Ngày 18-8, xã Hương Thủy, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với bến phà Địa Lợi.
Các đại biểu làm lễ mở bia Di tích lịch sử bến phà Địa Lợi |
Bến phà Địa Lợi được xây dựng từ thời Pháp thuộc, bề mặt phà lát bằng gỗ lim. Trong thời kỳ chống Pháp, bến phà Địa Lợi là nơi chuyên chở, lưu thông người và hàng hóa phục vụ chiến trường miền Bắc, Điện Biên Phủ và Trung Lào…
Bến phà Địa Lợi nằm trên tuyến Quốc lộ 15 nối liền từ Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao (Hà Tĩnh) để vào chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Vì thế, trước đây, ngay từ khi bắt đầu kế hoạch leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc, máy bay của Mỹ đã quyết tâm biến phà Địa Lợi thành “túi đựng bom”, “chảo bom”, “tọa độ lửa”...
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử bến phà Địa Lợi cho chính quyền xã Hương Thủy, huyện Hương Khê |
Từ năm 1965 cho đến năm 1972, máy bay Mỹ đã ném xuống nơi đây hàng ngàn tấn bom từ trường, bom nổ chậm, bom cắt, rocket, bom bi các loại.
Để đảm bảo an toàn, thông suốt cho tuyến đường huyết mạch này, hàng ngàn lượt bộ đội, thanh niên xung phong Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình… cũng như dân quân tự vệ và người dân huyện Hương Khê đã được huy động về đây bảo vệ phà Địa Lợi. Ban ngày để tránh bị lộ, phà Địa Lợi được đem đi cất giấu ở nơi bí mật, ban đêm phà lại được đưa trở về địa điểm cũ để nối nhịp cho xe và hàng hóa qua sông an toàn.
Cuối năm 1972, phà Địa Lợi được Ty Giao thông Vận tải Hà Tĩnh chuyển đến một địa điểm khác, sau đó bắc một chiếc cầu treo tạm thay thế phà tại đây.
Đến khoảng cuối năm 1975, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng một chiếc cầu bằng bê tông đặt tên là cầu Địa Lợi với chiều dài 159,6m tại Km 409+662 trên tuyến Quốc lộ 15, nằm cách vị trí bến phà Địa Lợi cũ hơn 3km xuôi về phía hạ lưu dòng sông Ngàn Sâu.
Khu vực sông Ngàn Sâu, nơi thời chiến tranh lắp đặt phà Địa Lợi ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê |
Phà Địa Lợi hôm nay không còn nữa, hai bên bờ Bắc và Nam Địa Lợi bao vết thương do bom đạn trong chiến tranh cũng đã lành lặn. Những hàng cây rừng, ngô đồng, khóm tre, cỏ hoa, lau lách um tùm, xanh ngắt đang đua nhau mọc lấn dần ra tận bến sông…
Và năm nào cũng vậy, cứ tới ngày 27-7, 30-4, 19-8, 2-9, ngày tết, các đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong... khi trở về thăm chiến trường xưa lại đến đây với niềm mong ước xây dựng tại bến phà này một đền tưởng niệm vừa để ghi lại sự kiện lịch sử oanh liệt của bến phà, vừa để tưởng nhớ đến những đồng đội của mình đã nằm lại cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tác giả: DƯƠNG QUANG
Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng