Vừa qua Business Insider đã đăng tải một video có tên “Loại hoa quả có vị như thịt lợn này sẽ cứu hàng triệu người khỏi nạn đói”. Thật bất ngờ, thứ hoa quả kỳ lạ đó lại là đặc sản ở Việt Nam: Quả mít.
Theo ý kiến cá nhân của chúng tôi thì “vị như thịt lợn” không chính xác lắm nhưng vế “sẽ cứu hàng triệu người khỏi nạn đói” thì rất hợp tình hợp lý. Chỉ có điều bây giờ chúng ta mới biết mà thôi.
Mít là một loại trái cây đã quá quen thuộc ở các vùng nhiệt đới như Đông Nam Á hay Nam Mỹ. Mít là cây thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), và được cho có nguồn gốc ở Ấn Độ.
Khi phát triển to dần, lớp vỏ mít bắt đầu dày và sắc nhọn hơn nhằm bảo vệ trước những loài động vật thèm thuồng. Mít chín thường có vị ngọt và thơm.
Thời gian chín vào khoảng giữa mùa xuân và cuối hè. Đặc biệt, mít cũng có thể ăn luôn hoặc chế biến thành những món ăn khác nhau.
Các nhà nghiên cứu tin tưởng đây sẽ là câu trả lời cho vấn nạn chết đói trên thế giới hiện nay.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Liên Hợp Quốc từng đưa ra cảnh báo sớm về việc nhiệt độ tăng và lượng mưa thất thường có thể làm giảm sản lượng lúa mì và ngô.
Đây là hai trong số những loại ngũ cốc quan trọng nhất để duy trì an ninh lương thực trên thế giới.
Trong tương lai, không khó để tưởng tượng ra rằng, mít và nhiều loại trái cây khác cũng có thể đảm nhiệm vai trò thay thế nguồn lương thực chính cho con người.
Mít là loại trái cây khá giàu chất dinh dưỡng. Mít chín có thể đạt trọng lượng khoảng từ 4,5 – 45 kg. Mỗi mũi mít thơm lừng đều chứa một lượng lớn protein, kali, canxi và sắt.
Đây đều là những vi chất quan trọng cho sự sống và phát triển của con người.
Mặc dù có những công dụng tuyệt vời nhưng mít lại đang bị lãng phí một cách đáng tiếc ngay tại chính quê hương.
Theo Business Insider, có 75% mít không được tiêu thụ tại Ấn Độ. Phần lớn nguyên nhân nằm ở quan niệm cho rằng, mít là một loại trái cây dành cho người nghèo và tầng lớp hạ đẳng trong xã hội.
Không chỉ là một loại quả “thần kỳ”, các bộ phận của mít bao gồm thân cây, lá đều có những tác dụng nhất định.
Lá mít có thể sử dụng làm thức ăn cho dê, gia súc, đồng thời chữa sốt, nhọt và các bệnh ngoài da. Với vỏ cây, công dụng chủ yếu là điều chế thuốc nhuộm màu da cam thường thấy trên áo của các nhà sư.
Chưa kể, theo biên tập viên Padre của tạp chí Adike Patrike tại Ấn Độ, người khá quan tâm tới chủ đề liên quan đến mít ước tính, nông dân Ấn Độ có thể kiếm được khoảng 151 USD/cây mít.
Con số này bao gồm sản phẩm chính là trái mít và các bộ phận khác đi kèm.
Ở Việt Nam, mít là đặc sản cực kỳ gần gũi với tất cả người dân nông thôn.
– Ở Huế có món mít trộn với tôm, hành, nước mắm ăn kèm với bánh tráng nướng
– Quả mít non có thể sử dụng như rau để nấu canh, kho với cá, xào với thịt, làm gỏi.
– Xơ mít có thể dùng làm dưa muối gọi là nhút. Món này làm từ xơ mít chín hoặc từ quả mít xanh. Phương ngôn “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” nhắc đến hai đặc sản của vùng quê ở Nghệ An.
– Hạt mít cũng ăn được và có giá trị dinh dưỡng nhất định. Hột có thể đem rang, luộc, hoặc hấp. Trước khi ăn thì bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài; có mùi thơm và vị bùi.
Quả thật, Việt Nam chúng ta đang sở hữu một món quà tự nhiên vô cùng quý giá mà có lẽ ít người để ý tới.