Tin liên quan:
>> Tìm ra 15 “giếng thần” thời Chăm Pa
Hạn mấy cũng không cạn, chua phèn mấy vẫn ngọt
Một trong những bí ẩn mà cho đến giờ chưa có thể lý giải được, đó là tại sao hàng trăm năm qua, ở “giếng thần”, nguồn nước luôn trong xanh, rất ngọt. Dù độ sâu của giếng chỉ từ 2,5 đến 5m nhưng chưa một lần cạn?
Tất cả 15 giếng vừa phát hiện đều có một đặc điểm: Hầu hết các giếng đều nằm gần nguồn nước mặn nhưng nước luôn trong xanh, mát ngọt tự nhiên. Điều đáng nói là ở cạnh bên, giếng các hộ dân nhà nào cũng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Như giếng thời Chăm Pa ở làng Mai Lâm cách nguồn nước mặn chừng 50m. Giếng được ghép đá theo hình vuông, đường kính rộng 2,2m, phía dưới đáy được làm bằng khuông gỗ, bốn phía ghép bốn tấm gỗ cao 80cm…
Chỉ sâu khoảng 3m, dù có vào mùa đại hạn, cây cối khô héo, ao hồ sông suối, đồng ruộng nứt nẻ, giếng các hộ dân khô cạn, nhưng “giếng thần” Mai Lâm thì không bao giờ cạn kiệt.Ông Lê Văn Trực (80 tuổi), ở làng Mai Lâm, người gần cả cuộc đời dùng nguồn nước từ giếng, kể: “Ngày trước, có nhiều lần làng tổ chức vét giếng nhưng chưa một lần nào múc được cạn hết nước. Tôi thấy bốn góc dưới giếng có các mạch nước chảy ra to lắm”.
Không thể lý giải nổi “giếng thần”Điều kỳ lạ cho đến ngày hôm nay là những cư dân sống xung quanh “giếng thần” vẫn sử dụng nguồn nước phục vụ cuộc sống gia đình, vì nước ở giếng rất trong sạch. Phải chăng điều này thể hiện kỹ thuật chọn long mạch và sự am hiểu về luật phong thuỷ khi người Chăm Pa đào và xây dựng những giếng này?
Những bậc cao niên trong làng vẫn không thể lý giải nổi sự kỳ bí của giếng.
Nhiều người luôn thắc mắc, tại sao nguồn nước ngầm của giếng lại nhiều và luôn trong xanh, mát ngọt? Cả những bậc cao niên trong làng và nhiều nhà nghiên cứu về khảo sát, đều không giải đáp nổi.Cụ Đinh Xuân Noãn, ở thôn Tân Giang, xã Kỳ Trinh, Kỳ Anh, kể: “Từ đời ông nội cho đến cha tôi khi sinh ra đã có giếng rồi. Vừa qua, có mấy người ở xã đi xa làm ăn, có của ăn của để, về xin các bậc cao niên trong làng sửa lại giếng ở xóm Xuân Hà. Họ mời thầy cúng, nhà ngoại cảm về làm lễ, sửa lại rồi lập một cái bàn thờ ở bên giếng. Nay đã thành thói quen, vào những ngày rằm, mồng một, dân làng đều ra đó thắp hương để thờ “thần giếng”.Lời nguyền từ “giếng thần”
Hiện nay, dù “giếng thần” không được sử dụng nhiều nhưng vẫn được cư dân nơi có đây luôn coi trọng và bảo vệ. Có rất nhiều chuyện kỳ bí liên quan đến “giếng thần”, như chuyện về lời nguyền: Nếu ai tắm giặt tại giếng hoặc đập phá sẽ gặp nạn. Đã có nhiều cái chết bí ẩn đã xảy ra tại giếng.
Cụ Hoàng Thị Lan (85 tuổi ), ở xóm Mai Lâm kể lại: “Ngày trước, bên giếng có một cây bàng to lắm nhưng nay đã chết rồi. Cây mọc tốt xanh tươi quanh năm, tán cây tỏa ra khắp giếng. Đến mùa cây bàng cho trái nhiều, bọn trẻ muốn ăn thường dùng sào chọc, không ai dám trèo lên cây.
Vào năm 1969, có một đứa bé ở làng trèo lên cây hái quả. Trèo đến đoạn giữa giếng rồi chổng mông xuống, bất ngờ ngã xuống giếng và chết tại chỗ. Tôi còn chứng kiến rất nhiều người bị tàn tật suốt đời vì dám… chổng mông xuống giếng”.
Đã có nhiều cái chết xảy ra tại “giếng thần”. Người làng lập bàn thờ và tôn sùng gọi bằng “thần giếng”.
Khác với “giếng thần” ở Mai Lâm, giếng ở làng Bắc Vĩnh Quyền có tên là giếng Chòm. Cụ Nguyễn Hữu Ứng (83 tuổi), xóm Bắc Vĩnh Quyền, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên nhớ lại: “Vào năm 1936, có một ông cố thủ làng, người luôn chăm sóc giếng. Vào những ngày lễ, ông luôn đem đồ ra giếng cúng.
Giếng bị xuống cấp, ông cố thủ bỏ tiền ra cho dân làng tu sửa. Khi ông qua đời thì nước đang trong xanh, ngọt mát tự nhiên lại chuyển sang màu vàng, chua phèn. Sau khi thi hài cụ cố thủ được chôn cất xong thì nước tại giếng lại trong xanh như ban đầu”.
Ở giếng Chòm cũng có nhiều điều bí ẩn. Các bậc cao niên vẫn nhớ rõ cái chết của một cô bé đi chăn bò. Năm đó, khi bò lại ăn lá ở bờ giếng, không hiểu vì lý do gì, cô bé rơi xuống giếng, chết ngay. Cũng theo các cụ cao niên trong làng, “giếng thần” được làm bằng gỗ lim, gỗ trắc hoặc gỗ trầm gió, gỗ được ghép dưới giếng. Tuy nhiên, về cách tìm mạch nước, xây dựng… thì không ai hay. Để giải đáp được những bí ẩn bao đời nay của giếng Chòm, giếng ở Mai Lâm cũng như cả 15 giếng thần vừa được phát hiện tại Hà Tĩnh, rất cần đến sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu chuyên ngành.
Ông Hồ Bách Khoa, Phó phòng di sản, Sở VHTH&DL nhiều năm nghiên cứu về giếng Chăm Pa tại Hà Tĩnh nhận định:
Những giếng Chăm Pa vừa phát hiện có niên đại xây dựng vào khoảng trước thế kỷ X. Các giếng đều hình vuông được ghép bằng đá cuội và đá phiến… Đến bây giờ, chúng tôi cũng chưa lý giải được tại sao giếng có mạch nước ngầm lớn như thế. Bên cạnh đó nước luôn trong xanh, mát ngọt tự nhiên và không bao giờ cạn. Đây là một điều bí ẩn cần phải nghiên cứu lâu dài mới lý giải được.
Hiện 15 giếng vừa phát hiện đều xây hình vuông, có một giếng đã sửa chữa lại hình tròn nhưng phía đáy vẫn hình vuông.
Ngoài ra, trong kỹ thuật xây dựng giếng Chăm Pa, có một thắc mắc chưa lý giải được là những tấm gỗ lát phía dưới làm bằng gỗ gì? Dù đã trải qua hàng ngàn năm ngâm dưới nước nhưng gỗ vẫn còn nguyên vẹn.
Đắc Thành
Bee