Chăm sóc sức khỏe

Bệnh viện Y học cổ truyền: Bao giờ cho đến… ngày xưa?!

Nói là xưa nhưng thực ra mới cách đây mấy năm (trước năm 2007), nếu làm một phép so sánh thì Bệnh viện YHCT tỉnh ở 2 thế đối lập.

Xưa – diện tích hẹp, cơ sở vật chất chật chội, thiếu thốn nhưng bệnh nhân thường xuyên quá tải. Nay – cơ sở vật chất mới, tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với nhiều tiện nghi hiện đại thì bệnh nhân giảm nhiều.


Sự thay đổi trái ngược này đã khiến nhiều người lo lắng. Một bác sỹ làm việc tại bệnh viện cho biết: “Trước đây, bệnh viện luôn có từ 300-400 bệnh nhân, nay những lúc đông cũng chỉ đạt được một nửa. Nói về bệnh nhân cũng khác trước rất nhiều. Trước đây, chủ yếu bệnh nhân từ các huyện và Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển đến. Nay, chủ yếu là bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB) ban đầu”.


Bác sỹ Dương Bá Ngọc – Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT cho biết: Trước tình trạng số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện YHCT giảm một cách đột biến, Bệnh viện cũng đã linh động triển khai KCB ban đầu để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bệnh viện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục giảm sút bệnh nhân.


Bệnh viện YHCT là bệnh viện tuyến tỉnh hạng II, có 9 khoa, phòng với 166 CBCNV, trong đó có 29 bác sỹ. Ngoài ra, Bệnh viện còn có 6 cán bộ sắp hoàn thành chương trình bác sỹ và trở về đơn vị phục vụ. Như vậy, về nguồn nhân lực, nếu làm một phép so sánh đối với tất cả các cơ sở KCB trong toàn tỉnh thì Bệnh viện YHCT chỉ đứng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Còn nếu so sánh với các bệnh viện cùng hạng (Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi) thì Bệnh viện YHCT có một đội ngũ bác sỹ gấp hơn 4 lần.


Trở lại nguyên nhân giảm số lượng bệnh nhân tại Bệnh viện YHCT, bác sỹ Trần Ngọc Anh – Phó Khoa Châm cứu cho biết: “Việc giảm lưu lượng bệnh nhân có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là nguyên nhân từ BHYT. Tỷ lệ được chuyển tuyến theo BHYT đến đây hầu như không còn; chỉ có các bệnh nhân đến tự nguyện”.


Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, tình trạng này có nguyên nhân do chủ quan, đó là mức độ tiếp cận bệnh nhân và quảng bá dịch vụ của Bệnh viện còn hạn chế.


Trước hết là những điều đơn giản nhất. Năm 2007, Bệnh viện chuyển ra địa điểm mới nhưng cho đến nay vẫn chưa có biển bảng ghi tên Bệnh viện treo tại cổng. Tại phòng khám, các khoa, phòng khác cũng vậy, không hề có các bảng, biển giới thiệu về các dịch vụ, đó là chưa kể đến việc tiếp cận tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng.


Mặt khác, việc chăm lo các dịch vụ tại Bệnh viện cũng còn rất hạn chế, chưa tạo được sự khác biệt so với các cơ sở KCB khác. Số bệnh nhân muốn tìm đến để điều trị tại Bệnh viện như trước đây không còn nhiều. Bệnh nhân điều trị trĩ trước đây trung bình hàng năm từ 300-400 ca nhưng đến năm 2012 chỉ có 73 bệnh nhân.


Việc giảm sút bệnh nhân đang khiến Bệnh viện đối mặt với nhiều khó khăn, hệ lụy. Trước mắt, Bệnh viện thiếu nguồn thu, không chủ động được ngân sách để tái đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế sẽ là nguyên nhân gây giảm sút bệnh nhân. Đó chính là vòng luẩn quẩn khiến những ai quan tâm đến sự phát triển của Bệnh viện không khỏi lo ngại. Điều đáng bàn nhất hiện nay là sự lãng phí về cơ sở vật chất và sức lao động trong khi còn quá nhiều người dân chưa được CSSK hoặc CSSK chưa đến nơi đến chốn do áp lực quá tải.


Nhân lực là yếu tố tiên quyết của mọi hoạt động. Với thế mạnh đó, Bệnh viện YHCT tỉnh cần chủ động xây dựng và quyết liệt triển khai chiến lược phát triển. Cùng với tích cực tháo gỡ những khó khăn hiện tại, đơn vị cần tăng chỉ số hấp dẫn bằng cách xây dựng chất lượng mũi nhọn, khẳng định thương hiệu và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá.


Biện Nhung

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP