Trong nước

“Bổ nhiệm quá nhiều Thứ trưởng, lúc muốn giảm không biết giảm ai”

Số lượng Thứ trưởng các Bộ và Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là do Chính phủ quy định nhưng không quá 3 người, trong trường hợp cần thiết vượt số lượng này thì phải do Thường vụ Quốc hội quy định, tránh để “lạm phát” Thứ trưởng.

Đó là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu đặt ra thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng nay (7/11).

Bao nhiêu Thứ trưởng cho vừa?

Đề cập đến số lượng Thứ trưởng trong các Bộ hiện nay, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị trong luật cần quy định rõ mỗi Bộ chỉ nên giới hạn từ 4 – 5 Thứ trưởng chứ không để “lạm phát”, có Bộ lên tới gần 10 Thứ trưởng như hiện nay. Đại biểu dẫn dụ ngay với Bộ Quốc phòng, dù đã có Đô đốc Hải quân, bao quát cả vấn đề tàu ngầm, nhưng giờ lại có một Thứ trưởng phụ trách tàu ngầm.

Đại biểu 
Đại biểu 
Chu Sơn Hà – đoàn Hà Nội: Mỗi Bộ chỉ nên giới hạn 4-5 Thứ trưởng.  (ảnh: TTXVN)

Cùng vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn: Không rõ các Bộ ở nước ta có đến bao nhiêu Thứ trưởng mới vừa? Đại biểu Khánh cho rằng, trong luật cần phải quy định luôn bao nhiêu Thứ trưởng trong một Bộ như các nước đang làm. Nếu không làm như vậy rất dễ dẫn đến “lạm phát” Thứ trưởng như thời gian qua.

“Tôi không hiểu mỗi Bộ có bao nhiêu Thứ trưởng cho vừa. Nếu trong luật không quy định cụ thể rồi để các Bộ bổ nhiệm quá nhiều Thứ trưởng, rồi đến lúc muốn giảm bớt cũng không biết giảm ai như thời gian vừa qua” đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.

Đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên – Huế) phản ánh tình trạng biên chế trong bộ máy hành chính thời gian qua phình ra rất nhiều. Theo đại biểu, điều này không chỉ nói đến bộ máy hành chính cồng kềnh mà nó còn liên quan đến ngân sách. Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.

Liên quan đến cấp phó, đại biểu Hà Huy Thông đề nghị trong Luật Tổ chức Chính phủ nên chốt số lượng cấp phó. Mỗi Bộ có vai trò khác nhau nên số lượng bao nhiêu Thứ trưởng nên để cho Chính phủ bàn cụ thể.

“Hôm qua bàn về Luật Quân đội nhân dân sửa đổi và Luật Công an nhân dân sửa đổi, chúng ta cứ bàn cấp Tổng Cục phó thì là Trung tướng hay Thiếu tướng. Tôi nghĩ Trung tướng hay Thiếu tướng không quan trọng nhưng nếu như ông Tổng cục trưởng có đến 7 – 8 ông phó thì lại là ngần ấy vị Tướng. Cho nên tôi nghĩ luật phải chốt số lượng cấp phó” đại biểu Hà Huy Thông phân tích rõ.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nêu ý kiến, trước không đưa vào Luật là có bao nhiêu Bộ và cơ quan ngang Bộ được, vì tùy nhiệm vụ của từng nhiệm kỳ Quốc hội mà phê chuẩn, Chính phủ không thể làm thay được việc của các Bộ và cơ quan ngang Bộ. Nhưng nay cần ghi và quy định rõ trong Luật là có bao nhiêu Bộ và cơ quan ngang Bộ.

