Hà Tĩnh ngày nay

Bất ổn xe máy, ô tô chung làn trên cầu Bến Thủy 1

Cầu Bến Thủy 1 nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có lưu lượng phương tiện xe cơ giới qua lại rất cao, nhưng hiện xe máy vẫn đi chung làn ô tô trên cầu nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Cầu Bến Thủy 1 nối liền 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có lưu lượng phương tiện xe cơ giới qua lại rất cao…

hatinh
Tình trạng xe máy vượt sai làn xảy ra thường xuyên trên cầu Bến Thủy 1

Anh Trần Văn Hùng, tài xế xe khách chạy tuyến TP Vinh (Nghệ An) – Quảng Bình chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đi qua cầu Bến Thủy 1. Hiện nay, lưu lượng phương tiện đi qua cầu này rất đông đúc. Người điều khiển xe máy đi cùng làn xe ô tô nên nhiều khi họ cố tình phóng nhanh, vượt ẩu trên cầu khiến chúng tôi rất bất ngờ và rất dễ xảy ra TNGT nếu các tài xế xe ô tô không làm chủ tốc độ”.

Chỉ trong thời gian ngắn, trên cầu Bến Thủy 1 đã xảy ra nhiều vụ TNGT và va chạm giao thông. Cụ thể, khoảng 21h ngày 20/12, anh Đinh Văn Phúc (31 tuổi, trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) điều khiển xe máy BKS 38H5-4339 đi theo hướng TP Vinh – Hà Tĩnh, khi đi đến đoạn giữa cầu Bến Thủy 1 đã bất ngờ đâm vào xe máy đi ngược chiều BKS 38X1-9570 do anh Phan Viết Hùng (42 tuổi, trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) điều khiển. Do cú đâm quá mạnh, anh Phúc và anh Hùng tử vong tại chỗ.

Trước đó, khoảng 20h ngày 19/10, xe ô tô Nissan BKS 30A-210.56 do ông Trần Báu Hà (trú tại TP Vinh, Nghệ An) điều khiển đi theo hướng Hà Tĩnh – TP Vinh, khi xe bắt đầu đi vào cầu Bến Thủy 1 đã bất ngờ đâm vào xe máy BKS 35H2-3212 do chị Ngô Thị Hà (SN 1971, trú tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh) điều khiển chở con nhỏ đi theo chiều ngược lại. Hậu quả, chị Hà bị vỡ mắt cá chân, phải cấp cứu tại Bệnh viện Ba Lan, Nghệ An.

Trước nguy cơ mất ATGT trên cầu Bến Thủy 1, Thiếu tá Đặng Quyết Thắng, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, hiện chúng tôi đang đề xuất phân làn, xe máy không đi chung làn với ô tô khi đi trên cầu Bến Thủy 1.

Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 cho biết, cầu Bến Thủy 1 được xây dựng từ những năm 90 với thiết kế là làn xe hỗn hợp, cầu thiết kế cũng có lề bộ hành cho các xe thô sơ đi. Bây giờ lưu lượng xe rất lớn, đặc biệt là xe ô tô đã tăng nhiều, nên các phương tiện đi hỗn hợp như thế là rất nguy hiểm. Hơn nữa, do mặt đường của cầu chỉ rộng 7 m nên chỉ đủ 2 làn cho xe ô tô. Do đó, nên cắm biển cấm các phương tiện xe máy, xe đạp và người đi bộ để đảm bảo ATGT.

Trần Lộc / Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP