Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, người Việt đang tiêu thụ nhiều nhất là các phụ phẩm đông lạnh như cánh, móng giò, nội tạng lợn, thịt lợn đông lạnh các loại được nhập khẩu chủ yếu từ châu Âu như Đức hoặc Ba Lan. Thịt bò và các sản phẩm thịt bò, thịt gà từ Mỹ, tin tức từ báo Gia đình & Xã hội.
Vấn đề quan trọng đối với các sản phẩm nhập khẩu là được bảo quản lạnh khoảng - 18 độ C, được vận chuyển liên tục từ container đến các đại lý, đến các cửa hàng bán lẻ rồi đến tay người tiêu dùng, những lô thịt này liệu có tránh được nguy cơ rã đông nhiều lần dưới sức nóng của vùng nhiệt đới.
Chưa kể tới hàng loạt vụ bắt giữ số lượng lớn thực phẩm nhập khẩu đông lạnh không rõ nguồn gốc thậm chí bốc mùi hôi thối chờ ngày xuất xưởng.
Điển hình vụ mới đây nhất ở Hà Tĩnh. Khoảng 14h 30 phút, ngày 15/5/2017, lực lượng Cảnh sát môi trường Hà Tĩnh đã kiểm tra đột xuất kho đông lạnh Sâm Tâm do bà Nguyễn Thị Tâm làm chủ. Qua đó, phát hiện trong kho có gần 1 tấn hàng hóa thực phẩm quá “đát”, thông tin trên báo An ninh Thủ đô.
Thực phẩm ngoại nhập bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: An Ninh Thủ đô |
Số thực phấm bao gồm thịt trâu Ấn Độ, xương gà Mỹ, xương sườn heo Đức, xương Đà Điểu, sườn heo Ba Lan, gà nguyên con, cá basa… Những hàng hóa trên một số hết hạn sử dụng từ năm 2015, 2016 và một số không có giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc, hiện đã bốc mùi hôi thối và chuyển màu. Khai nhận với lực lượng chức năng bà Tâm cho biết, toàn bộ số hàng trên đem về bảo quản sau đó bán ra thị trường.
Cũng liên quan tới thịt ngoại nhập không rõ nguồn gốc bị thu giữ, trước đó VTV đưa tin, vào chiều tối 19/9/2016, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm quận Thủ Đức (TP.HCM) đã bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh hải sản, thịt các loại tại một hộ kinh doanh trên đường Tam Bình (phường Tam Phú, quận Thủ Đức). Tại thời điểm kiểm tra, trong hai kho đông lạnh của cơ sở này, cơ quan chức năng đã phát hiện 171,4kg thịt heo, 80kg lưỡi vịt, 58kg mề gà, 264,5kg sụn gà, 87kg vú heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, nhiều loại máy móc được sử dụng trong quá trình đóng bao bì.
Cũng theo ghi nhận của báo Gia đình & Xã hội, hiện nay, một số chợ đầu mối của Hà Nội xuất hiện loại thịt đông lạnh với mức giá rẻ hơn quá nửa so với giá thịt tươi. Loại thịt này, được người bán hàng giới thiệu là “hàng nhập khẩu”. Khi hỏi xuất xứ loại thịt đông lạnh, một tiểu thương cho biết: “Cứ hàng đông lạnh là được, mang về chế biến tươi ngon như thường. Không phải nghĩ".
Không chỉ thịt lợn đông lạnh mà gà đông lạnh cũng được bán khá phổ biến ở các chợ đầu mối. Loại “gà đông lạnh ngoại nhập” có mặt ở một số các sạp hàng chợ Phùng Khoang (Hà Đông). Đó là loại thịt gà được phân thành từng loại như: đùi, chân, cánh. Chúng được chào bán với giá không thể rẻ hơn, chỉ từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Điều đáng nói là tất cả những loại thịt đông lạnh này đều không có tem nhãn, xuất xứ, đều được đựng trong thùng xốp lớn.
Theo tìm hiểu được biết, tất cả các lô hàng thịt đông lạnh từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm yêu cầu mới được phép làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Nếu sản phẩm kém chất lượng, không đạt yêu cầu thì buộc phải tiêu hủy, tái xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Thông tin thêm, PGS - TS Lê Văn Năm, chuyên gia thú y chăn nuôi cho biết, từ khi kiểm dịch đến lúc nhập khẩu, lúc lưu kho, phân phối đến các cửa hàng, hàng hóa được vận chuyển là cả một dây chuyền mà lúc nào cũng phải được kiểm dịch chứ không phải kiểm dịch mỗi đầu vào. Trong khi một số nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các trang trại lợn quy mô lớn ở miền Trung tỏ ra nghi ngờ với mức giá thịt lợn nhập rẻ hơn bình thường sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ do hàng kém chất lượng, quá đát.
Cũng theo ông Năm, từ lâu các cơ quan chức năng đã cảnh báo các loại thịt kém chất lượng đang mượn danh hàng đông lạnh nhập khẩu vẫn tung hoành trên thị trường trong khi cơ quan chức năng không kiểm soát hết. Vì vậy, để bảo vệ mình, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm đảm bảo chất lượng ở địa chỉ bán hàng uy tín.
Tác giả: An Dương
Nguồn tin: vietq.vn