Ghi nhận của Người Đưa Tin, từ 12h ngày 7/9, tại khu vực Tp.Hải Phòng, nhất là địa bàn quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải, gió bão kèm theo mưa, sóng biển liên tục quần thảo.
Tại quận Đồ Sơn, cây xanh gãy đổ la liệt trong gió bão. Ở đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, theo nguồn tin của phóng viên, đã có nhà chòi bị đổ sập do gió bão.
Cả Tp.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh mất điện trên diện rộng, thông tin liên lạc ở một số nơi bị gián đoạn.
Bão số 3 đổ bộ vào đảo Cát Hải, Tp.Hải Phòng (Ảnh: CTV). |
Tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, bước đầu ghi nhận có một số tàu xi măng đang neo đậu tại khu tránh trú bị đắm. Các địa phương có lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gió lớn khiến nhiều lồng bè bị trôi.
Tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 được đặt tại Tp.Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.
Theo đại diện Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, bão vào đất liền với tâm bão ở giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Trong đó vùng trọng điểm là Quảng Yên, Bãi Cháy, Hạ Long của Quảng Ninh; An Lão, Tiên Lãng, Hải An, Đồ Sơn, Cát Bà của Hải Phòng. Thời điểm mạnh nhất là từ 12 - 14 giờ chiều. Sau 17 giờ cấp độ bão sẽ giảm.
Báo cáo của Bộ Chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng cho biết, các tuyến đê biển, đê sông vẫn an toàn, các lực lượng vẫn duy trì ứng trực tại những điểm xung yếu là tuyến đê biển 1, 2. Tp.Hải Phòng đã di dời 23.500 người ra khỏi vùng trũng, thấp, chung cư cũ. Công tác thông tin liên lạc vẫn được duy trì.
Bão số 3 quần thảo dữ dội tại đất liền Tp.Hải Phòng (Video: Thái Phan).
Ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thông tin, sức gió đã giảm tại đảo Cô Tô, nhưng bắt đầu tăng tại khu vực đất liền. Mưa lớn tập trung ở Cô Tô, Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long. Quảng Ninh đã sơ tán người dân ở các vị trí nguy hiểm, nhà không kiên cố, trên tàu thuyền neo đậu vào nhà văn hóa, trường học, khách sạn.
Đồ Sơn và Cát Bà (Hải Phòng) mưa to, gió lớn trước khi bão số 3 đổ bộ
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những tuyến đê biển, đê sông xung yếu, trường hợp cần thiết báo cáo ngay Sở chỉ huy tiền phương để điều động lực lượng tăng cường hỗ trợ.
Các địa phương ven biển phải duy trì cấm đường, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà đến sau 20h và khi bão đổ bộ để giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người dân do cây đổ, một số công trình xây dựng nhỏ bị tốc mái, sập đổ.
Tác giả: Ngô Quang Thái
Nguồn tin: nguoiduatin.vn