Sáng 8/8, tại nhà vệ sinh công cộng “5 sao” đặt tại công viên 23 tháng 9 (quận 1), bốn người khuyết tật (NKT) ghé vào thì có ba người lập tức quay ra. Người còn lại là anh Minh (ngụ phường Bến Thành, quận 1) cho biết: “Tôi không nhịn được nên làm liều. Nội thất sang trọng, sạch sẽ nhưng lối đi dốc, nền nhà vệ sinh lại ướt sũng, người chống nạng như tôi rất dễ bị té ngã”.
Nhà vệ sinh cao cấp có khu dành riêng NKT song thực tế, NKT rất khó sử dụng vì bất tiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu phát triển năng lực NKT (DRD), lối lên xuống nhà vệ sinh có độ dốc lớn khiến những người ngồi xe lăn khó di chuyển vì cố hết sức thì xe dễ bật ngửa.
Bất cập nữa là thanh vịn hết giữa chừng, những NKT ở chân khó leo hết dốc và dễ té ngã vì không có chỗ bám vịn, nền nhà lại trơn, trượt. Cửa phòng vệ sinh quá nhỏ so với quy chuẩn, xe lăn không thể vào trong. Không gian trong phòng chật hẹp, rất khó xoay trở. NKT ngồi xe lăn không thể rửa tay vì vướng tủ đựng dụng cụ đặt dưới bồn rửa.
Ngoài ra, người khiếm thị rất khó sử dụng nhà vệ sinh vì nội dung hướng dẫn không có ký hiệu chữ nổi để nhận biết. Theo bà Lưu Thị Ánh Loan, Phó Giám đốc DRD, việc bố trí khu dành riêng thể hiện các đơn vị có quan tâm song do nhiều hạng mục của nhà vệ sinh thiết kế chưa đúng quy chuẩn nên gây nhiều khó khăn cho NKT.
Mất trộm từ xe máy đến đôi dép
Nhà vệ sinh 5 sao do Sacombank xây dựng có diện tích khoảng 60m2, phía trước được lắp đặt máy rút tiền tự động ATM. Mỗi nhà vệ sinh có hai nhân viên trực vệ sinh, lau dọn làm theo ca, mở cửa từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm.
Toàn bộ bồn cầu được thiết kế hệ thống xả nước tự động. Phòng ốc kín đáo, thoang thoảng mùi nước hoa. Nội thất sang trọng, có bình hoa, gương, bồn rửa tay. Tuy nhiên, do nhiều người, nhiều thành phần sử dụng nên xảy ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười.
Chỉ những đôi dép nhựa bị cắt mũi đặt trước cửa nhà vệ sinh, chị Diễm, nhân viên trực tại nhà vệ sinh khu A công viên 23 tháng 9 thở dài: “Nhà vệ sinh liên tục bị mất dép. Hở ra là mất. Có hôm không còn đôi nào cho khách sử dụng. Chúng tôi phải bỏ tiền túi ra mua lại rồi cắt mũi cho xấu nhưng mấy đứa trẻ lượm ve chai vẫn không chê. Giày dép của khách để bên ngoài cũng bị mất hoài. Nhiều lúc, thấy giày dép của khách có giá trị, chúng tôi cho họ mang luôn vào bên trong”.
Chị Diễm cho biết mỗi ngày có khoảng 400 lượt người ra vào, ngày lễ Tết có khi lên tới hơn 1.000 lượt người/ngày. Không chỉ giày dép, đến khăn lau tay, vòi rửa… trong nhà vệ sinh cũng thường xuyên bị mất trộm.
Tại nhà vệ sinh công viên 23 tháng 9 cũng đã từng xảy ra ít nhất hai vụ mất xe máy. Chị Hồng, bán hoa kiểng gần nhà vệ sinh kể: Cách đây mấy tháng có người dựng xe trước cửa rồi vào giải quyết sự vụ, lúc quay ra thì chiếc xe Dream “bốc hơi”. Gần đây, UBND phường cử một số bảo vệ khu phố xuống giữ xe miễn phí cho khách đi vệ sinh.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, tại một số nhà vệ sinh 5 sao đặt ở công viên Tao Đàn và công viên Lê Văn Tám, các nhân viên trực vệ sinh phải kiêm luôn việc trông xe cho khách. Thời gian nhân viên vào bên trong lau dọn vệ sinh, xe của khách không ai trông chừng, rất dễ bị mất.
Vô tư tắm giặt
Chị Thủy, nhân viên trực nhà vệ sinh trong công viên Tao Đàn xác nhận một số người sống lang thang thản nhiên vào để tắm gội, xả nước, xà phòng lênh láng dù nhà vệ sinh không có hệ thống cống thoát nước.
“Họ lê cả giày dép bám đầy bùn đất vào bên trong. Mình nhắc nhở chấp hành quy định nhưng họ vẫn phớt lờ. Có người còn to tiếng, dọa đánh nhân viên trực vệ sinh. Để tránh căng thẳng, đôi lúc, bọn mình chờ khách đi xong rồi vào lau dọn vệ sinh. Cực thêm một chút mà khỏi bị rầy rà”, chị Thủy nói.
Theo chị Diễm, việc lau dọn vệ sinh gần như thường xuyên để đảm bảo tiêu chuẩn 5 sao và tránh mùi khó chịu. Nhiều người thiếu ý thức sử dụng giấy vệ sinh, để rơi rớt các chất thải ra bên ngoài. Không ít người dẫm cả giày dép lên, làm gãy cần gạt, bể nắp đậy bồn cầu… nên nhân viên lau chùi rất vất vả.
Ông Lê Minh Triết, Phó phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết theo kế hoạch, thành phố sẽ triển khai thí điểm lắp đặt 11 nhà vệ sinh công cộng 5 sao miễn phí tại các công viên, bến xe.
Đầu năm 2014, TPHCM đã đưa vào sử dụng trước 3 nhà vệ sinh tại công viên 23 tháng 9, công viên Tao Đàn và công viên Lê Văn Tám phục vụ nhu cầu du khách và người dân. Mỗi nhà vệ sinh trị giá từ 800 triệu đến hơn một tỷ đồng.