Lao Động - Việc Làm

Buôn lậu mùa giáp tết: Hàng lậu ùn ùn qua cửa ngõ Cầu Treo

Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) mùa giáp tết nhộn nhịp hơn rất nhiều so với bình thường. Nhiều tay buôn đổ xô sang Thái Lan, Lào… nhập hàng lậu về “đổ kho”.

Đội lốt xe khách để chở hàng

Tay buôn có tên Lê Văn T. (41 tuổi, xã Sơn Kim 1) là thổ địa tại khu vực cửa khẩu này. T. có tiếng ở đất Hương Sơn về hàng lậu nên nắm rõ chuyện buôn lậu như lòng bàn tay. Tôi dò tìm đến nhà T. nằm sát QL8 (trục đường chính lên cửa khẩu Cầu Treo), trong vai người đi tìm mua máy tính xách tay và hàng “con” (động vật hoang dã) về bán lại, nên T. rất hăng hái chỉ đường. “Hàng bây giờ không thiếu, vấn đề là em có đưa nó qua khỏi trạm kiểm soát hải quan không thôi. Bây giờ, dân ở đây không mần ăn vụn vặt như trước nữa, mà dùng ô tô 12 – 24 chỗ ngồi, thậm chí xe tải lớn để vận chuyển hàng từ Lào, Thái Lan về. Làm lớn rứa mới có ăn được”, T. nói.


Tại cửa khẩu Cầu Treo, các chốt ở cổng A và B chỉ lác đác vài nhân viên kiểm soát. Trước 12 giờ trưa, QL8 vắng tanh người. Nhưng qua giờ này, hàng loạt xe ô tô mang biển số Lào phóng như gió từ cửa khẩu Cầu Treo (giáp ranh biên giới Lào và Việt Nam) về thị trấn Tây Sơn. Tôi thắc mắc vì sao xe khách nhiều nhưng xe nào cũng ít khách thế, T. chặc lưỡi: “Đội lốt xe khách để chở hàng đó”.

Chủ yếu là buôn lậu động vật

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Quan Chí, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cầu Treo, cho biết: “Năm 2010 gần 100 vụ buôn lậu vận chuyển hàng hóa trái phép, không có giấy tờ thủ tục hợp lệ mà cửa khẩu Cầu Treo phát hiện, bắt giữ chủ yếu là động vật hoang dã và ngoại tệ, còn hàng điện tử, điện lạnh hầu như không có”. Ông Trần Đình Lục, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh, cũng nhìn nhận năm nay hàng buôn lậu điện tử khan hiếm vì tỷ giá USD biến động mạnh, hàng điện tử qua cửa khẩu hầu như không có.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tay buôn lậu sau khi chở hàng về phải qua hai cổng: cổng A (tức là tại cửa khẩu) về thị trấn Tây Sơn chưa bị kiểm soát (do cửa khẩu Cầu Treo là khu kinh tế mở); cổng B mới bắt đầu kiểm tra thủ tục giấy tờ. Vì thế, các tay buôn lậu sẽ đổ hàng vào kho ngay tại thị trấn mà không qua cổng B. Sau một vài ngày, cánh buôn lậu sẽ tìm cách trà trộn hàng để đổ về các TP lớn. Tuy nhiên, nhiều tay buôn vẫn có thể vượt qua được lực lượng hải quan để hàng qua cổng B bằng cách đi xe gắn máy lẻn vào các đường làng rồi theo QL8A chạy về thị trấn Đức Thọ ra QL1A. Hàng chỉ vận chuyển vào buổi trưa, đêm khuya. Sau khi hàng về kho an toàn, các tay buôn sẽ cho đóng kho lại rồi xuất hàng ra từ từ.


12 giờ trưa, một chiếc xe container chất đầy nước uống tăng lực ngang nhiên đổ hàng ngay giữa thị trấn Tây Sơn. Hàng trên xe lần lượt được bốc vào kho. Cửa hàng chỉ mở khi có khách quen đặt trước hoặc thông qua “cò” hàng giới thiệu. “Muốn mua hàng điện tử đến cửa hàng H.L, L.C, G.N và N.S… Muốn mua hàng “con” đến các tiệm N.L.C, T.T…”, một người tên L. cho hay. Cũng theo L.: “Những tiệm lớn này đóng cửa 24/24, chỉ khi có khách gọi lấy hàng mới mở cửa…”.


Nhìn bề ngoài, các hàng điện tử, điện lạnh tại các thị trấn Tây Sơn, Phố Châu, huyện Hương Sơn có vẻ yên ắng. Nhưng khi tôi hỏi tay cửu vạn tên T. cần mua gấp 20 chiếc máy tính xách tay, anh này trả lời: “Nếu chị muốn lấy máy tính xách tay với số lượng nhiều tại cửa hàng H.L thì phải nhờ tôi đưa đến giới thiệu. Khi cảm thấy tin tưởng, họ sẽ mở kho lấy hàng cho chị. Hàng lậu ở đây không mở cửa tự do. 12 cái chứ 200 cái cũng có ngay, giá từ 9,8 – 26,2 triệu đồng/cái”.


Một tay cửu vạn tên Lê Văn B. (ở xã Sơn Kim 1, H.Hương Khê) cho biết: “Càng ngày dân buôn lậu tại cửa khẩu Cầu Treo càng tinh vi hơn. Họ hợp thức hóa hàng lậu, xe vận chuyển hàng lậu bằng các giấy tờ hợp lệ!”. Khi tôi thắc mắc, B. lý giải: “Họ là đại gia, quen thân nhiều, xin một cái giấy phép đi buôn thì có gì là khó? Tuy nhiên đây là những tay buôn có tiếng mới làm được”. Rồi B. nói thêm: “Tôi là đệ tử thân cận với một tay buôn lậu khét tiếng tại TP Hà Tĩnh, khi mới lấy về một chiếc ô tô, anh ta liền nhắn tin cho một số “tay trên” về biển số xe của hắn… nên việc vận chuyển hàng qua cửa khẩu êm như gió!”.


“Nóng” hàng động vật hoang dã


“Nóng” nhất ở Cầu Treo dạo này là hàng “con” (động vật hoang dã). Nhiều trùm buôn lậu hàng điện tử nay chuyển sang hàng “con” vì lợi nhuận cao. Do địa bàn rộng, các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát, phòng chống các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, khó lường. “Hoạt động buôn bán động vật hoang dã rất tinh vi và đều diễn ra trên rừng, nếu bị phát hiện sẽ phi tang rất nhanh”, một cán bộ hải quan tại cửa khẩu Cầu Treo, cho biết.


Ngoài kỳ đà, rắn, trút, chồn, giới buôn lậu còn “ăn” cả gấu, hổ… Để qua cửa khẩu, dân buôn lậu thuê cửu vạn hoặc cho “chim lợn” canh ở khu vực biên giới rồi băng rừng theo hình vòng cung để qua mắt hải quan, vận chuyển về thị trấn Tây Sơn rồi đi ra QL8A, qua địa phận H.Đức Thọ ra QL1A để đi tiêu thụ.


Một chiêu khác nữa là cánh buôn lậu chất động vật nằm dưới tầng hầm xe ô tô “xịn” hoặc ngụy trang bằng cách “đội lốt” xe chở khách để vận chuyển động vật hoang dã. Mới đây, chiều ngày 5.12, trên QL8A, thuộc xã Đức Hòa, H.Đức Thọ, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh kết hợp với lực lượng hải quan cửa khẩu bắt chiếc xe Camry mang biển số 37N-4537 vận chuyển 63 con tê tê từ Thái Lan về Lào rồi chuyển vào Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo…


Trương Hoa

Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP