Đời Sống

Biển số như thế nào sẽ được bán đấu giá?

Bộ Công an hiện đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án đấu giá biển số xe ôtô. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là biển số như thế nào sẽ được đưa ra đấu giá, các biển số không được mua đấu giá thì sẽ được cấp thế nào?

Theo quan niệm của một số người dân, biển số đẹp sẽ mang lại may mắn và để khẳng định vị thế trong xã hội nên nhiều người có tâm lí muốn được biển số “đẹp”, biển số “dễ nhớ” hoặc biển số theo ý thích. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về việc đấu giá biển số xe ôtô.

Bộ Công an hiện đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án đấu giá biển số xe ôtô. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là biển số như thế nào sẽ được đưa ra đấu giá, các biển số không được mua đấu giá thì sẽ được cấp thế nào?

Theo các cán bộ phụ trách công tác đăng ký phương tiện thì nhu cầu của người dân về biển số xe ưa thích không có quy luật cố định và phụ thuộc từng vùng, miền, địa phương. Cũng là số có 5 chữ số giống nhau (dư luận gọi là ngũ quý hay ngũ linh) nhưng có số được nhiều người ưa thích như 555.55, 666.66, 888.88, 999.99, còn các số như 111.11, 777.77 lại không phải là lựa chọn của số đông.

Đặc biệt, người miền Bắc và người miền Nam cũng có xu thế lựa chọn số dễ nhớ khác nhau. Ngoài ra, người dân có sở thích chọn các số kép, số gánh, số có 2 số cuối là 39, 79, 68… Trước đây, năm 2007 ở Nghệ An đã bán đấu giá thành công 1 biển số ôtô 900 triệu, 1 biển số được 700 triệu đồng.

Biển số đẹp được nhiều người ưa thích.

Hiện tại, cơ quan chức năng đang nghiên cứu sẽ đưa ra 2-3 phương án để trình Chính phủ quyết định. Cụ thể, mỗi sê-ri biển số sẽ lựa chọn biển số có 5 chữ số giống nhau (ngũ quý) để đưa ra đấu giá công khai. Việc đấu giá được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Căn cứ kết quả đấu giá, cơ quan Công an sẽ làm thủ tục đăng ký, cấp biển số đó cho người trúng đấu giá.

Cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định cụ thể các số để đưa ra đấu giá mà nên đưa ra tập hợp các số sẽ được cấp trong một quãng thời gian nhất định (ví dụ trong 1 tháng) để người dân lựa chọn, đấu giá. Số nào không được đăng ký mua thì sẽ được cho vào kho số bốc thăm ngẫu nhiên để cấp theo quy định hiện nay. Ý kiến này nhận được nhiều ủng hộ bởi nếu chỉ đấu giá biển số có các chữ số giống nhau thì chỉ có những tổ chức, cá nhân có điều kiện kinh tế mới có khả năng đưa số tiền lớn mua đấu giá để quảng bá cho công việc, kinh doanh hoặc bản thân mình.

Trên thực tế, đa phần người dân, tổ chức chỉ có kinh tế ở mức vừa phải hoặc không có nhu cầu bỏ ra số tiền lớn để mua những biển số ngũ quý trên, họ chỉ có nhu cầu được lựa chọn biển số theo ngày sinh, năm sinh, ngày kỷ niệm hoặc số tiến, số có đuôi 68… Chính vì vậy, phương án đưa tất cả các số sẽ được cấp trong tháng ra đấu giá sẽ khả thi hơn, mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho Nhà nước và đa số người dân được đáp ứng nhu cầu.

Về điều kiện tham gia đấu giá, theo dự thảo của Bộ Công an thì người tham gia đấu giá phải là tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi cư trú ở địa phương nào thì được tham gia đấu giá biển số xe của địa phương đó. Chỉ tổ chức đấu giá biển số trắng (biển số cấp cho xe ôtô của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức không sử dụng ngân sách nhà nước).

Hiện nay, công tác đăng ký xe đang thực hiện theo nguyên tắc mỗi biển số gắn với 1 xe, khi chuyển nhượng xe thì biển số được cơ quan Công an làm thủ tục cùng với xe đó (ví dụ, xe bán cho người ở cùng địa phương thì xe và biển số xe được chuyển cho người mua). Chính vì vậy, theo quan điểm của Bộ Công an là trường hợp biển số trúng đấu giá cũng phải thực hiện theo quy định trên.

Anh Nguyễn Hoàng Thanh, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, nên coi biển số xe là tài sản, tức là người trúng đấu giá sẽ có quyền sở hữu tài sản (gồm đủ 3 quyền: sử dụng, chiếm hữu, định đoạt –PV). Biển số đó sẽ thành tài sản cá nhân, người sở hữu có thể cho, tặng, bán biển số đó.

Về điều này, lãnh đạo Cục CSGT cho rằng, nếu coi biển số xe là tài sản thì biển số đó sẽ thành tài sản cá nhân, không còn là tài liệu, giấy tờ của cơ quan Nhà nước, khi nhà nước cần thu hồi hoặc đổi biển số sẽ không thực hiện được vì người đó có quyền chiếm hữu. Điều đó làm thay đổi nguyên tắc quản lí phương tiện hiện hành. Biển số này gắn với chủ, biển số khác gắn theo xe, không thống nhất.

Nếu để thống nhất thực hiện nguyên tắc quản lý biển số gắn với chủ xe, đảm bảo mỗi biển số gắn với 1 người sẽ phải tiến hành đổi toàn bộ 3,3 triệu xe ôtô và 51,6 triệu xe môtô đang được quản lý theo nguyên tắc biển số gắn với xe hiện nay. Mặt khác, các tổ chức hoặc cá nhân sở hữu nhiều xe sẽ phải cấp một hệ thống biển riêng để quản lí.

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho rằng, nên coi biển số xe là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng, không có quyền định đoạt (cho, tặng, bán biển số xe đó do người khác) do quy định của khoản 22, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định các hành vi nghiêm cấm bao gồm “… mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng”, không có quyền chiếm hữu.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Việc đăng ký, cấp biển số xe là thực hiện chức năng quản lí Nhà nước của ngành Công an đối với xe cơ giới, phục vụ cho công tác quản lí và nghiệp vụ, giúp tìm ra được chủ xe, truy tìm xe vi phạm, theo dõi các đối tượng nghi vấn.

Mặt khác, Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe là để xác nhận quyền sở hữu xe của chủ phương tiện. Do vậy, việc đăng ký, cấp biển số xe phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật.

Theo báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP