Vào những ngày nàymặc dầu thời tiết mưa, rét nhưng nhiều cán bộ thú y ở huyện Cẩm Xuyên và cán bộ thú y các xã đang được điều động xuống các hộ gia đình chăn nuôi hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng chống dịch cúm gia cầm. Gia đình chị Bùi Thị Oanhở Thôn Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên hiện nay nuôi 500 con gà. Mặc dầu trên địa bàn tỉnh ta cũng như ở Cẩm Xuyên chưa xẩy ra dịch cúm gia cầm nhưng chị cũng như nhiêù hộ chăn nuôi ở Cẩm Duệ rất lo lắng. Hôm nay được cán bộ thú y xã và huyện đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch cúm gia cầm, bảo vệ vật nuôi chị rất phấn khởi và thực hiện cách phòng phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ |
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: Những năm gần đây xã Cẩm Duệ có ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh. Hiện nay toàn xã có 17 trang trại, 31 gia trại chăn nuôi tập trung, trong đó có những mô hình chăn nuôi liên kết, doanh nghiệp đầu tư giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, người dân đầu tư công sức lao động. Đây cũng là điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Trong đợt này, Cẩm Duệ đã phối hợp với thú y huyện và doanh nghiệp chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ, kịp thời trong phòng chống dịch.
Tiêm phòng định kỳ |
Là địa phương có đường Quốc lộ 1A chạy dọc từ đầu đến cuối huyện là đầu mối giao thương quan trọng, lượng gia cầm vận chuyển đi qua địa bàn với số lượng lớn, thường xuyên. Mặc dầu ở địa phương cũng như tỉnh ta chưa xẩy ra dịch nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và rút kinh nghiệm từ những năm trước, lần này Cẩm Xuyên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để phòng chống. Huyện đã cử cán bộ thú y bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cách phòng chống cho các hộ chăn nuôi.
Hiện nay, Cẩm Xuyên có tổng đàn trên 500 ngàn con gia cầm, thủy cầm. Đây là một trong những địa phương có đàn gia cầm, thủy cầm lớn nhất tỉnh. Ngoài các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung thì vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn gặp những khó khăn nhất định. Để bảo vệ đàn vật nuôi cùng với việc tuyên truyền vận động, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, Cẩm Xuyên cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra vận chuyển, giết mổ gia súc trên các địa bàn.
Văn Quốc/HTTV