Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc khảo sát vị trí, Bộ GTVT đặt ra nguyên tắc phải luôn tôn trọng ý kiến người dân, chính quyền địa phương và yếu tố kết nối giao thông. Rút gọn quy trình là như vậy nhưng đều đảm bảo nguyên tắc tôn trọng ý kiến người dân, không áp đặt.
Tổng cục Đường bộ là chủ đầu tư nhưng Sở GTVT là đơn vị tham mưu trực tiếp để lựa chọn vị trí và xin ý kiến của người dân. Ngoài ra, các đơn vị tư vấn thiết kế của địa phương cung cấp các số liệu về khí tượng thủy văn, điều tra xã hội học đã có cho Tổng cục Đường bộ. Đó là quy trình làm lâu nay, hợp lý và khoa học.
“Tuy nhiên, sau sự việc cầu treo Khe Tây, Bộ sẽ rút kinh nghiệm, cho rà soát quy trình để từ nay về sau đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc: Lấy ý kiến rộng rãi người dân để xác định vị trí làm cầu phục vụ nhiều người dân nhất; an toàn, kết nối được giao thông; đáp ứng bền vững trong quá trình khai thác”, ông Trường nói.
Thứ trưởng Trường cho biết thêm, cầu treo dân sinh chỉ đặt mục tiêu giải quyết nhu cầu đi lại bằng xe máy, đi bộ; không giải quyết vấn đề xe cơ giới. Vì thế, cầu được thiết kế theo mẫu điển hình, khổ cầu 1,5 – 2m. Với khổ cầu đó, chiều dài 120 m đảm bảo tính kỹ thuật và vốn đầu tư. Cụ thể, trong đề án, giá trị cầu treo từ 2-3 tỷ đồng, tối đa là 5 tỷ đồng.
Trong 186 cầu của giai đoạn 1, cầu Nam Công (tỉnh Hà Nam) và cầu Sảo Phong (tỉnh Quảng Bình) được UBND tỉnh đề nghị nới rộng quy mô vì dân cư ở đó đông. Nguồn vốn xây dựng hai cầu này không lấy từ ngân sách mà từ các nhà tài trợ.
Cụ thể, cầu Nam Công làm bằng sự tài trợ của Ngân hàng BIDV; cầu Sảo Phong dùng kinh phí từ kêu gọi của chương trình Nhịp cầu yêu thương (Chương trình kêu gọi các cá nhân, tập thể ủng hộ xây cầu treo do Bộ GTVT khởi xướng- PV).
Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án xây dựng cầu dân sinh giai đoạn hai. Theo đó, đề án dự kiến thực hiện tại 50 tỉnh thành. Sau khi Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT và các địa phương sẽ xây dựng phương án cụ thể, phấn đấu thực hiện xong trong 3 năm (2015- 2017) với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.