“Số lượng Thứ trưởng các Bộ và Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là do Chính phủ quy định nhưng không quá 3 người, trong trường hợp cần thiết vượt số lượng này thì phải do Thường vụ Quốc hội quy định chứ không phải Thủ tướng. Cùng với việc quy định giới hạn Thứ trưởng thì phải nâng vai trò của cấp Tổng cục, cấp Cục lên” – đại biểu Trần Du Lịch phân cho hay.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, thực tế hiện nay nhiều Thứ trưởng là làm biếng một cấp, làm vô hiệu hóa trách nhiệm của các lãnh đạo cấp thấp hơn như Tổng Cục trưởng, Cục trưởng Hay như TPHCM cũng chỉ cần 2 Phó Chủ tịch, còn lại là nâng vai trò giám đốc các Sở ngành lên. Giảm bớt cấp phó là giúp giảm bớt tiền của nhân dân và không biến cấp phó thành một cấp hành chính nữa.

Đại biểu Trần Du Lịch - đoàn TPHCM (ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Trần Du Lịch – đoàn TPHCM (ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Nguyễn Văn Minh cho rằng Luật Tổ chức Chính phủ nếu cứ nêu chung chung thì rất khó.

Bộ có một Bộ trưởng và mấy Thứ trưởng phải quy định rõ ràng. Phân quyền trách nhiệm của các Bộ phải rõ ràng. Ở địa phương thì Sở ngành có một giám đốc và bao nhiêu phó” – đại biểu Nguyễn Văn Minh cho hay.

Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về bộ máy của mình

Về việc phân cấp và quyền hạn giữa Trung ương và địa phương cũng được các đại biểu thảo luận sâu rộng, bởi người dân đang mong muốn làm tốt việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp. Tuy nhiên, điều này chưa rõ trong Luật Tổ chức Chính phủ cũng như các luật liên quan.

Theo các đại biểu ở Đoàn TPHCM, chỉ có Quốc hội mới có quyền lập pháp, còn Chính phủ, chính quyền địa phương chỉ được lập quy, tức là những quy tắc. Vì thế, rất băn khoăn về quyền lập quy của Chính phủ, chính quyền địa phương, khiến UBND xã cũng có quyền ban hành văn bản pháp luật?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng vấn đề phân chia, phân cấp quyền hạn giữa TƯ và địa phương chưa rõ. Luật nhiều nước ghi rất rõ địa phương được làm gì, không làm gì. Luật chính quyền địa phương cũng chưa rõ địa phương được làm gì, không làm gì. Những gì có tính chất phân cấp ổn định cho địa phương thì cần được ghi vào trong luật.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần quy định quyền hạn của Thủ tướng đối với vấn đề cán bộ, để làm sao Thủ tướng không cảm thấy bị khó, ràng buộc rồi đổ thừa cho cơ chế khi bộ máy của Chính phủ vận hành không tốt. Trong quá trình vận hành, nếu Bộ trưởng nào không làm tốt thì Thủ tướng có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đình chỉ công tác. Còn nếu đình chỉ không tốt thì Thủ tướng thì phải chịu trách nhiệm. Điều này nhằm hạn chế tình trạng Thủ tướng không có quyền gì khi bộ máy của mình trì trệ, làm không được.

“Công tác cán bộ vẫn phải đưa ra tập thể, nhưng cần có cơ chế để Thủ tướng được đình chỉ công tác thành viên Chính phủ trong khi chờ tập thể xem xét. Không sợ vấn đề trù dập vì công tác cán bộ vẫn do tổ chức quyết định. Nhưng cần giao cho Thủ tướng quyền đề xuất bổ nhiệm, đề xuất đình chỉ công tác. Cơ chế cán bộ hiện nay cần được đánh giá lại, tập thể nhưng để xảy ra trì trệ thì không ai chịu trách nhiệm. Khi trao cho Thủ tướng quyền đó thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm về bộ máy của mình. Thẩm tra thì cho thấy điều này không có trong Hiến pháp, nhưng tôi hết sức băn khoăn” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cũng nêu quan điểm về việc hiện nay chưa xác định rõ trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, vì thế cần làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Tránh tình trạng khi sự việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.

“Cần bổ sung quy chế bỏ phiếu tín nhiệm và cơ chế từ chức của các thành viên Chính phủ trước khi đợi đến Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm” – đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho hay.

Như Quỳnh – Quang Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP