Xã hội

Buôn lậu, gian lận thương mại: Từ công khai đi vào... tinh vi

Đây là nhận định của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương về thực trạng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trong 6 tháng đầu năm 2018.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường cho biết: Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tuy không còn công khai như trước đây, tập trung tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang…), biên giới miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…), biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…).

Hàng hóa vi phạm tập trung chủ yếu gồm rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực…

Đáng chú ý, khu vực biên giới các tỉnh Tây Nam bộ hoạt động vận chuyển tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại, đường cát diễn biến phức tạp.

Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn như vận chuyển hàng hoá trên xe ôtô cá nhân, sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau, thiết kế hầm bí mật trên xe, nguỵ trang hàng lậu, hàng cấm lẫn với hàng hoá khác, chia nhỏ hàng hoá để vận chuyển nhiều lần, thường xuyên thay đổi tuyến đường, địa bàn hoạt động.

Tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: CTV

Tương tự, tình hình gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, các hành vi gian lận chủ yếu là: Quay vòng hoá đơn để hợp thức hoá hàng lậu; kê khai giá trên hoá đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng; gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu, phân bón, sang chiết gas trái phép; sản xuất hàng hoá chưa được phép lưu hành, sử dụng phương tiện không có tem kiểm định...

Trong khi đó, hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng: tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử-điện máy, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện...

Tuy lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng do hàng hoá có chất lượng không cao, giá thành rẻ, gia công với chi phí thấp nên tình trạng này vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.

Một báo động nữa đó là vi phạm về an toàn thực phẩm, kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia không được phép sử dụng vẫn tồn tại và rất khó truy xuất nguồn gốc; hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khoẻ người tiêu dùng.

Với thực trạng như thế, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã quyết liệt ra quân, kiểm tra 79.284 vụ; phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng; trong đó có những lĩnh vực mặt hàng đạt kết quả cao, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Cụ thể, về an toàn thực phẩm: đã xử lý 4.663 vụ vi phạm; xử phạt 11,2 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ trên 8,9 tỷ đồng. Về mặt hàng phân bón: kiểm tra 728 vụ; phát hiện, xử lý 367 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng; buộc tái chế gần 42 tấn phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Riêng đối với buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 4.908 lượt; phát hiện, xử lý 2.342 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 8,9 tỷ đồng; tịch thu gần 390.000 bao thuốc lá các loại, thu giữ 7 xe ôtô, 89 xe máy, 5 phương tiện khác và chuyển cơ quan Công an 16 vụ.

Còn mặt hàng xăng dầu, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.412 lượt; phát hiện, xử lý 722 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 5,1 tỷ đồng...

6 tháng đầu năm, Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm.

Dù số vụ việc kiểm tra nhiều, nhưng so với thực tế vi phạm, thì vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân, theo Cục Quản lý thị trường là do kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hàng hoá là thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại, động, thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và khó khăn trong việc lưu giữ, bảo quản.

Cùng với đó, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tại các địa phương có địa bàn kênh rạch nhiều, hoạt động buôn bán chủ yếu diễn ra trên sông nước nhưng lực lượng Quản lý thị trường không có xuồng máy, ca nô để kiểm tra, kiểm soát.

Xe cộ thiếu thốn, không đảm bảo cơ động kịp thời, đặc biệt ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; Biên chế mỏng, nhiều Đội Quản lý thị trường chỉ có từ 3-4 biên chế trên địa bàn một huyện hoặc thậm chí 2-3 huyện, không đảm bảo lực lượng ứng trực khi phát sinh những vấn đề phức tạp về hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn.

Trong khi đó, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức Quản lý thị trường chưa đồng đều nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm. Vẫn còn có công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý…

Tác giả: Lệ Thúy

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP