Vì áp lực thành tích mà một giáo viên của trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu học sinh tát bạn 231 cái |
Nhóm nghiên cứu đã tổ chức 140 cuộc tọa đàm với 710 đối tượng là học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh (HSSV, CMHS), giáo viên, cán bộ quản lý, cán bộ sở, phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương, cán bộ cộng đồng, các chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục ở 4 tỉnh thành phổ được khảo sát là Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên và Nghệ An.
Bệnh thành tích biểu hiện ở mọi đối tượng
Theo PGS. Vũ Trọng Rỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, đối với học sinh, bệnh thành tích được biểu hiện ở khía cạnh là HS gian dối trong học tập cốt để có thành tích cao (73% HSSV, CMHS và giáo viên được hỏi khẳng định có biểu hiện này ở HS), HS nhờ can thiệp để làm đẹp học bạ, hồ sơ để được khen thưởng hoặc để được lên lớp (hơn 48% ý kiến đồng ý với ý kiến này). Đặc biệt, kết quả phỏng vấn HSSV cho thấy các em quá chú trọng vào các kỳ thi để lấy điểm số cao mà không chú tâm tới kiến thức mình thu nạp được. Vì vậy, nhiều HS không có những hiểu biết xã hội, thiếu kỹ năng sống, còn sinh viên ra trường thiếu kiến thức thực tế, không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Đối với giáo viên, có tới gần 38% đối tượng được khảo sát cho rằng, giáo viên thiếu trung thực trong đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp mình dạy/chủ nhiệm để được nhà trường công nhận danh hiệu thi đua. Có tới gần 65% các chuyên gia đánh giá biểu hiện này ở giáo viên là tương đối phổ biến và phổ biến. 27% người được khảo sát cho rằng giáo viên thiếu trung thực trong báo cáo kết quả công tác của mình để được nhận danh hiệu thi đua cao hơn thực tế. Tuy nhiên, có tới 40% giáo viên, giảng viên né tránh không trả lời hai câu hỏi này. Trong đó, giáo viên THCS “né” không trả lời là 66,7%, THPT là 47,9% và tiểu học là 38,4%. Kết quả tọa đàm với giáo viên cho thấy biểu hiện bệnh thành tích ở giáo viên khá rõ nét, giáo viên dung túng, bao che lỗi của HS do sợ ảnh hưởng đến thi đua hàng tuần của lớp. Giáo viên có những biểu hiện đối phó như sát đến ngày kiểm tra, cho HS làm trước những bài gần giống đề kiểm tra để đạt điểm cao hơn, sẵn sàng nâng điểm cao hơn thực tế, làm đẹp học bạ để lớp mình được đánh giá cao.
Đối với cấp lãnh đạo có 50% các chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng có 4 biểu hiện của bệnh thành tích : Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo xếp loại học lực, hạnh kiểm học sinh vào cuối kỳ, cuối năm cao hơn thực tế để nhà trường đạt các chỉ tiêu thi đua; Lãnh đạo nhà trường báo cáo thiếu trung thực với cấp trên và CMHS; Lãnh đạo nhà trường dung túng, tạo điều kiện cho cấp dưới thổi phồng, ngụy tạo thành tích, che giấu những hạn chế yếu kém để nhà trường đạt danh hiệu thi đua; Lãnh đạo nhà trường mua chuộc cấp trên và những người có chức , quyền để lấp liếm những yếu kém, hạn chế của cá nhân cũng như của nhà trường để nhà trường đạt danh hiệu thi đua.
Còn đối với CMHS thì có 43,1% đánh giá CMHS xin điểm, chạy chứng chỉ, giấy khen giải thưởng cho con mình để có hồ sơ học tập đẹp để có thành tích cao hơn thực lực là phổ biến và tương đối phổ biến. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chính quyền địa phương cũng góp phần tạo ra bệnh thành tích trong giáo dục khi có 46,2% đối tượng khảo sát cho rằng chính quyền địa phương gây áp lực cho ngành giáo dục bằng mọi cách đạt chỉ tiêu thi đua do địa phương đặt ra. 52,4% các đối tượng được khảo sát cho rằng cơ quan quản lý giáo dục các cấp báo cáo nâng cao thành tích so với thực tế và 59,2% cho rằng cơ quan quản lý còn có biểu hiện dung túng, làm ngơ sự gian dối của cấp dưới vì thành tích của ngành là biểu hiện của bệnh thành tích.
Làm mất niềm tin của xã hội vào giáo dục
Theo PGS. Vũ Trọng Rỹ, qua những cuộc tọa đàm trực tiếp tại địa phương, có một điều dễ nhận thấy là khi hỏi trực tiếp, các giáo viên, cán bộ quản lý đều khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục nhưng ở địa phương mình không có. Đây là một thực tế khi ngành giáo dục muốn chống lại bệnh thành tích sẽ phải đối mặt. PGS. Vũ Trọng Rỹ cũng cho biết, sau khi khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra những tác hại của bệnh thành tích đối với giáo dục. Trong đó, bệnh thành tích đã làm mất niềm tin của xã hội vào giáo dục (82% đối tượng khảo sát đồng ý với ý kiến này). Bệnh thành tích đã tạo ra chất lượng giáo dục ảo, khiến cho người dân và xã hội không thể nhìn nhận được chính xác chất lượng của các cơ sở giáo dục. Tác hại của nó là nguy cơ kéo giáo dục tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, bệnh thành tích đã tạo sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Nguyên nhân của bệnh thành tích cũng được nhóm nghiên cứu chỉ ra. Ngoài nguyên nhân khách quan thì có một nguyên nhân quan trọng đó chính là một số chính sách, chủ trương, quy định của Bộ GD&ĐT, của địa phương chưa hợp lý, dễ tạo điều kiện cho bệnh thành tích nảy sinh, phát triển. Trong đó, có các phong trào thi đua còn nặng về hình thức như thi giáo viên giỏi hàng năm. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm cũng được thực hiện một cách hình thức. Các quy định về đánh giá giáo viên, giảng viên. “Các chỉ tiêu quy định trường chuẩn chỉ được dưới 5% HS yếu kém vì vậy các trường phải “ép” theo con số đó để đảm bảo thành tích chung. Rồi tiêu chí trong quy định về phổ cập giáo dục: bỏ học dưới 1%. Vì vậy, các trường không dám cho HS lưu ban vì nếu lưu ban, HS có thể bỏ học, từ đó ảnh hưởng đến thi đua của trường” - nhóm nghiên cứu nêu thực tế.
“Cũng vì bệnh thành tích” mà trong các kỳ thi hết cấp, nhiều học sinh đã được “đỗ ép” để trường nâng cao tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình, nâng được uy tín của trường. Một lớp có 4 HS cá biệt, hư hỏng nhưng cuối năm, giáo viên chủ nhiệm lại toàn xếp hạnh kiểm khá, tốt. Một lớp bậc tiểu học gồm 43 HS, cuối năm có 42 HS giỏi, 1 HS tiên tiến. Một lớp 12 gồm 40 HS, kỳ 1 có 5-6 HS giỏi đến cuối năm tăng vọt lên 20 em. Hai năm nay, điểm số, các danh hiệu của HS lớp 12 ở nhiều địa phương cũng có bước nhảy vọt vì điểm số, học bạ của các em tham gia xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ”, Nhóm nghiên cứu thông tin
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong