Đạt giải quốc gia vẫn “thua” học bạ toàn 10
Giữa lúc dư luận đang đầy hồ nghi về “lạm phát” học sinh (HS) giỏi thì trường danh tiếng bậc nhất thủ đô là THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam công bố phương án, tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 khối THCS. Để được đăng ký xét tuyển vào trường này, HS các lớp 1, 2, 3 mỗi năm ít nhất phải có điểm tổng kết “một 9, một 10”, còn đến lớp 4, 5 đều phải “toàn 10” cho cả 4 môn học. Chưa dừng lại ở đó, HS phải được giáo viên chủ nhiệm và trường tiểu học xác nhận trong học bạ là “HS xuất sắc”.
Một phụ huynh có con vừa hoàn thành chương trình lớp 5 một trường tiểu học ở Q.Long Biên (Hà Nội) chua xót khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên: “Con chị dù được giải từ cấp quận, cấp thành phố và cao nhất là huy chương bạc trong cuộc thi giải toán, tiếng Anh trên mạng, nhưng vì học bạ không “toàn 10” như yêu cầu của trường đặt ra nên bị loại từ vòng “gửi xe”.
“Tại sao phải “toàn 10” trong khi vẫn biết những điểm đó không thật lắm? Có phù hợp với thực tế không khi một đứa trẻ môn nào cũng đạt điểm tuyệt đối tròn trịa như vậy?”, phụ huynh này lên tiếng.
Đánh giá chỉ nặng về “phần ngọn”
PGS Nguyễn Hữu Hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng hiện nay chúng ta chủ yếu mới kiểm tra kiến thức, kỹ năng mà chưa đánh giá được năng lực thực sự của HS, vẫn coi đánh giá là khâu cuối cùng, trong khi lẽ ra phải diễn ra trong suốt quá trình giáo dục. Điều này dẫn tới việc chỉ coi trọng điểm số, coi trọng “phần ngọn” mà không đánh giá được những năng lực khác của người học, nhất là năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, làm việc nhóm... Các mối quan hệ trong nhiều trường hợp hầu như chủ yếu mới chỉ nhìn nhận, đánh giá nhau bằng điểm số, tỷ lệ HS giỏi... Do vậy rất khó tránh khỏi hiện tượng nhà trường, giáo viên vì thương học trò, vì thành tích của bản thân, vì “chiều lòng” phụ huynh... dẫn tới cho điểm, xếp loại HS chưa thực sự khách quan.
Ông Lê Quang Minh, Trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến, Viện Quản trị ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội, từng viện dẫn một kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 75% cán bộ quản lý và 79,5% giáo viên cho rằng chất lượng giáo dục của một trường được đánh giá thông qua tỷ lệ phần trăm tốt nghiệp THPT và đỗ ĐH, CĐ hằng năm; phụ huynh thì coi chất lượng là kết quả học tập, kết quả vào ĐH...
...
Đồng quan điểm, GS Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng mục tiêu của giáo dục phổ thông VN lâu nay rất phức tạp. Để được nhìn nhận và thăng tiến mà nhiều người làm công tác quản lý giáo dục, nhiều thầy cô thường coi mục tiêu công việc của mình là có nhiều trò lên lớp, nhiều trò điểm cao. Hệ quả là bệnh thành tích lan tràn.
Cần thay đổi cách nhìn nhận về điểm số
PGS Nguyễn Hữu Hợp cho rằng thay đổi căn bản nhất cần làm là phải đánh giá được năng lực của người học bằng một bộ công cụ đạt chuẩn. Việc đánh giá này cần được tiến hành trong suốt quá trình chứ không phải chỉ là “đích đến”.
Ông Hợp đề xuất, bên cạnh việc các trường tự đánh giá thì cần phải có một đơn vị độc lập kiểm định, đánh giá chất lượng của các trường để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cơ quan kiểm định chất lượng này sẽ giám sát và có thể chọn mẫu đánh giá một cách ngẫu nhiên một số học sinh để xem kết quả đánh giá của trường có đúng thực tế hay không...
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học - Giáo dục VN, nêu quan điểm: “Điểm số không có lỗi nhưng nếu chỉ quan tâm đến điểm số thì tất yếu sẽ nảy sinh những tiêu cực khi mà thói quen truyền thống luôn dùng điểm số để so sánh HS này với HS khác. Mỗi HS đều có những năng lực riêng, việc so sánh điểm của một hoặc một vài môn học sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực với đứa trẻ, tạo áp lực và sự ganh đua không lành mạnh giữa HS, tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ”.
Ông Minh cũng khẳng định, điểm số không nói lên năng lực và phẩm chất của một HS. Nếu chỉ nhìn vào điểm kiến thức để đánh giá HS thì chúng ta đang biến HS thành “thợ học” mà thiếu các kỹ năng cần thiết khác cho cuộc sống.
Nhiều chiêu để học sinh đạt điểm cao
Một giáo viên ở TP.HCM kể có bài văn chỉ với vài ba gạch đầu dòng, đơn điệu về nội dung, không đáp ứng được những yêu cầu về kỹ năng và kiến thức nhưng được giáo viên chấm 7,75 điểm. Có lẽ sẽ không ai biết điều này nếu như không có một HS trong lớp bức xúc viết đơn khiếu nại với nhà trường vì bài làm của mình viết rất cảm xúc nhưng chỉ 4 điểm. Ban giám hiệu đã yêu cầu tổ bộ môn thanh tra và chấm thẩm định lại các bài thi thì kết quả điểm bài kiểm tra hoàn toàn ngược lại. Sau đó phát hiện nguyên nhân HS có bài văn hay nhưng điểm kém vì... không đi học thêm.
Quản lý một trường tư tại TP.HCM chia sẻ: “Việc xả điểm, nới điểm theo nghĩa đen là nâng điểm đã là chiêu cũ bởi dễ phát hiện. Hiện nay, dù không có quy định chính thức nhưng một số giáo viên, tổ bộ môn cùng ngầm hiểu với nhau bằng cách giới hạn trọng tâm nội dung ôn tập, thay vì HS phải học dàn trải cả chương thì nay có thể chỉ cần 1 hoặc 2 bài, kết quả làm bài sẽ tốt hơn”. “Với hình thức này, Sở kiểm tra cũng không thể phát hiện vì quy trình hoàn toàn kín kẽ. Đề thi được nộp lên ban giám hiệu, bài thi chấm đúng theo thang điểm đáp án”, thành viên ban giám hiệu trường này phân tích.
Vị này cũng cho rằng một bộ phận giáo viên cùng “nắm tay nhau” nâng điểm HS, bởi một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại giáo viên là kết quả giảng dạy, hiệu suất đào tạo.