Lộc Hà

Cần làm rõ hóa chất xử lý mầm bệnh đốm trắng kém hiệu quả ở Hộ Độ!

Từ ngày 25/6, bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện ở 3 hộ nuôi và lây lan ra 40% diện tích của vùng nuôi Hà Voọc, xã Hộ Độ (Lộc Hà). Điều khiến người dân băn khoăn là có phải dịch lây lan diện rộng do hóa chất chlorine xử lý mầm bệnh không hiệu quả?

Cần làm rõ hóa chất xử lý mầm bệnh đốm trắng kém hiệu quả ở Hộ Độ!

Thùng hóa chất chlorine được cấp cho hộ ông Lê Thế Hòa đã bị vón cục.

Từ ngày 25/6, hồ tôm sú của các hộ Trương Bá Thạch, Trần Đình Lâm và Đào Xuân Sơn cùng ở vùng nuôi Hà Voọc xuất hiện triệu chứng tôm chết dạt vào bờ, giảm ăn. Khi kiểm tra, người dân phát hiện thân tôm có màu hồng tím, có những đốm trắng tròn ở dưới lớp vỏ. Diện tích ở cả 3 hồ nuôi này là 19.000 m2 và đã đến kỳ thu hoạch. Trước sự việc này, cơ quan chuyên môn huyện và Chi cục Thú y đã lấy mẫu, kết luận tôm trong 3 hồ nuôi dương tính với bệnh đốm trắng.

Ngày 1/7, Chi cục Thú y đã cấp đủ 650 kg hóa chất từ nguồn hỗ trợ dự trữ quốc gia cho 3 hộ nhưng vì lý do đặc biệt, hộ ông Trần Đình Lâm xin hoãn việc tiêu hủy tôm bệnh bằng hóa chất chlorine, 2 hộ còn lại (Trương Bá Thạch và Đào Xuân Sơn) vẫn tiến hành xử lý nhằm tiêu khử mầm bệnh, chặn nguy cơ lây lan trên diện rộng. Vào lúc này, bệnh đốm trắng phát sinh thêm ở đầm tôm của ông Lê Thế Huệ và cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục cấp thêm 250 kg (5 thùng) hóa chất chlorine, đủ xử lý triệt để 5.100 m2 bị nhiễm vi-rút.

Trớ trêu thay, cùng một lô thuốc (hạn dùng đến tháng 8/2015, xuất xứ từ Trung Quốc), cùng nồng độ khử như nhau (theo hướng dẫn 35 kg/1.000 m2) nhưng chỉ có hồ của ông Lê Thế Huệ là tiêu hủy gần như hoàn toàn mầm bệnh, còn tôm của ông Thạch, ông Sơn thì vẫn “lúng búng” trên mặt nước sau nhiều giờ xử lý.

Ông Trương Văn Tùng – Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Voọc cho biết: “Trước khi xử lý, các hộ đã mở nắp kiểm tra các thùng hóa chất nhưng mùi không sốc, bột bị vón cục. Thấy nghi ngờ, bà con đã theo dõi ở đầm tôm của hộ ông Trương Bá Thạch và Đào Xuân Sơn, tôm, cua, cá vẫn sống sau 6-8 tiếng từ thời điểm xử lý hóa chất chlorine”.

Hôm chúng tôi có mặt tại vùng tôm Hà Voọc, các bên liên quan đang tập trung chỉ đạo hộ nuôi Lê Thế Hòa pha hóa chất chlorine đánh xuống hồ 7.000 m2 để tiêu khử bệnh đốm trắng sau 1 tuần phát hiện và báo cáo lên xã (phát hiện nhiễm vi-rút từ ngày 5/7). Ông Lê Thế Hòa cho biết: “Do gặp sự cố nên chúng tôi đã yêu cầu Chi cục Thú y cấp hóa chất có hạn sử dụng mới hơn. Ở hồ của tôi, lô hóa chất có hạn dùng đến 11/8/2016. Tuy nhiên, khi mở ra vẫn bị vón cục và gần như không có mùi sốc của hóa chất”.

Nói rồi, người nhà của ông Hòa đổ thùng chứa bột hóa chất chlorine mà gia đình vừa nhận về, bột đã vón lại thành từng cục, lớn cũng phải có đường kính lên vài chục cm, phổ biến là loại 3-7 cm.

Giải thích về vấn đề này, bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Qua kiểm tra thì đúng là một số thùng hóa chất cấp về cho các hộ dân ở vùng nuôi Hà Voọc có vấn đề về chất lượng, dẫn đến hiệu quả xử lý chưa cao. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt, số hóa chất này thuộc 2 lô hóa chất chlorine mà chi cục nhận từ nguồn hỗ trợ dự trữ quốc gia (hạn sử dụng đến tháng 8/2015 và tháng 8/2016) và bảo quản đúng điều kiện tại kho dự trữ của chi cục. Theo đúng quy trình, trước khi đưa hàng về kho, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra bao bì, nhãn mác và chất lượng bên trong. Trong đợt dịch này, chúng tôi đã cấp 5,1 tấn xử lý triệt để vùng tôm bị dịch ở 3 huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà”.

Nói thêm về hiện tượng xử lý hóa chất mà tôm, cá vẫn sống, bà Hoàn cho rằng, xác suất này là hoàn toàn cho phép. Không có nghĩa các sinh vật trong ao còn sống, có nghĩa vi-rút chưa được tiêu diệt. Bằng chứng là, kết quả kiểm tra của cơ quan Thú y vùng III đã kết luận mẫu tôm sau khi xử lý hóa chất đã âm tính với bệnh đốm trắng! Còn việc xử lý thường dao động 5-7 ngày kể từ khi phát hiện bệnh hoàn toàn không “vướng” ở Chi cục Thú y: “Ngày 1/7, chúng tôi nhận được hồ sơ của các hộ dân vùng nuôi Hà Voọc, ngay hôm đó, chi cục cho xuất hóa chất luôn mà vẫn cho nợ tờ trình của huyện”.

Tất nhiên, người nông dân có cái lý của họ. Kiến thức mà họ có chỉ duy nhất là kinh nghiệm và trực quan. Theo lý thuyết thì nếu đảm bảo đúng quy trình và nồng độ, chlorine có thể hủy diệt cơ bản mầm sống trong ao nuôi, song, hàm lượng hoạt tính có thể giảm 5% tùy thuộc vào thời gian sử dụng và điều kiện bảo quản. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể do quy trình xử lý chưa đảm bảo (không dùng nước ngọt hòa tan như chỉ định, thời gian xử lý kéo dài…) nhưng cũng có thể nằm ở khâu bảo quản tại kho dự trữ của cơ quan thú y và công tác tái kiểm tra trước khi xuất kho của các bên chưa thật chu đáo?!

Theo chúng tôi được biết, đây không phải là lần đầu các vùng nuôi tôm của tỉnh được xử lý hóa chất, xử lý mầm bệnh đốm trắng kém hiệu quả. Bởi vậy, cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp hạn chế thấp nhất tình trạng này, tạo tâm lý yên tâm cho người nuôi.

Nguyễn Oanh – Thăng Long/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP