Khơi dậy hào khí “Làng chiến tích K130”
Trên đường về xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, chuyên viên phụ trách nông thôn mới (NTM) xã Tiến Lộc Nguyễn Thị Hà tự hào kể cho chúng tôi nghe về “Làng chiến tích K130” đã đi vào huyền thoại: “Đêm 13-8-1968, người dân làng Hạ Lội nơi đây đã tự nguyện dỡ 130 nhà để lót đường cho 130 ô-tô chở hàng vào tiếp viện cho chiến trường miền nam. Với chiến tích đặc biệt từ làng Hạ Lội (nay là Làng K130), cho nên trong quá trình phát động nhân dân xây dựng NTM, chúng tôi đã khơi dậy tinh thần năm xưa để bà con hiến đất, tường rào, cây cối làm giao thông (GT), kênh mương (KM)… chung sức xây dựng NTM”.
Giữa tháng bảy nắng hè oi bức, trên những con đường làng Hồng Quang (xã Tiến Lộc) ngổn ngang vật liệu, những tường rào cũ được dỡ bỏ, bức tường đang xây mới được dịch vào trong vườn cả mét đất. Cụ Võ Tá Đức, 68 tuổi đang cùng cụ bà vừa xây tường rào, vừa nói: “Sau khi được phổ biến, chúng tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm chung tay xây dựng NTM. Riêng phần mở rộng đường GT, hai vợ chồng tôi hiến hơn 35 m2 đất cùng toàn bộ tường rào”. Cùng với đó, gia đình các ông bà: Nguyễn Đình Long, Phạm Thị Em, Võ Tá Nhân, Nguyễn Văn Nhân…, hiến 45 đến 50 m2 đất, cũng đang tiến hành xây tường rào mới vào sâu trong vườn. Xóm trưởng Hồng Quang Ngô Đức Tiến cho biết: Từ ngày 27-6 đến nay, gần 100% số hộ trong xóm đã hiến hơn 1,5 nghìn m2 đất, cùng hơn một nghìn mét tường rào, dời 37 cổng, chỉnh sửa chín nhà… tạo nên tuyến đường GT trong xóm thông thoáng, rộng hơn năm mét. Không chỉ Hồng Quang mà người dân ở các thôn còn lại trong xã cũng tự nguyện tháo dỡ, dịch chuyển hơn 4,7 nghìn mét tường rào, 91 cổng nhà; hiến gần 6,7 nghìn m2 đất; 1,2 nghìn cây lưu niên cùng 43 nhà liên quan để mở rộng đường trục trong thôn. Lãnh đạo xã Tiến Lộc cho biết: Tham gia chiến dịch NTM, người dân không chỉ mở rộng đường GT mà còn dịch chuyển hệ thống điện, xây dựng kênh mương bê-tông nội đồng, làm hội quán, cải tạo vườn cây, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập… Tiến Lộc phấn đấu hoàn thành 100% tiêu chí NTM ngay trong năm 2015 để về đích trước kế hoạch một năm.
Vợ chồng ông Võ Tá Đức ở xã Tiến Lộc hiến 35m 2đất cùng tường rào để mở rộng đường liên thôn đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã thuần nông Thanh Lộc, nơi có một phần tư số dân là giáo dân, là một trong ba xã đầu tiên của Can Lộc về đích NTM và về đích trước kế hoạch một năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết: Với tinh thần Làng chiến tích K130, Thanh Lộc đã tạo nên sức mạnh đồng thuận trong toàn đảng bộ và nhân dân. Trong bốn năm xây dựng NTM, xã đã huy động được 154 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 100 tỷ đồng cùng hơn 35 nghìn ngày công để làm đường GT, KM cùng các công trình hạ tầng khác. Với tinh thần dân chủ thực sự, người dân được quyền quyết định xây dựng công trình nào trước, công trình nào sau. Các xóm lập tổ xây dựng để thi công công trình theo đúng thiết kế mẫu cho nên giảm chi phí đầu tư từ 25 đến 30%… Từ chỗ không có doanh nghiệp (DN), HTX nào, đến nay Thanh Lộc đã tạo dựng được hơn 10 DN, HTX dịch vụ, sản xuất và hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập từ 70 đến hàng trăm triệu đồng/năm…
Về các xã Khánh Lộc, Thiên Lộc… hôm nay, những tuyến đường bê-tông thoáng rộng, thẳng, dài tít tắp chẳng khác gì đường quốc lộ. Những căn nhà kiên cố ẩn hiện trong vườn cây, điểm xuyết những nhà cao tầng tân kỳ tạo nên dáng dấp phố trong làng. Cánh đồng lúa thẳng cánh cò xanh mướt bên những con kênh bê-tông no nước và đường nội đồng khá lớn; nhà văn hóa xây dựng hoành tráng, chiều tối đón người dân đến sinh hoạt thể thao, văn hóa… tạo nên một dấu ấn NTM ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Được biết, năm 2014, Can Lộc là một trong bốn huyện đầu tiên của Hà Tĩnh có ba xã về đích NTM. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 285 tiêu chí NTM và không còn xã dưới bảy tiêu chí NTM…
Nông thôn mới ở “địa chỉ đỏ”
Là người có thâm niên lăn lộn chỉ đạo phong trào cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc Võ Thúc Đồng chia sẻ: Nhiều thế hệ lãnh đạo Can Lộc qua các thời kỳ luôn đau đáu làm sao xây dựng quê hương xứng tầm với truyền thống cách mạng. Sau ngày tái lập tỉnh, Can Lộc là một trong những địa phương luôn dẫn đầu tỉnh trong các phong trào xóa nhà tranh tre dột nát, dồn điền đổi thửa, đầu tư cơ giới hóa, chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng và xây dựng NTM do tỉnh phát động (lúc đó Trung ương chưa triển khai Chương trình quốc gia xây dựng NTM).
