Trong nước

Bộ trưởng tính như thế nào để thu hồi, trả bờ biển cho người dân?

Đó là một trong nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trong phiên chất vấn diễn ra sáng nay (5/6) về tình trạng tư nhân “rào đường, xây tường” bịt lối khiến người dân không còn đường xuống biển.

Theo đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT cần rà soát lại hệ thống pháp luật, cần rà soát bờ sông, bờ biển, trả bờ sông, bờ biển cho đất nước, cho người dân Việt Nam. Không để nhà đầu tư chiếm bờ sông bờ biển, bởi đó là bất công.

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, chiều 4/6, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) cũng đã gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Trần Hồng Hà: Trong quá trình phát triển nhiều địa phương do ưu đãi đầu tư đã giao hàng vạn hecta đất cho tổ chức doanh nghiệp xây dựng dự án khu đô thị, khu du lịch làm mất quyền tiếp cận chính đáng của người dân với biển, gây khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Bộ trưởng cho biết hướng xử lý vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đây là một vấn đề có thể nói Đà Nẵng khá rõ ràng. Vừa rồi Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp ngành của Đà Nẵng tập trung xử lý rất rốt ráo. Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển thì vấn đề bảo vệ hành lang bờ biển, trong đó có nói đến giới hạn từ đường ranh giới chiều cao trở vào trong 100 m là không đầu tư những công trình mang tính chất thương mại, kinh tế và từ mức chiều thấp trở ra thì phải tính toán cho các đầu tư về công cộng, các công trình cần thiết đã có quy định.

“Chúng ta xử lý, ưu tiên các nhà đầu tư, trên thực tế có thể nhà đầu tư tùy tiện đã lợi dụng thì hiện nay việc xử lý như Đà Nẵng để đưa lại kỷ cương và đưa lại các quy định pháp luật là cần thiết. Quan điểm là bờ biển sử dụng chung, không phải một doanh nghiệp, tổ chức nào cả. Bờ biển, sử dụng biển là của nhân dân nên công việc ấy, chúng tôi cho rằng, các địa phương khác có trường hợp như vậy, chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý, chúng ta có sự ủng hộ của nhân dân nên cần phải chấn chỉnh, lập lại trật tự này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, việc quản lý hành lang bờ biển đã được thể chế hóa bằng Luật Tài nguyên nước trong đó quy định hành lang bờ sông, bờ biển cần bảo vệ; Luật Biển, Luật Tài nguyên Môi trường biển có quy định về ranh giới cần bảo vệ.

“Tôi cho rằng không cần thêm mà chỉ cần thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, đưa luật vào cuộc sống là được. Tại sao tôi nhấn mạnh Đà Nẵng, tại sao Đà Nẵng làm được vì địa phương này đã dựa trên pháp luật. Chúng ta đã không tuân thủ pháp luật, cho phép các doanh nghiệp lấn chiếm trái phép mà thôi.

Trong trường hợp bất khả kháng, chúng ta sẽ xem xét điều chỉnh. Luật pháp không hoàn toàn hồi tố các quy định. Nhưng từ nay trở đi, Luật có hiệu lực thì việc thực hiện đòi hỏi kỷ luật, kỷ cương”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu.

Cũng quan tâm tới vấn đề này nhưng chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tiếp tục xin tranh luận.

ĐB Hòa cho biết, hôm qua Bộ trưởng trả lời là bãi biển, bờ biển dân được phép, có quyền tự do đi tắm thuận lợi dễ dàng. Tuy nhiên sự việc không đơn giản như vậy. Hiện nay, dân muốn xuống tắm nhưng ở phía trên bờ biển tư nhân hóa đã quản lý hết trơn rồi. Thậm chí người ta còn chắn rào thì làm sao dân đi xuống đươc? Đây là bất cập về quản lý đất đai bờ biển cho tư nhân mua bán, hoặc mua bán hợp pháp. Như vây giải pháo sắp tới Bộ trưởng tính như thế nào để thu hồi lại đất cho người dân, đặc biệt trong tương lai gần đặc khu Phú Quốc cũng như vậy?

Một lần nữa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, nếu bờ biển được giao cho tư nhân… là không đúng. Bởi hiện nay, theo quy định pháp luật, các luật về tài nguyên môi trường biển, luật sông… có trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước theo các cấp. Đà Nẵng đã làm được, căn cứ vào luật mà làm.

“Doanh nghiệp cũng rất chặt chẽ pháp luật nhưng sai phải sửa, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. Về góc độ pháp luật, đồng ý sẽ cùng xem xét làm rõ thêm… Tuy nhiên tôi cho rằng, dưới góc độ pháp luật là đầy đủ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đối với những dự án được cấp trước khi các luật ra đời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng “việc hồi tố trước khi Luật tài nguyên môi trường biển quy định trước đây là vấn đề phải xem xét kỹ, có sự đồng thuận của cả nhà đầu tư, cũng như giải quyết nhu cầu hiện nay theo quy định, đó là toàn dân được hưởng môi trường biển… Như vậy các lối đi cần phải được thảo luận giữa chính quyền và nhà đầu tư”.

Tác giả: N. Huyền

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP