Trong nước

Cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giải quyết vấn nạn xây nhà chờ đền bù!

Vấn nạn xây nhà chờ đền bù của người dân ở những vùng quy hoạch các dự án đang làm đau đầu các cấp chính quyền huyện Kỳ Anh. Làm thế nào hạn chế, ngăn chặn được “làn sóng” này vẫn là bài toán nan giải, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân sở tại.

Đâu là nguyên nhân?


Những ngày này, trên địa bàn các xã nằm trong quy hoạch Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, nhiều hộ dân đồng loạt xây dựng, cơi nới nhà cửa, công trình trái phép. Ở các xã Kỳ Lợi và Kỳ Thịnh, các công trình mới mọc lên “như nấm sau mưa”. Đặc biệt, thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi) với 1.200 hộ dân thì có đến hàng chục hộ xây dựng, cơi nới nhà ở, công trình kiến trúc.

Cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giải quyết vấn nạn xây nhà chờ đền bù!

Người dân chỉ hiểu một cách đơn giản rằng, xây nhà để khi áp giá đền bù sẽ có được giá trị tăng thêm

Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết do người dân thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu thông tin và mang nặng tâm lý xây nhà cửa, công trình…, khi giải phóng mặt bằng, giá trị đền bù sẽ được tăng thêm. Vì vậy, cứ thấy đâu có “dấu hiệu” triển khai dự án là nơi đó tình trạng xây dựng trái phép lại nở rộ, chính quyền càng ngăn cấm, người dân càng quyết làm bằng mọi giá.


Ông Nguyễn Tiến Thương (xóm Tây Yên, xã Kỳ Thịnh) nói: “Do dân nghèo, không hiểu biết về các quy định nên cứ nghĩ rằng xây nhà, công trình lên đó, khi GPMB sẽ được đền bù. Có nhiều hộ xây xong nhà rồi mà không dám ở vì thực chất đó chỉ là những viên gạch được chồng lên nhau, họ làm kiểu “đơm bẫy” chờ dự án.


Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân đua nhau xây dựng công trình trái phép là do chưa có quy hoạch chi tiết và lộ trình di dời cụ thể. Kỳ Lợi là xã nằm trong quy hoạch tổng thể của KKT Vũng Áng được công bố từ năm 2004. Tuy nhiên, ngoài 298 hộ dân đã được di dời, tái định cư khi thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương năm 2010; thôn Đông Yên đã được kiểm đếm, triển khai công tác đền bù, di dời thì các thôn còn lại chưa có lộ trình.

Cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giải quyết vấn nạn xây nhà chờ đền bù!

Những căn nhà tạm có khi chỉ xây trong ít ngày…

Theo quy định của Luật Đất đai: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa thực hiện việc thu hồi đất bồi thường, GPMB thì người sử dụng đất phải giữ nguyên hiện trạng”, nhưng do chưa có lộ trình cụ thể nên người dân dựa vào cái lý “đến bao giờ” để xây dựng nhà cửa, công trình trên đất ở, đất vườn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc công bố quy hoạch, cắm biển, cắm mốc và bàn giao cho chính quyền quản lý quy hoạch hành lang cây xanh, hành lang QL 12 và các dự án khác cũng chưa được thực hiện đúng quy định; chính quyền một số xã không biết quy hoạch nên không kịp thời xác định được vi phạm của các hộ dân để có giải pháp ngăn chặn.


Chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt


Phải khẳng định rằng, trong thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Kỳ Anh đã có nhiều nỗ lực trong công tác GPMB, ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép trên vùng đất đã công bố quy hoạch KKT Vũng Áng và các dự án khác. Tuy nhiên, các văn bản, chỉ thị, chủ trương, chính sách và giải pháp của huyện xem ra vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giải quyết vấn nạn xây nhà chờ đền bù!

… song có cả những căn nhà kiên cố thì không thể chỉ xây trong ngày một ngày hai được

Trước hết, công tác tuyên truyền, vận động chưa được cấp cơ sở quan tâm đúng mức và chưa đi vào chiều sâu. Qua tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy tâm lý chung của các hộ dân là: cứ xây dựng, chờ dự án sẽ có đền bù! Điều này cũng đồng nghĩa, họ chưa nhận thức được rằng: việc xây dựng công trình kiên cố trong vùng đất quy hoạch là trái phép, khi GPMB sẽ không được đền bù.


Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền cấp xã chưa được thực hiện thống nhất, kịp thời. Lẽ ra, khi người dân có dấu hiệu tập kết vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các công trình, chính quyền xã phải kịp thời xuống kiểm tra hiện trường, lập biên bản đình chỉ. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, khi cơ quan chức năng đến làm việc thì công trình đã gần xong, việc yêu cầu các gia đình chấp hành quyết định đình chỉ xây dựng là rất khó.


Trước vấn nạn ồ ạt xây dựng công trình chờ đền bù, chính quyền các xã trở nên bất lực. Trao đổi với chúng tôi sáng 7/4, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi – Lê Xuân Vượng cho biết: Ngoài thôn Đông Yên đã được kiểm đếm, có kế hoạch di dời, GPMB vào tháng 7 này thì các thôn còn lại chưa có lộ trình nên xã rất khó trong việc ngăn chặn, đình chỉ hộ dân xây dựng công trình trái phép. Để giải quyết dứt điểm, huyện và tỉnh cần có lực lượng chuyên trách thực hiện việc cưỡng chế, tránh tình trạng các hộ dân không chấp hành quyết định đình chỉ mà không cưỡng chế sẽ dẫn đến tâm lý coi thường phép nước.

Cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giải quyết vấn nạn xây nhà chờ đền bù!

Để hạn chế người dân chở vật liệu xây nhà chờ đền bù, chính quyền xã Kỳ Lợi đã phải lập cả chốt kiểm tra nhưng hiệu quả không như mong đợi

Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng, ngoài thôn Đông Yên, hiện tại, trên địa bàn các xã Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Trinh, Kỳ Phương, Kỳ Ninh có 355 hộ với gần 400 công trình xây dựng trái phép, vi phạm quy hoạch KKT Vũng Áng, hành lang QL 12, 1A và một số dự án khác. Các công trình trái phép này huyện đã tổ chức thống kê, quay băng hình, lập hồ sơ để “chốt” và thông báo bằng văn bản cho các hộ dân. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế đối với 151 hộ xây dựng công trình trái phép của xã Kỳ Thịnh. Đề nghị tỉnh và các ngành chức năng có phương án chỉ đạo, hỗ trợ đảm bảo thành công.


Nói về giải pháp lâu dài để ngăn chặn tình trạng xây dựng công trình trái phép, ông Nguyễn Văn Bổng cho rằng: Tại các khu vực nằm trong quy hoạch, khi có phương án thu hồi cần thực hiện ngay để tránh tình trạng xây dựng, cơi nới chờ đền bù. Trường hợp chưa có phương án đền bù, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để huyện khoanh vùng, tạo điều kiện cho người dân xây dựng công trình tạm thời phục vụ nhu cầu thiết yếu với cam kết khi thu hồi sẽ không được đền bù. Quan trọng nhất là đối với địa bàn các xã Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh cần xác định lộ trình quy hoạch, kế hoạch thu hồi, sử dụng đất đai trước mắt cũng như lâu dài để công bố cho các địa phương và nhân dân; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giải thích để nhân dân biết, tự giác chấp hành.


Lời kết


Việc người dân dựng nhà ồ ạt chờ đền bù ở Kỳ Anh thời gian qua ngoài chuyện thiếu ý thức còn có nguyên nhân thiếu hiểu biết, cứ nghĩ rằng, xây nhà, trồng cây lên những vùng đất đã quy hoạch, khi GPMB sẽ được đền bù. Thực tế trên cho thấy, công tác tuyên truyền cho nhân dân vùng dự án về những quy định, những chế tài trong việc vi phạm mặt bằng thời gian qua của các cấp, ngành liên quan huyện Kỳ Anh vẫn chưa thực sự có chiều sâu và còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.


Nhiều nhà phân tích cho rằng, vấn đề cốt lõi nhất để ngăn chặn vấn nạn xây nhà chờ đền bù ở Kỳ Anh vẫn là công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Thông qua công tác tuyên truyền, cần làm cho người dân tại các vùng ảnh hưởng của các dự án hiểu rằng: việc xây dựng công trình trái phép trên đất đã quy hoạch như thời gian qua sẽ không được đền bù, việc cưỡng chế dỡ bỏ là bất đắc dĩ và khi đó, người dân sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn do sự cố tình hoặc thiếu hiểu biết của mình. Ngược lại, những hy sinh của họ hôm nay đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ vì sự phát triển chung của quê hương trong tương lai.


Thăng Long – Đình trung

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP