Giáo dục

Cha mẹ hãy khuyến khích con chọn nghề đúng năng lực và đam mê

Tại sao cha mẹ không dám để con tự chọn nghề học, tự bươn chải kiếm việc khi đủ tuổi trưởng thành? Xã hội luôn dịch chuyển liên tục, nhiều nghề mới xuất hiện, nhiều nghề cũ biến mất. Các bạn trẻ năng động sẽ tự xoay sở kiếm được việc làm phù hợp năng lực chứ đâu phải nhăm nhăm chờ cha mẹ “rải thảm”.

Một cháu hàng xóm cạnh nhà tôi, đang học lớp 12 và rất loay hoay trong việc chọn trường để thi, chọn nghề để học. Tôi có vài lần tâm tình hỏi chuyện thi cử tới đây của cháu. Cháu tâm sự rất thật lòng và nhờ tôi tư vấn thêm. Cháu kể, lực học mình loại khá, không giỏi nổi trội nên chọn trường nào vừa sức với cháu thực sự rất khó khăn. Cháu lắng nghe người thân định hướng nhưng vẫn chưa tìm được phương án tối ưu nhất.

Gần nhà cháu có mấy cô hàng xóm làm ngân hàng, lương bổng hấp dẫn, được đi du lịch liên tục. Mẹ cháu rất ngưỡng mộ và mơ ước con gái mình thi ngành Ngân hàng để kiếm được việc làm nhàn nhã, sung sướng. Nhưng cháu biết mình khó lòng với tới vì điểm thi vào ngành Ngân hàng khá cao, phải là những bạn học thực sự xuất sắc mới có dũng khí đăng ký thi cử. Cháu chỉ ậm ừ với mẹ để tránh những tranh luận gay gắt không đáng có. Bởi vì cháu hiểu nỗi lòng của mẹ, cũng chỉ là mong con mình sau này ra đời có công việc đàng hoàng. Mẹ chỉ nói thế chứ không hề ép buộc cháu phải thi bằng được.

Cháu kể, chị họ khuyên cháu nên thi cao đẳng nghề sau này làm giáo viên mầm non. Tôi hỏi: "Cháu có thực sự yêu trẻ con không, có biết nghề này cực khổ vất vả, đồng lương đãi ngộ hiện nay ra sao không?". Tôi phác họa cho cháu những khó khăn dễ thấy nhất là việc chăm sóc ăn uống, vệ sinh cho cả chục đứa trẻ, trẻ con ốm đau, khóc mếu, lương giáo viên dạy hợp đồng rất thấp. Cháu nói, các cô nhờ cháu trông con giúp chốc lát thì cháu rất nhiệt tình nhưng cháu không hề thích nghề này. Vậy thì tốt nhất, cháu đừng nên học nghề giáo viên mầm non, không thiếu gì công việc phù hợp với sức trẻ. Nghề giáo viên mầm non mà không thực sự yêu nghề, yêu trẻ thì rất dễ bạo hành trẻ con.

Tôi hỏi thẳng, cháu phải tự hỏi, mình thích nghề gì nhất, nghề nào phù hợp với lực học, nghề nào dễ xin việc sau khi tốt nghiệp để sớm phụ giúp gia đình? Cháu nói, cháu thích học nghề Kế toán và cháu dự định thi Đại học Thương mại. Cháu nói, cháu thích học nấu ăn nhưng mẹ cháu can ngăn, nói rằng làm đầu bếp rất vất vả, suốt ngày đứng bếp nấu nướng, quay cuồng với dầu mỡ, thức ăn. Tôi bảo với cô bé 18 tuổi rằng nghề nào cũng vất vả và mỗi nghề có đặc thù khác nhau, quan trọng là cháu phải yêu thích và hết mình với công việc. Tôi khuyên cháu phải nghĩ rằng, khi tốt nghiệp đại học cháu có thể thất nghiệp và tìm kiếm công việc phổ thông để tích lũy kinh nghiệm. Hãy sẵn sàng đối mặt với điều đó để không bao giờ sốc, thất vọng hay chán nản, bế tắc! Tôi kể một vài câu chuyện của bạn bè tôi, của chính vợ chồng tôi để chứng minh cho cháu thấy, bất cứ công việc nào dù trí óc hay chân tay cho ta thu nhập chính đáng thì đều được trân trọng.

Hàng nghìn học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tại Huế. (Ảnh minh họa)

Có rất nhiều bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề đã không thể tự mình đưa ra quyết định. Nhiều bạn học theo ý muốn của cha mẹ vì cha mẹ luôn muốn bao bọc con, cứ học ngành này, ra trường bố mẹ có người quen xin việc giúp, được gần nhà hay làm việc trong chính cơ quan của cha mẹ, luôn được ưu ái, nâng đỡ. Nếu con đề đạt nguyện vọng được học nghề đúng sở thích thì cha mẹ luôn phản đối bằng luận điệu chắc nịch "trứng đòi khôn hơn vịt" và tìm cách ngăn cản. Có những bạn đến lúc đi làm rồi mới thấy thất vọng não nề vì không có chút đam mê nào, cứ ân hận tiếc nuối thậm chí bất mãn vì không được làm nghề mình thích.

Tôi nghĩ, phụ huynh nên phân tích rõ ràng về nghề nghiệp mà con đam mê, các bạn trẻ sẽ cân nhắc lựa chọn và quyết tâm theo đuổi nghề mình thích. Cha mẹ không thể sống thay con, ước mơ thay con và bắt con hoàn thành ước mơ đó. Tôi biết một vài trường hợp, các bạn sống thụ động ỷ lại, dựa dẫm hoàn toàn vào cha mẹ, học làng nhàng cốt kiếm tấm bằng vào cơ quan cha mẹ đang làm, đến khi cơ quan chuyển đổi mô hình thì các bạn bị loại đầu tiên vì năng lực yếu kém. Từ nhân viên phòng ban chuyển sang làm tạp vụ, bảo vệ cơ quan với tâm trạng bi quan, chán nản. Họ không dám bươn chải ra ngoài vì sợ mất thể diện và cam chịu đồng lương chết đói.

Tại sao cha mẹ không dám để con tự chọn nghề học, tự bươn chải kiếm việc khi đủ tuổi trưởng thành? Xã hội luôn dịch chuyển liên tục, nhiều nghề mới xuất hiện, nhiều nghề cũ biến mất. Các bạn trẻ năng động sẽ tự xoay sở kiếm được việc làm phù hợp năng lực chứ đâu phải nhăm nhăm chờ cha mẹ “rải thảm”.

Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh nên khuyến khích con chọn nghề mà con thực sự yêu thích, đam mê, không nên áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ. Thế hệ chúng tôi, chính những bạn can đảm, quả quyết chọn nghề bạn thích đều đạt được thành công nhất định. Những bạn an phận học nghề, làm nghề theo ý cha mẹ khi gặp khó khăn thường bất mãn và rất khó tìm được công việc mới.

Tác giả: Thanh Mai (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP