Báo cáo về tình hình quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, Bộ Công Thương cảm thấy bức xúc khi một số DN sử dụng mô hình đa cấp trong những lĩnh vực đã bị pháp luật nghiêm cấm.
Cụ thể, Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã cấm sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh các sản phẩm không phải là hàng hóa. Thế nhưng trong thời gian vừa qua, nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức này để huy động tài chính, mời gọi đầu tư hay để tiếp thị các sản phẩm vô hình như “tiền ảo”.
Đa cấp tiền ảo bị cấm nhưng vẫn lộng hành. |
Mặc dù Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng và cả hệ thống truyền thông đã lên tiếng cảnh báo về các hành vi trái pháp luật này nhưng tình trạng huy động tài chính theo phương thức đa cấp vẫn tồn tại dai dẳng, gây bức xúc lớn trong xã hội.
Theo Bộ Công Thương, sở dĩ có tình trạng này là do ta đã bỏ tội "kinh doanh trái phép" trong Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, khi phát hiện được hành vi, các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý bởi không có căn cứ để xử lý. Chỉ đến khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, hậu quả đã phát sinh mới có thể vào cuộc để xử lý theo tội lừa đảo.
“Nếu còn quy định tội "kinh doanh trái phép" trong Bộ luật Hình sự, cơ quan công an đã có thể vào cuộc sớm hơn và xã hội đã không bức xúc với hoạt động đa cấp đến vậy”, Bộ Công Thương cho biết.
Mặc dù đây không phải là hoạt động bán hàng đa cấp như quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, tức là không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Công Thương nhưng dư luận và người dân vẫn coi đây là bán hàng đa cấp và yêu cầu Bộ Công Thương phải "vào cuộc".
“Sự nhầm lẫn về thẩm quyền này đã ít nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý của Bộ Công Thương bởi nó làm giảm lòng tin của xã hội vào Bộ Công Thương theo một cách không đáng có”, Bộ Công Thương giãi bày.
Để có cơ sở xử lý các hành vi đa cấp trái phép, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung tội danh "kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp" vào Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi).
Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với chủ trương bổ sung tội danh về vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự 2015. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, cuối năm 2015, đầu năm 2016, có 67 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (giấy chứng nhận).
Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn đang hoạt động chỉ còn 36 doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 36 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bị chính quyền địa phương xử phạt nhiều nhất là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy với mức tiền phạt 1,6 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cho hay: Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp là rất thấp khi có tới 18/37 doanh nghiệp (trên 50%) năm 2016 báo cáo lỗ.
Ngoài ra, đóng góp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong việc tạo ra thu nhập và việc làm là không rõ ràng. Cụ thể, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2.400 tỷ đồng. Con số này tuy lớn về giá trị tuyệt đối nhưng nếu chia đều cho gần 640 ngàn người tham gia hệ thống thì thu nhập bình quân của người tham gia bán hàng đa cấp là không đáng kể, chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm.
“Điều này cho thấy trong số gần 640 ngàn người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là người bán hàng thực sự. Số còn lại hầu như không tham gia bán hàng”, theo Bộ này.
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: VietNamNet