Theo sử liệu, Văn Miếu Hà Tĩnh được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1883) trên cánh đồng xã Đồng Lộ, nay thuộc phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh.
Khi đó, Văn Miếu được đặt trên một khu vườn rộng, xung quanh cây cối sầm uất, lúc đầu chỉ có một ngôi nhà lợp tranh, về sau được tu tạo dần, đến trước cách mạng tháng Tám (1945) đã trở thành một quần thể kiến trúc quy mô lớn.
Theo lời kể, hàng năm đến ngày lễ chính như tế xuân, tế thu hoặc lục ngạt đều tổ chức làm tế lễ và các nghi thức trang trọng do các vị quan đầu tỉnh đứng ra chủ trì.
Văn Miếu Hà Tĩnh đang được phục dựng
Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Văn Miếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án “Phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Hà Tĩnh”.
Theo đó, Văn Miếu Hà Tĩnh sẽ được xây dựng 19 hạng mục, trong đó có các công trình quan trọng như: nhà đại bái, nhà tả hữu vu, nhà bia, nhà trưng bày, khải thánh, văn miếu môn…
Ông Phạm Tiến Sinh, Trưởng ban quản lý công trình xây dựng cơ bản thành phố Hà Tĩnh, cho biết nguồn ngân sách để xây dựng Văn Miếu Hà Tĩnh sẽ được đầu tư một phần từ tỉnh và kêu gọi đóng góp xã hội hóa.
Ông Sinh thông tin, Dự án đã được một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội tài trợ xây dựng hạng mục nhà đại bái có giá trị khoảng hơn 10 tỉ đồng, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội tài trợ 900 triệu đồng.
“Còn nhiều hạng mục khác của dự án cần nguồn vốn để thực hiện, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để công trình Văn Miếu có thể hoàn thành sớm, đưa vào sử dụng nhằm phát huy giá trị của nó”, ông Sinh cho biết.
Dưới đây là những hình ảnh tại di tích Văn Miếu Hà Tĩnh:
Cổng phụ bên phải
Cổng phụ bên trái
Cổng hậu
Hướng nhìn từ nhà đại bái ra cổng chính
Nhà đại bái đang xây dựng phần móng
Gỗ lim được nhập từ Lào về
Cột gỗ tròn được các thợ mộc tỉ mỉ bào thủ công
Nhóm thợ Bắc Ninh đảm nhiệm phần mộc
Gạch men trang trí hàng rào quanh khuôn viên Văn Miếu
Các sản phẩm đá có nguồn gốc từ Thanh Hóa
Phối cảnh Văn Miếu Hà Tĩnh
T.Hùng / GĐVN