Cục An toàn Thực phẩm cũng yêu cầu ngành y tế địa phương báo cáo cụ thể về vụ việc và số người ngộ độc, tử vong. Đến sáng 14/2 đã có 6 người tử vong.
Ngay sau khi sự việc trên xảy ra, các đơn vị liên quan của ngành y tế đã lấy tất cả mẫu thực phẩm, rượu trong bữa cỗ để gửi đi kiểm nghiệm. Test nhanh mẫu rượu cho kết quả âm tính với cồn công nghiệp methanol.
Theo ông Phong, tuy nhiên việc kết luận nguyên nhân ngộ độc cần phải kiểm nghiệm thêm đồng thời căn cứ trên giám định pháp y.
Theo phóng viên TTXVN tại Lai Châu, lời khai của các nhân chứng cho thấy, tại đám tang, các nạn nhân có uống rượu mua tại xã biên giới Sì Lở Lầu và ăn kẹo do Trung Quốc sản xuất. Tất cả đều có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đau bụng, giãn đồng tử và tử vong.
Trước đó, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lẻng (sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức ăn cơm uống rượu.
Đến tối, ông Lẻng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong lúc 22 giờ cùng ngày.
Sau khi ông Lẻng tử vong, gia đình tổ chức hậu sự, nhân dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11, 12, 13/2 theo phong tục địa phương.
Ngày 13/2 đã xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi tử vong.
Các nạn nhân cùng là người Hà Nhì, hầu hết cùng ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải. Trong số 6 người tử vong, có người chết tại nhà, có người tử vong trên đường đi cấp cứu, có người tử vong sau khi cấp cứu, có người tử vong khi đang làm nương.
Ngoài ra, 15 người khác bị ảnh hưởng đã được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế các tuyến huyện, tỉnh; bốn người đã được cho về nhà./.