Địa Chí Hà Tĩnh

Bến Xắt – Rào Trổ: Đau đáu nỗi niềm!

Mùa mưa, sông Rào Trổ, xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh) trở nên hung dữ. Trong quá khứ, dòng sông vốn hiền hoà từng nuốt chửng nhiều số phận hẩm hiu và chia cắt xã nghèo thành hai mảnh.

Một cây cầu bắc qua sông là ước nguyện bao đời của người dân nơi đây. Song, nếu không có “phép màu” thì điều tưởng chừng như đơn giản ấy chỉ tồn tại trong… “cổ tích” mà thôi.


Xóm Bắc Tiến, con đò sắt và quá khứ nặng lòng


Sau quãng đường dài ngược miền thượng Kỳ Anh, cuối cùng xã nghèo cũng hiện ra trước mắt tôi. Kia rồi, sông Rào Trổ – con sông chảy từ thượng nguồn về xuôi cung cấp nguồn phù sa cho cả một vùng hạ du rộng lớn. Bến Xắt – nơi chia cắt hai miền Nam – Bắc xã vào mùa hạ lúc mực nước xuống ở mức thấp nhất có độ sâu trên dưới 2m.


Thấy khách xuống đò, chàng trai trẻ tên Thắng vội vàng chèo thuyền đến đón khách. 15 phút sau, xóm Bắc Tiến bên kia sông hiện ra.


Tôi ngước mắt dõi theo hướng tay chỉ của Thắng. Ở đó, những ngôi nhà chênh vênh trên sườn núi, cao hơn mặt nước sông chừng 30m. Mùa mưa những ngôi nhà toạ lạc ở 3 xóm Bắc Tiến, Tân Tiến, Phúc Thành Hải như bị tụt xuống khi chỉ cách mặt sông Rào Trổ không đầy 1m khi nước sông dâng cao. Khi ấy, dòng sông biến thành một con trăn khổng lồ hung dữ, sẵn sàng nuốt chửng vào lòng những gì nó thấy “ngứa mắt”.


Vừa bước qua tuổi lục tuần nhưng hai bên khoé mắt chằng chịt những vết chân chim trên khuôn mặt khắc khổ, cô giáo Dương Thị Liên chẳng khác gì một bà lão ngoài thất thập. “30 năm làm nghề dạy học, tôi không thể nhớ nổi bao nhiêu người trở thành nạn nhân của hà bá. Nhưng không dưới 20 người đã mất mạng tại Bến Xắt. Sau 3 lần bị lật đò, nếu không được mọi người vớt lên, tôi cũng đã… “mồ yên mả đẹp” từ lâu” – cô giáo già không giấu nỗi bàng hoàng khi nhớ lại những lần suýt chết hụt.


Cho đến nay, người dân xóm Bắc Tiến vẫn nhớ như in cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Thị Sương (học sinh lớp 2C – Trường tiểu học Kỳ Thượng 1) với nỗi đau thắt lòng. Tan trường như thường lệ, cô học trò nhỏ lầm lũi bước về phía bến đò rồi dõi ánh mắt tứ phía tìm kiếm hình bóng bà ngoại. Bố mẹ cháu đang sinh sống làm việc ở nước ngoài. Bỗng dưng trận lũ ống bất ngờ từ thượng nguồn ập đến cuốn phăng cháu nhỏ xuống lòng sông, nhấn chìm mọi ước mơ trong tâm hồn non nớt. Khi thi thể cháu được vớt lên, toàn thân tím tái, bà ngoại ôm chặt cháu vào lòng rồi hướng ánh mắt giận dữ về phía dòng sông và gào lên không thành tiếng.


“Mỗi ngày đến trường là một ngày… lo”


Năm học chỉ diễn ra trong vòng 9 tháng, nhưng 2/3 trong số đó là khoảng thời gian đầy gian truân vất vả của phụ huynh, học sinh bậc tiểu học, THCS và tràn ngập nỗi lo. Trước ngày khai giảng năm học mới, nhiều phụ huynh đã phải nhanh chân tìm cho con mình một chốn nương thân ở phía Nam trước mùa mưa lũ. Mưa nhỏ là niềm hạnh phúc của nhiều người vì chỉ cần cõng con em lội qua Bến Xắt rồi đến đón con về. Ngặt nỗi, thời tiết không phải lúc nào cũng… chiều lòng người. Ngay cả Bến Xắt trời quang mây tạnh thì hiểm hoạ cũng không biết sẽ ập đến lúc nào khi bỗng dưng những ngọn thác từ thượng nguồn sẽ cuốn phăng tất cả. “Sương là một nạn nhân của cơn lũ ống năm 2009” – Hiệu trưởng trường tiểu học Kỳ Thượng Nguyễn Đình Tương vẫn chưa thể quên được ký ức đau buồn nói.

Bến Xắt – Rào Trổ: Đau đáu nỗi niềm!

Ngay cả trời quang mây tạnh thì hiểm hoạ cũng không biết sẽ ập đến lúc. Người dân nơi đây đang cần lắm một cây cầu!

An toàn cho con em đến trường, nhiều người dân phải chấp nhận một quãng đường dài gấp 4 – 5 lần. Buồn thay, không phải nhà nào cũng có phương tiện xe máy để đưa đón con em đến trường. Vì vậy, thức khuya dậy sớm không còn là chuyện lạ với người dân xóm Bắc Tiến. Toàn xóm có khoảng 50 học sinh bậc tiểu học và 80 học sinh bậc THCS. Dang dở chuyện học là điều chẳng ai muốn, tuy nhiên, khát vọng “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” ở Bắc Tiến đang trở thành “mỗi ngày đến trường là một ngày… lo”!.


… và khát vọng về một cây cầu


Một cây cầu bắc qua sông đang là khát vọng cháy bỏng biết bao đời nay của các thế hệ người dân Bắc Tiến, nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực. “Mới đây, khi triển khai thi công Dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng, Tập đoàn Hoành Sơn cam kết sẽ giúp địa phương xây dựng một số công trình hạ tầng cơ sở, trong đó có cầu Bến Xắt. Niềm ao ước bị nguội lạnh được hâm nóng. Nhưng rồi gần 2 năm nay vẫn “bặt chim tăm cá” – Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến, nói.


Xã Kỳ Thượng có hơn 1.000 ha đất canh tác, trong đó có 600 ha với 460 hộ dân nằm ở bờ Bắc gồm: Bắc Tiến, Phúc Tiến và Phúc Thành Hải. Cụm ốc đảo này được hình thành trong những ngày mưa lũ. Thế nên, để ra đồng nhiều người phải liều mình phó thác sinh mệnh vì đường vòng lại quá xa. Đó cũng là lý do khiến năm qua thu nhập bình quân đầu người của xã Kỳ Thượng chỉ đạt mức thấp một chỉ tiêu so với bình quân chung của huyện Kỳ Anh là 12 triệu đồng/năm.


Đi. Đến. Và những gì chứng kiến. Tôi cảm nhận được nỗi khó nhọc cơ hàn của những người thôn quê miền thượng Kỳ Anh. Khát vọng về một cây cầu bắc qua sông đến bao giờ mới thành hiện thực? Chỉ biết, rời Kỳ Thượng khi hoàng hôn buông xuống, trong tôi vẫn luôn đau đáu niềm hy vọng…!


Thùy Dương

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: mùa mưa , Sông Rào Trổ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP