Văn hoá Dân gian

Cần thống nhất cách gọi tên di sản ví, giặm

Sự thiếu thống nhất về cách sử dụng cụm từ “ví, giặm Nghệ Tĩnh” hay “ví, dặm Nghệ Tĩnh” không chỉ xảy ra giữa các phương tiện truyền thông đại chúng mà ngay cả trong một cơ quan truyền thông. Báo điện tử Nghệ An là một trong những cơ quan truyền thông đưa tin sớm nhất về thông tin ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Phần lớn các bài viết đều sử dụng chữ “dặm” nhưng một số ít bài lại sử dụng chữ “giặm”.

Thông tin ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng kèm theo rất nhiều bài viết liên quan, tuy nhiên, các bài viết chưa có sự thống nhất về cách sử dụng chữ “giặm” hay “dặm” khi gọi tên di sản này.
Cần thống nhất cách gọi tên di sản ví, giặm
Cần thống nhất cách gọi tên di sản ví, giặm

Báo Nghệ An bất nhất trong sử dụng cách gọi tên di sản

Chuyên mục “Trò chuyện cuối tuần” của Báo Nhân dân cuối tuần số 48 (1348) ngày 30/11/2014 có bài viết “Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh: Bảo tồn sao cho đúng” sử dụng chữ “dặm” thay vì chữ “giặm” như hầu hết các tin, bài khác của báo.

Cần thống nhất cách gọi tên di sản ví, giặm

Báo Nhân dân cuối tuần sử dụng chữ “dặm” thay vì chữ “giặm”

Trước đó, bài viết “Khai mạc Liên hoan dân ca ví dặm lần thứ nhất: Ví dặm lung linh hồn quê xứ Nghệ” đăng trên báo điện tử Vietnamnet.vn gây khá nhiều tranh cãi khi bài viết sử dụng chữ “dặm”, nhưng phần băng rôn của sân khấu lại dùng chữ “giặm”.

Cần thống nhất cách gọi tên di sản ví, giặm

Vietnamnet.vn sử dụng chữ “dặm”

Việc các cơ quan truyền thông sử dụng từ ngữ thiếu thống nhất đã gây nên nhiều băn khoăn đối với người đọc. Theo quan điểm của người viết, để tìm hiểu cách viết đúng, cần hiểu rõ khái niệm “giặm” và “dặm”.

“Dặm” là từ chỉ độ dài của quãng đường (dặm trường); “dặm” cũng là từ địa phương để chỉ một dụng cụ bắt cá nhỏ. Còn “giặm” có ý nghĩa là thêm vào, xen vào chỗ thiếu (giặm nong, giặm thúng, giặm lúa…).

NSND Hồng Lựu – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ giải thích từ hát giặm theo ý nghĩa “giặm” là thêm vào chỗ thiếu. Xét cách sáng tạo lời giặm của người Nghệ, nét nghĩa này rất tương xứng, đó là một người đặt lời, những người sau kế tiếp đặt thêm, cuối cùng hình thành những bài vè dài, có khi hàng chục câu với nhiều khổ khác nhau. Xuất phát từ đặc điểm, cấu trúc của thể hát này thì “giặm” trong hát giặm có nguồn gốc động từ và cách dùng “ví, giặm” đúng theo nghĩa của từ.

Còn TS. Võ Hồng Hải – Bí thư Huyện ủy Can Lộc, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho rằng: “giặm” được hiểu với nghĩa gần như là giắm thêm vào (viết khác với chữ “dặm” – dân ca của một số địa phương khác – là quãng, quãng đường); trong một bài “giặm”, người ta thường xen vào những câu láy lại (hiện tượng điệp câu); hoặc trong lúc hát đối đáp, chữ vần của câu đầu bài đáp phải chắp cùng với vần câu cuối bài hỏi – chắp vần, hay hát chắp vào tức là hát giặm…

Vấn đề này cũng đã được tranh luận tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ” tổ chức vào tháng 3/2012 ở TP Vinh. Hội thảo đã đi đến thống nhất tên gọi với cách viết là “giặm” – ví, giặm xứ Nghệ”.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý truyền thông cần có sự hướng dẫn để thống nhất cách sử dụng từ ngữ về di sản ví, giặm.

Đức Chiến/ Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP