Thế giới

Biến thể Omicron đã lan tới Đông Nam Á

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Malaysia đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 mang biến thể Omicron. Trong khi đó, các nước Lào, Thái Lan cũng đã tăng cường kiểm soát người nhập cảnh để ngăn ngừa biến chủng này.

Singapore, Malaysia ghi nhận ca nhiễm Omicron

Theo TTXVN, Bộ Y tế Singapore (MOH) vừa cho biết nước này đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, là 2 hành khách xuất phát từ Johannesburg (Nam Phi) nhập cảnh nước này ngày 1/12 có kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với loại biến thể này.

Hai trường hợp trên gồm 1 phụ nữ, 41 tuổi, công dân Singapore trở về từ Nam Phi và 1 nam giới, 44 tuổi, thường trú nhân đến từ Mozambique.

Ngay lập tức những người này đã được giới chức Singapore đưa đến Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia để cách ly. Cả hai trường hợp đều là người đã tiêm vaccine đầy đủ và không có bất kỳ tương tác nào trong cộng đồng.

Tất cả 19 hành khách còn lại trên chuyến bay từ Nam Phi đến Singapore nói trên đã được cách ly sau khi nhập cảnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Theo quy định kiểm soát biên giới mới của Singapore, kể từ ngày 28/11, những người đến từ 7 quốc gia châu Phi, trong đó có Nam Phi, không được phép nhập cảnh vào nước này, trừ công dân và thường trú nhân của Singapore. Tuy nhiên, những người nhập cảnh phải cách ly 10 ngày tại các cơ sở chỉ định.

* Cùng ngày, Malaysia thông báo ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này.

TTXVN dẫn phát biểu của Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết bệnh nhân là công dân nước ngoài, từ Nam Phi nhập cảnh Malaysia hôm 2/12. Người này đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Lào, Thái Lan: Tăng cường kiểm soát người nhập cảnh

* TTXVN, Lào đã tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với du khách đến từ 9 nước châu Phi, trong bối cảnh biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đang gây lo ngại trên toàn thế giới.

Cụ thể, công dân đến từ các nước Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, Seychelles, Malawi và Mozambique bị cấm nhập cảnh vào Lào.

Quyết định này nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập lào.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết nước này đang tăng cường xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả công dân của các quốc gia trên thế giới khi nhập cảnh vào Lào nhằm sớm phát hiện biến thể mới Omicron để có biện pháp giám sát và cách ly phù hợp.

* Cục Di trú và Bộ Y tế Thái Lan đang truy vết khoảng 783 khách từ châu Phi nhập cảnh nước này từ ngày 15/11 để xét nghiệm tầm soát biến thể Omicron nhằm đảm bảo an toàn cộng đồng.

Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Suwat Jangyodsuk cho biết những du khách châu Phi này được cho là đến những địa điểm du lịch chính gồm cả Bangkok và các nhà chức trách đang cố gắng tiếp cận nhóm này để yêu cầu xét nghiệm phát hiện sớm biến thể mới nếu có.

Bên cạnh đó, Cảnh sát Di trú và Bộ Y tế Thái Lan đang tăng cường tối đa các biện pháp kiểm soát COVID-19 tại các sân bay, an ninh biên giới để ngăn chặn việc vượt biên trái phép và di cư bất hợp pháp.

Trong khi đó, các nhà chức trách y tế của đảo nghỉ dưỡng Phuket đã yêu cầu 130 khách du lịch, gồm 126 người từ Nam Phi và 4 người từ Namibia, vào tỉnh này từ 15-27/11, cách ly trong 14 ngày. Sau khi kết thúc cách ly, các du khách này được yêu cầu thực hiện xét nghiệm RT-PCR.

Thái Lan đã cấm nhập cảnh đối với du khách (ngoại trừ người Thái) đến từ 8 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ đầu tháng này do lo ngại về biến thể Omicron. Những người đến từ các quốc gia ở châu Phi không thuộc diện cấm vẫn phải cách ly trong 14 ngày và được xét nghiệm COVID-19 nhiều lần.

Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết chính phủ nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19 trong bối cảnh lo ngại về biến thể Omicron, đồng thời yêu cầu các cơ quan biên giới tăng cường các biện pháp an ninh và kiểm tra đối với tất cả du khách nhập cảnh vào Thái Lan.

Để củng cố nền kinh tế đang dần phục hồi, Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục tiêm phòng cho người dân để tăng khả năng miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.

Chính phủ Thái Lan cũng sẽ cung cấp thông tin chính xác về biến thể mới và thông báo cho người dân kịp thời nếu ghi nhận bất kỳ ca nhiễm biến thể Omicron nào trong nước.

Biến thể Omicron đã xuất hiện ở khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước châu Á- Thái Bình Dương.


WHO kêu gọi các nước châu Á chủ động ứng phó làn sóng dịch bệnh mới

Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 11 vừa qua và WHO đã xác định đây là biến thể đáng lo ngại. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục thu thập dữ liệu về khả năng lây truyền và tình trạng bệnh nếu nhiễm Omicron.

Đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện ở khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các nước châu Á- Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ, bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của Omicron trong tuần này. Nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt các quy định về đi lại quốc tế để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/12, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.

Theo ông Kasai, các nước không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới mà quan trọng nhất là chuẩn bị để ứng phó với khả năng lây lan nhanh của biến thể. Các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch hiện nay.

Quan chức WHO nhấn mạnh các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát biến thể Delta.

Ông Kasai kêu gọi các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Việt Nam: Khẩn trương chuẩn bị các phương án ứng phó biến chủng mới

Tại Việt Nam, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, ngày 29/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.

* Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 do biến chủng Omicron trên thế giới và dự báo tình hình dịch COVID-19 trong nước, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế:

1. Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

2. Chỉ đạo các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa bàn, địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.

Nguồn tin: Báo Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP