Video cảnh sát đâm gãy cổng trường hộ tống học sinh vào điểm thi.
Sáng 14/11, kỳ thi kiểm tra năng lực quốc gia CSAT (hay còn gọi là Suneung) chính thức diễn ra tại 1.185 điểm thi ở Hàn Quốc, theo Yonhap.
CSAT được tổ chức mỗi năm một lần và được coi là cuộc thi quan trọng, áp lực bậc nhất tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Các thí sinh trải qua 5 môn thi, trong đó có tiếng Hàn, Toán và tiếng Anh.
Kỳ thi này được coi là một sự kiện quốc gia. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em.
Chính vì đây là một cuộc thi quan trọng nên cả phụ huynh và học sinh sẽ không tránh khỏi lo lắng. Thậm chí rất nhiều sĩ tử căng thẳng tới mức quên cả lịch thi. Theo thống kê của FNNEWS, có khoảng hơn 100 thí sinh tại khu vực thủ đô Seoul muộn thi, các nguyên nhân chính gồm ngủ quên, đi muộn nên tắc đường và nhớ nhầm địa điểm thi.
Đặc biệt, có một thí sinh đã được hai chiến sĩ cảnh sát ở đơn vị Mapo, Seoul hộ tống đến địa điểm thi Trung học Ngoại ngữ Ehwa (Junggu, Seoul) cách xa khoảng 5,8 km trong vòng 9 phút, bình thường phải mất đến 20 phút. Thậm chí chiếc xe cảnh sát chở thí sinh đi muộn này còn lao thẳng qua cánh cổng đang khép dần.
Hai cảnh sát vừa thực hiện thành công màn hộ tống ngầu như phim này lần lượt là Park Woo Seok và Jang Jin Myeong, hiện đang công tác tại đơn vị ở quận Hongsik, Mapo, Seoul.
"Biết là xe sẽ bị trầy kha khá nhưng tôi vẫn nhấn chân ga, tôi chỉ nghĩ lúc ấy phải giúp thí sinh vào được phòng thi bằng mọi giá!", đội trưởng Park chia sẻ.
2 cảnh sát Hàn Quốc Park Woo Seok (phải) và Jang Jin Myeong hết mình đưa thí sinh tới muộn vào điểm thi kịp giờ. |
Được biết ở quốc gia có nền giáo dục phát triển như Hàn Quốc, đỗ đại học đồng nghĩa việc nhận được tấm vé thông hành, giúp học sinh mở ra tương lai tốt đẹp, mang lại niềm tự hào cho gia đình.
Vì thế, kỳ thi Suneung trở nên quan trọng và tạo ra áp lực nặng nề cho đa số bạn trẻ. Trung bình mỗi năm, 20% thí sinh phải thi lại, nhiều em phải thi đến lần thứ 3. Những vấn đề tâm lý, sức khỏe tinh thần cũng vì đó gia tăng.
Tác giả: Thanh Tùng (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật