Vừa qua, trên Facebook của cô giáo ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã chia sẻ bài kiểm tra môn Văn kỳ II của một học sinh lớp 12.
Với đề bài: “Cảm nhận của anh/chị về hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành”, học sinh này đã bày tỏ quan điểm về tác giả, tác phẩm cũng như sự bức xúc với cách chấm bài của giáo viên.
Bài kiểm tra Văn của học sinh lớp 12. |
Trong bài văn có đoạn: “Nguyễn Trung Thành theo em là một cây bút bá đạo trong nền văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Em không có ý xuyên tạc nhưng thật sự tác phẩm của ông đã để lại cho giáo viên và học sinh vô vàn nỗi đau và mỗi năm có hàng triệu sĩ tử phải mất ăn mất ngủ vì tác phẩm của ông. Trong đó hình tượng Rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên thật sự là một hình ảnh nổi bật cho sự bá đạo của ông.
Hình tượng cây xà nu thật sự là một hình tượng mang tính biểu tượng và sức gợi rất cao. Nó giống như một tảng băng trôi một phần nổi và bảy phần chìm và em hi vọng giám khảo sẽ tự hiểu phần chìm của nó. Có lẽ hình tượng rừng xà nu chính là điều thành công nhất trong cuộc đời của Nguyễn Trung Thành. Khi mà nhắc đến Rừng xà nu là hàng chục triệu học sinh và giáo viên qua các thời kỳ đều nhớ đến ông.
Riêng bản thân em thấy rất bức xúc khi mà đề bài yêu cầu nêu cảm nhận của em mà lại chấm điểm theo cảm nhận của ai kia. Em và người đó có thần giao cách cảm gì đâu mà trùng khớp hoàn toàn chứ.
Thôi em xin dừng bút và chúc vị giám khảo đang chấm bài em cảm thấy vui vẻ, nếu mệt quá thì giải trí chút đi, làm việc quá sức không có lợi cho sức khỏe. Em biết đây là bài thi học kỳ nên em không sợ hủy bài thi, em xin hứa là thi tốt nghiệp em sẽ không như thế. Có điều em không hiểu là tại sao cứ cho rừng xà nu hoài thế. Thôi em xin dừng bút. Chào thân ái và quyết thắng! Thân!
Tái bút: Đoạn cuối chính là cảm nhận từ sâu thẳm tim em về rừng xà nu”.
Sau khi đăng tải lên mạng, bài văn ngay lập tức được chia sẻ nhiều trên mạng. Dưới trang cá nhân của cô giáo có hơn 100 bình luận, trên các diễn đàn, các thành viên ảo cũng tranh cãi kịch liệt. Nhiều người bày tỏ sự lo ngại đối với tư duy, cách hành văn của học trò. Tuy nhiên, nhiều thành viên vẫn đồng tình với quan điểm của học sinh này khi phản đối cách chấm bài rập khuôn, máy móc của giáo viên hiện nay.