Thời Trang

Ba nhà thiết kế Việt đụng ý tưởng với bộ sưu tập xuyên thấu

Ren là một trong những xu hướng được ưa chuộng trong làng thời trang thế giới nhiều năm qua. Đây cũng là chất liệu phổ biến trong các bộ sưu tập váy cưới của nhiều thương hiệu quốc tế.

Các thiết kế mới của Chung Thanh Phong, Adrian Anh Tuấn và Lâm Gia Khang có nhiều nét tương đồng cả về chất liệu lẫn phom dáng. 

Các hãng Elizabeth Fillmore năm 2012, Louis Vuitton (2012, 2013), Elie Saab, Valentino, Giles (Xuân Hè 2013), Haus of Milani, Michael Costello (2014)… đã trình làng các thiết kế ren, cắt laser tinh tế, mang đậm tinh thần lãng mạn và cổ điển.

ba-nha-thiet-ke-viet-dung-y-tuong-voi-bo-suu-tap-xuyen-thau

Thiết kế cắt laser theo phong cách xuyên thấu của các nhà mốt quốc tế trong bộ sưu tập ra mắt các năm 2011, 2012, từ trái sang: Louis Vuitton, Valentino, Giles.

Tại Việt Nam, Lâm Gia Khang lần đầu giới thiệu chất liệu ren cắt laser từ mùa Thu Đông 2015. Hoa văn đẹp, phom dáng xuyên thấu nhưng không phản cảm giúp nhà thiết kế 9X thăng hạng về tên tuổi. Nhiều sao Việt như Đặng Thu Thảo, Phạm Hương, Hạ Vi, Diễm My 9X, Angela Phương Trinh… đều diện đồ ren của nhà thiết kế này. Trong bộ sưu tập Xuân Hè 2016, Lâm Gia Khang tiếp tục khai thác chất liệu ren và các phom dáng đã được yêu thích.

Mới đây, bộ sưu tập của nhà thiết kế Chung Thanh Phong tạo ra những tranh cãi khi một số mẫu có chất liệu và cách ghép, viền vải tương tự. Người đẹp Ngọc Trinh sau khi xem trang phục của Chung Thanh Phong nhận định: “Nếu chỉ nhìn qua ảnh, nhiều thiết kế dễ nhầm tưởng với váy áo của Lâm Gia Khang. Nhưng tôi công nhận bộ sưu tập này đẹp và kỳ công, tôi mặc lên thấy rất hài lòng”.

Cùng lúc đó, một số trang phục trong bộ sưu tập mới của nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn cũng bị cho là trùng lặp ý tưởng.

Một thiết kế nhìn ngoài chỉ khác biệt về hoa văn của Chung Thanh Phong và Lâm Gia Khang.

Thiết kế ren cắt laser của Chung Thanh Phong (trái) và Lâm Gia Khang.

Chia sẻ với VnExpress, Lâm Gia Khang cho biết anh đã xem những bộ sưu tập ren của các nhà thiết kế Việt. “Khó có thể dùng từ nhái vì chúng ta đều đi theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, nếu là tôi, tôi không sử dụng lại xu hướng đã trở thành dấu ấn của người khác để đưa vào bộ sưu tập của mình. Điều đó dễ làm cho khách hàng bối rối”. Lâm Gia Khang cho rằng sự trùng lặp này không làm ảnh hưởng đến doanh thu chung, vì anh hiểu khách hàng của mình đang mua chất lượng và sự tinh tế. Anh khẳng định: “Vải ren của Lâm Gia Khang được đặt hàng dệt riêng, có khổ nhỏ và phải được ghép, may bằng tay tỉ mỉ. Giá trị của bộ váy và lòng tin của người mặc nói lên tất cả”.

Nhà thiết kế Chung Thanh Phong nhận định nhiều người, trong đó có cả Lâm Gia Khang, đang bị nhầm lẫn ở một số khái niệm. Chất liệu ren là xu hướng chung của thế giới, mỗi nhà thiết kế chọn cách xử lý, tạo phom khác nhau.

Anh giải thích: “Ren trong bộ sưu tập của tôi hướng đến sự sexy, cá tính với những đường xẻ sâu phần hông, còn ren của Khang là những nàng thơ mong manh, tinh khôi. Cách xử lý chất liệu của chúng tôi khác nhau. Bộ sưu tập của tôi kỳ công ở cách ghép vải đối xứng và ôm sát theo dạng bodysuit, từng họa tiết đều được tính toán để có sự đối xứng ngang dọc”.

Bản thân nhà thiết kế sinh năm 1988 nhận định “đồ của Lâm Gia Khang và Adiran Anh Tuấn giống nhau trong cách xử lý ren ở phần viền, nhưng cách sắp xếp ren của tôi khác họ”.

ba-nha-thiet-ke-viet-dung-y-tuong-cua-nhau-trong-cung-mot-bo-suu-tap-ren-1

Chất liệu ren cổ điển cùng phom dáng tương tự nhau khiến nhiều người nhầm lẫn về nhà thiết kế. Trong ảnh từ trái sang: đầm ren của Chung Thanh Phong, Lâm Gia Khang và Adrian Anh Tuấn.

Chung Thanh Phong cũng khẳng định không tham khảo bất cứ ai trong lúc vẽ mẫu để giữ vững lập trường thiết kế. Sau khi bộ sưu tập hoàn chỉnh, anh có xem qua các thiết kế của Lâm Giang Khang để hiểu câu chuyện của đồng nghiệp. “Ren là sản phẩm signature của Khang nhưng các mẫu ren chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là sử dụng kỹ thuật xoắn vải. Bộ sưu tập của tôi 100% ren Pháp, với 60 mẫu thiết kế khác nhau và mất đến bốn tháng để hoàn thành”, anh nói.

Adrian Anh Tuấn thì cho rằng các mẫu váy áo trong bộ sưu tập của anh đều có phom cổ điển mà bất cứ nhà mốt nào cũng có. “Sau khi ra mắt, đồ tôi cũng bị copy nhiều nhưng không quan trọng, vì mỗi bộ sưu tập tôi chỉ ra trong hai tháng là đã cháy hàng. Còn có trùng lặp hay không thì chỉ những người đã mặc thiết kế mới có thể trả lời chính xác. Trước khi ra mắt bộ sưu tập, chúng tôi đều phải nghiên cứu kỹ”, nhà thiết kế bày tỏ.

Theo Adrian Anh Tuấn, sự khác biệt trong sản phẩm của mình là ở những đường cắt may tối giản, tập trung vào xử lý chất liệu với nhiều loại ren có độ dày mỏng khác nhau được phối trên cùng một sản phẩm.

Giá thành ba bộ sưu tập có sự chênh lệch khá lớn. Mỗi thiết kế của Lâm Gia Khang có giá từ 12-18 triệu đồng, trong khi của Chung Thanh Phong là 18-28 triệu đồng và Adrian Anh Tuấn là dưới tám triệu đồng.

Lâm Gia Khang cho biết với mức giá này, anh đặt sự tri ân khách hàng nhiều hơn là vấn đề lợi nhuận vì tiền vải và cách xử lý quá cầu kỳ. Chung Thanh Phong khẳng định đồ của anh giá thành cao vì được may đo riêng theo cỡ từng người, “chất lượng không thua hàng hiệu”. Anh tiết lộ đã bán được 50 mẫu ngay trong hai ngày đầu ra mắt.

ba-nha-thiet-ke-viet-dung-y-tuong-voi-bo-suu-tap-xuyen-thau-3

Sao Hollywood cũng chuộng phong cách xuyên thấu với váy áo cắt laser. Diễn viên Rachel Bilson diện thiết kế cúp ngực khi chụp cho Marie Claire năm 2013. Taylor Swift khoe sắc với váy ren cắt laser xuyên thấu của Valentino Xuân Hè 2015 được trình diễn tháng 9/2014.

Lý giải về giá thành sản phẩm, Adrian Anh Tuấn cho hay: “Tôi đã tham khảo giá của rất nhiều bộ sưu tập ren nước ngoài trước khi định giá sản phẩm của mình. Đồ ngoại giá chỉ khoảng tám triệu đồng trở lên mà chất liệu và phom dáng đã rất đẹp. Tôi không muốn khách hàng của mình phải mua đắt, dù sao ngành thời trang Việt Nam chỉ vừa phát triển một chút”.

Chị Hồ Duyên Trang, người từng mặc váy ren của cả ba nhà thiết kế, nhận xét: “Ba bộ sưu tập chỉ giống nhau về vẻ ngoài, chất liệu, đường cắt và rập của từng người đều khác nhau. Chỉ cần chất liệu khác là cách xử lý, cắt may cũng đã phải khác. Tôi nghĩ những ai tận tay sờ vào trang phục và mặc thử thì mới thấy rõ sự khác biệt này”.

Hiện tại ở nhiều chợ vải đã xuất hiện những sản phẩm ren cắt laser được nhập từ Trung Quốc, với mức giá chỉ khoảng 600.000 đồng mỗi mét. Trong khi đó, các shop thời trang rao bán những chiếc đầm ren với giá 1,5 triệu đồng trở lên.

Vân An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP