùng ngành, tôi tham gia những buổi biểu diễn lớn nhỏ, những phòng trà nhạc sống, rồi phối khí, sáng tác bán lấy tiền, thu âm cho khách… Với cái danh học Nhạc viện, tôi không gặp nhiều khó khăn khi góp mặt trong nhiều sự kiện với các vai trò khác nhau: hát chính, guitar, trống…
Nhưng dần dần tôi nhận ra mình là một nửa khác biệt của thị trường âm nhạc. Tôi đam mê nhạc rock – thứ âm nhạc ồn ào, không chính thống. Nhận thức đó không đến mạnh mẽ, rõ ràng mà cứ âm thầm chảy rồi thấm vào tư tưởng của cậu học sinh ngày đó. Đi làm phải hát nhạc mà khách thích, chơi nhạc mà khách yêu cầu. Biểu diễn cho công ty phải chơi nhạc phù hợp với chủ đề, tính chất của sự kiện. Tôi dần mất đi nhiệt huyết, cảm xúc khi chơi nhạc. Và khi sự bất mãn lên đến đỉnh điểm, tôi đã đưa ra quyết định liều lĩnh: giấu bố mẹ bỏ học Nhạc viện vào năm lớp 12. Tôi bỏ con đường đã theo nhiều năm, và chênh vênh không biết sẽ theo hướng nào, niềm đam mê của tôi sẽ đi về đâu. Chính trong lúc “cùng quẫn” đó, tôi chọn con đường lập trình.
Tôi đăng ký vào Đại học FPT, ngành kỹ thuật phần mềm. Như dự tính ban đầu, tôi thúc ép bản thân tìm ra điều khiến tôi thực sự thích trong ngành này là gì. Năm thứ nhất qua, năm thứ hai và năm thứ ba cũng. Thú thật, mọi điều tôi ép bản thân giống như một hành động thực thi nghĩa vụ. Tôi vẫn không thấy những giây phút đam mê khi lập trình, vẫn không ngày đêm mày mò, lúi húi code như bao tấm gương khác. Ba năm trôi qua, mục tiêu tìm đam mê của tôi gần như phá sản.
Vậy mà chỉ 8 tháng trước, khi bắt đầu đi thực tập, tôi đã có bước ngoặt lớn trong đời. Với kiến thức ít ỏi ban đầu, tôi đi phỏng vấn tại Fsoft-CME (Z8). Hôm phòng vấn, tôi vẫn nhớ mình nói với người phỏng vấn (PM hiện nay của tôi): “Em vốn không phải dân lập trình gốc, cũng chưa thực sự đam mê. Em muốn đi làm để xem thực lực của em đến đâu, em thích gì và muốn gì”. Có khi nào anh ấy nghĩ đó chỉ là một câu kết bài như trong một quyển văn mẫu phỏng vấn không nhỉ? Cứ giả định là vậy đi, thì câu văn mẫu đó đã hiệu quả. Tôi được nhận với vai trò thực tập sinh.
Những tháng ngày tham gia dự án tại Fsoft đã giúp Long (áo tím) tìm được niềm đam mê trong nghề IT. |
Những ngày đầu, tôi choáng ngợp với độ lớn và sự phức tạp của dự án. Nhưng tôi thật may mắn khi khởi động mục tiêu tìm đam mê với một đội ngũ tốt bụng và dễ mến. Mọi thành viên đều dễ gần và sẵn sàng giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn. Và anh PM (Project Manager), tôi cũng không rõ nên cảm ơn hay “oán trách” nữa. Chưa lần nào anh yêu cầu tôi ở lại làm thêm giờ, cũng chưa từng tạo áp lực công việc hay deadline cho tôi. Nhưng cứ một thời gian, anh lại “tặng” tôi một task (nhiệm vụ) khó nhằn với thời gian làm cũng thuộc dạng “trường kỳ kháng chiến”. Tôi tự gọi đó là những bước ngoặt nhỏ trong mục tiêu tìm đam mê lớn của bản thân mình. Cảm giác tự mày mò, tự học ngôn ngữ mới, kiến thức mới thực sự đem lại cho tôi rất nhiều cảm hứng.
Và rồi cảm hứng đó lớn dần lên khi mỗi task tôi làm đều đem lại kết quả, dù là nhỏ thôi. Rồi các “sếp” cũng tạo cơ hội cho tôi giao tiếp với khách hàng Mỹ. Mọi thứ như thúc tôi thấy yêu ngành này hơn và muốn được gắn bó với nó. Tôi bị cuốn vào những dòng code, lụi hụi làm đến gần 22h, bị bảo vệ đuổi về khi công việc vẫn chưa xong. Cuối tuần tôi lại lóc cóc lên công ty thử nghiệm vì nghĩ ra ý tưởng mới. May mắn thay, tôi tìm thấy niềm đam mê lập trình từ những điều rất nhỏ. Bên cạnh đó, những người anh em trong nhóm đã cho tôi một quãng thời gian không thể nào quên từ khi chân ướt chân ráo đi thực tập. Trước mắt, tôi vẫn sẽ gắn bó với họ một năm tiếp theo.
Tôi hiểu rằng, đôi khi đam mê không hẳn là sự tự phát. Bạn phải chủ động tìm và nỗ lực để tìm thấy chính mình trong đó.
Long biểu diễn trong chương trình của Fsoft. |
Có một điều may mắn khác nằm ngoài dự tính của tôi. Dồn toàn tâm toàn lực để đi tìm bản thân mình trong ngành lập trình, tôi giữ âm nhạc như một thói quen, một sở thích cá nhân. Nhưng ở FPT Software, tôi có cơ hội chơi nhạc mình thích cho đồng nghiệp, anh em. Tôi có cộng đồng riêng của mình. Tôi đóng góp cá tính của mình vào bản sắc chung của FPT.
Không chủ đích, nhưng một lần nữa tôi tìm lại được đam mê. Giờ tôi sống với cả hai niềm đam mê và dung hòa được giữa thực tại và sở thích.
Lý Long