Can Lộc đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều quy hoạch chi tiết khác. Sau hơn bốn năm bắt tay vào xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Can Lộc có nhiều thay đổi. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, mỗi năm huyện làm hàng trăm km đường bê-tông và nhựa các loại. Ngoài ra, nhân dân hiến hàng vạn m2 đất, ngày công lao động cùng hơn 300 tỷ đồng cứng hóa hơn 360 km đường GT nông thôn, GT nội đồng, hơn 180 km kênh mương cứng, xây dựng 20 trụ sở, hội trường; 100 phòng học, 10 trạm y tế; 66 hội quán cùng hàng trăm công trình hạ tầng và phúc lợi khác… Có được kết quả như vậy, ngoài đầu tư của ngân sách (chỉ chiếm khoảng 30%), còn lại chủ yếu là huy động sự đóng góp của nhân dân.
Đến nay, các xã trong huyện đã cơ bản thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch, làm đất; chuyển dịch hẳn từ vụ đông xuân thành vụ xuân. Nhiều xã sản xuất cánh đồng mẫu lớn từ 10 ha đến 100 ha với một loại giống theo hướng hàng hóa và sản xuất, giống lúa nhân dân. Giá trị thu nhập đạt 75 triệu đồng/ha/năm. Bước đầu huyện đã chỉ đạo thành công một số mô hình sản xuất liên kết theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm. Đến nay, Can Lộc xây dựng được 948 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, trong đó có 273 mô hình đạt doanh thu từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng/năm; số DN, HTX sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực tăng hơn gấp hai lần với năm 2010. Nhiều DN, HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp hơn 30% trong tổng thu ngân sách nội địa… Thông qua Đề án phát triển sản xuất, xã Thượng Lộc đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế lớn, như trang trại nuôi lợn siêu nạc quy mô 2.400 con/lứa của gia đình anh Minh San ở xóm Sơn Bình; mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi 500 con lợn/lứa của chị Nguyễn Thị Hải; hay mô hình trồng cam của chị Phan Thị Hiền ở xóm Anh Hùng… đều cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Thượng Lộc đã liên kết với DN thành lập nhiều trang trại, tổ hợp, HTX; bước đầu đã chuyển đổi được 60 ha đất lúa thu nhập thấp thành các vùng chuyên canh rau, quả sạch theo hướng VietGAP cho thu nhập cao; trồng 70 ha cam, bưởi và tạo dựng thương hiệu cam Thượng Lộc.
Đại hội Đảng bộ huyện khóa 35 (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định quyết tâm chính trị rất cao là phấn đấu đến năm 2020, đưa Can Lộc trở thành huyện đạt chuẩn NTM, trong đó bốn xã đạt NTM kiểu mẫu. Để vượt qua thách thức này, huyện còn nhiều việc phải làm, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu: Trước tiên, tiếp tục tập trung củng cố đội ngũ cán bộ gắn với cải cách thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ tiếp tục được trẻ hóa, năng động và nhạy bén. Cùng với đó là sự đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo và lãnh đạo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo hướng DN hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư; tăng quy mô và chất lượng các loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Huy động tốt các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và thực hiện các tiêu chí NTM; đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất, nhân rộng và đa dạng hóa các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bền vững. Ưu tiên tăng cường phát triển khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, DN, HTX…
Bí thư Huyện ủy Can Lộc Võ Hồng Hải khẳng định: Cùng với tập trung phát triển sản xuất, Can Lộc sẽ ưu tiên tạo bước đột phá về phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng khu chùa Hương Tích để sớm trở thành khu du lịch tâm linh lớn của vùng; Phát triển xã Đồng Lộc gắn với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc thành đô thị loại 5. Gắn kết chùa Hương Tích, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Làng văn hóa Trường Lưu, Khu tưởng niệm Làng chiến tích K130, Khu sinh thái Trại Tiểu… thành quần thể du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…