Tin Hà Tĩnh

Bị dân “tố” mắc nhiều sai phạm, Chủ tịch xã được điều chuyển lên huyện

Sau khi có bài Chủ tịch UBND xã bị “tố” chiếm dụng đất trái phép, phản ánh về việc ông Phạm Đức Hướng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt và hợp thức hóa gần 500m2 đất trái phép, gây bức xúc trong dư luận, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về hàng loạt sai phạm của vị quan “phụ mẫu” này.

Điều đáng nói là, mặc dù vướng nhiều sai phạm như vậy nhưng ông Phạm Đức Hướng không những không bị xử lý kỷ luật mà còn được điều chuyển lên huyện công tác. Sự việc này khiến dư luận hoài nghi về sự “bảo kê” của chính quyền cấp trên.

Hàng ngàn m3 đất, đá, sỏi tại khu vực đồi sim, xóm Tứ Xuyên bị khai thác trái phép nhưng không nộp tiền vào ngân sách, làm thất thoát hàng trăm triệu đồng.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng

Theo đó, ngày 27/11/2017, ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1961, trú tại xóm Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc lại gửi đơn đến Văn phòng Báo Xây dựng, tố cáo ông Phạm Đức Hướng - Nguyên Chủ tịch UBND xã này với những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý Nhà nước và quy chế dân chủ cơ sở.

Theo đơn của ông Sơn, từ năm 2012 đến 2017, với cương vị là Chủ tịch UBND xã, ông Hướng đã thông đồng với nhiều nhà thầu làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn để bán hàng ngàn m3 đất, đá, sỏi tại khu vực đồi sim, xóm Tứ Xuyên nhưng không nộp tiền vào ngân sách, làm thất thoát hàng trăm triệu đồng.

Sau khi lên làm Chủ tịch xã, ông Hướng đã bán chui một số mảnh đất cụ thể như sau: Bán cho ông Trần Nghĩa, xóm Vĩnh Phúc một suất đất diện tích 200m2 tại vùng quy hoạch tượng đài cầu Nhe nhưng Đảng ủy, HĐND, UBND không ai hay biết. Giá trị mảnh đất hiện nay trên 300 triệu đồng.

Đầu năm 2013, ông Hướng tiếp tục bán chui hai suất đất gần trường THCS Khánh Vĩnh, bám mặt đường tỉnh lộ 12 với hình thức hợp thức hóa đất dãy 02 vào dãy 01 cho 04 hộ gia đình là Bùi Quốc Hưng, La Văn Quảng, Bùi Quốc Thắng và Phan Sỹ Trung. Giá trị 02 suất đất này khoảng 200 triệu đồng nhưng chỉ nộp vào ngân sách xã 83 triệu đồng.

Vị trí thửa đất do ông Trần Nghĩa sở hữu được cho là “bán chui”, mà Đảng ủy, HĐND, UBND không hề hay biết.

Cũng theo đơn của ông Sơn, sau khi chuyển giao lưới điện hạ thế cho điện lực quản lý, ngành điện đã thoái trả tài sản cho địa phương số tiền 270.612.000 đồng. Tuy nhiêm ông Hướng và Ban tài chính đã thông đồng với một số cá nhân, lập hồ sơ bí mật rút 130 triệu đồng chia nhau.

Vừa qua, ông Hướng đã chuyển sinh hoạt Đảng đến đơn vị mới nhưng Chi bộ thôn Chiến Thắng không hề hay biết. Đặc biệt là vị này còn nợ 11 tháng tiền Đảng phí của năm 2017.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Xây dựng đã có buổi làm việc với các bộ phận liên quan nhằm làm rõ những “khuất tất” mà đơn thư phản ánh. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Đồng - Trưởng ban Tài chính xã thừa nhận: “Để xây dựng Nông thôn mới, xã có lấy đất tại khu vực đồi sim thuộc xóm Tứ Xuyên để đổ khuôn viên trụ sở UBND xã, đổ đường giao thông xóm, giao thông nội đồng, khuôn viên trường tiểu học, nhà văn hóa các thôn. Ngoài ra còn đổ đất làm nền đường Thượng Vĩnh, tuyến đường liên xã này do UBND huyện làm chủ đầu tư”.

Phóng viên đặt câu hỏi, khi đổ đất cho những công trình do xã làm chủ đầu tư thì có tính toán khối lượng để cắt giảm chi phí xây lắp hay không? Những dự án nước ngoài hoặc dự án do huyện làm chủ đầu tư thì có thu phí tài nguyên để nộp vào ngân sách Nhà nước hay không? Việc khai thác đất tại địa phương có được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hay không? Vị phụ trách tài chính xã khẳng định: “Việc này tôi không được bàn, không được tham gia nên không nắm được. Tôi cũng không được thu tiền tài nguyên để nộp vào ngân sách nhà nước”.

Nói về việc chính quyền địa phương “bán chui” một số lô đất, ông Đồng chia sẻ: “Tôi làm công tác kế toán từ năm 1998 đến nay nhưng việc xã bán đất cho ông Nghĩa thì bản thân tôi không nắm được. Họ mua bán thế nào, tiền nong bao nhiêu tôi cũng không được thông qua”.

“Việc hợp thức hóa 02 suất đất dãy 02 vào dãy 01 tại tỉnh lộ 12 cho 04 hộ gia đình là có thật và được bàn bạc, thống nhất nhằm đảm bảo diện tích sinh hoạt cho người dân sau khi tiến hành mở rộng hành lang tuyến đường. Hiện tại, xã đã thu của 04 hộ dân này số tiền 83 triệu đồng, số còn lại họ giữ để chờ xã làm thủ tục cấp bìa rồi nộp tiếp”, ông Đồng cho biết thêm.

Hai lô đất thuộc dãy 02 được hợp thức vào dãy 01 cho 04 hộ gia đình nhưng chỉ nộp vào ngân sách xã 83 triệu đồng.

Nợ cả năm Đảng phí?

Để xác minh thực hư có hay không việc xã bán đất cho ông Nghĩa như đơn thư phản ánh, Phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Duy Tân, cán bộ địa chính xã Vĩnh Lộc. Trao đổi với chúng tôi, ông Tân thừa nhận: “Quá trình cấp đất thì tôi không nắm được nhưng việc ông Nghĩa đang sở hữu thửa đất nói trên là đúng. Vừa rồi Thanh tra huyện đã về làm việc và yêu cầu cung cấp thông tin nhưng hồ sơ cấp đất, mua bán, chuyển nhượng và hóa đơn thu tiền đều không tìm được”.

Trong bản Thông báo số 102/UBND ngày 17/03/2017 do ông Võ Hữu Hào - Chủ tịch UBND huyện ký về việc giải quyết đơn phản ánh của ông Nguyễn Doãn Sơn, công dân xã Vĩnh Lộc, đã kết luận: “UBND xã Vĩnh Lộc có một số vi phạm như quản lý tài chính tùy tiện, chấp hành chưa đúng các quy định hướng dẫn thực hiện Luật kế toán, Ngân sách. Thu tiền đất sai thẩm quyền, lập phiếu thu tiền đất không kịp thời, phiếu thu tiền không phản ánh đúng nội dung, không lập phiếu cho từng hộ. Mặc dù Đoàn Thanh tra đã lập biên bản ngày 22/3/2013 nhưng UBND xã vẫn tái diễn”.

Đơn thư gửi Báo Xây dựng của ông Nguyễn Văn Sơn phản ánh hàng loạt sai phạm của Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc Phạm Đức Hướng.

Thông báo cũng chỉ rõ: “UBND xã Vĩnh Lộc chi cho ông Bùi Quốc Đông (nguyên cán bộ hợp tác xã huyện Đông Sơn) tạm ứng số tiền 130.000.000 đồng nhưng kế toán lại hạch toán vào nợ tài khoản 431 mà không được hạch toán theo dõi công nợ tạm ứng trên tài khoản tạm ứng. Đến ngày 31/12/2016, ông Bùi Quốc Đông không có chứng từ hoàn ứng, nhưng UBND xã Vĩnh Lộc không có biện pháp xử lý thu hồi tạm ứng theo quy định về quản lý tài chính và chế độ kế toán”.

Những sai phạm của ông Phạm Đức Hướng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc là hết sức nghiêm trọng trong quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, quy chế dân chủ cơ sở nhưng không bị truy cứu trách nhiệm. Ngược lại, còn được “ung dung” lên công tác tại Hội Chữ thập đỏ của huyện.

Một điều đặc biệt khôi hài là suốt gần một năm sinh hoạt Đảng tại địa phương, đến nay ông Phạm Đức Hướng vẫn chưa đóng nộp Đảng phí của năm 2017. Hơn nữa việc ông Hướng chuyển sinh hoạt Đảng đến đơn vị mới, phía chi bộ thôn Chiến Thắng cũng không hề hay biết.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Dũng Sỹ - Cấp ủy viên phụ trách công tác đoàn thể và tài chính của chi bộ cho biết: “Trong cuộc họp phân loại Đảng viên ngày 03 và 05 tháng 12 vừa qua, vì không biết ông Hướng đã chuyển sinh hoạt nên tôi vẫn điểm danh, đến khi chi bộ cười ồ lên thì tôi mới được biết”.

“Đến thời điểm hiện tại, ông Hướng chưa đóng nộp Đảng phí của năm 2017 với số tiền 48.900 đồng/tháng. Tổng số tiền ông Hướng còn nợ chi bộ đến hết tháng 11/2017 là 537.900 đồng”, ông Sỹ nói thêm.

Trong khi đó, Hướng dẫn số 03-HD/VPTW của Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 06/7/2016 quy định: “Đảng viên đóng Đảng phí hàng tháng trực tiếp cho chi bộ. Chi bộ trực thuộc, Đảng bộ bộ phận nộp Đảng phí lên cấp trên theo tháng hoặc quý; các tổ chức cơ sở đảng còn lại nộp và gửi báo cáo lên cấp trên theo quý”.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục phản ánh thông tin đến quý bạn đọc.

Tác giả: Trần Hoàn - Phi Long

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP