“Ngay cả tôi cũng không ngờ rằng, cái nghề đa mang, “bèo bọt” này vẫn có thể tồn tại cho đến bây giờ...” - Ông Quế “mở màn” cuộc nói chuyện với chúng tôi.
Chằm áo tơi ở làng Yên Lạc. Ảnh: Uyên Phương |
Chung thủy với nghề chằm tơi
Dưới ánh vàng dịu nhẹ của cái nắng cuối Thu, từng góc, từng khoảng trống đường làng Yên Lạc dường như trở nên dịu dàng bởi sắc màu đặc trưng của những đọt lá tơi. Trong làng, cạnh những bàn tơi, những người thợ đan áo tơi vẫn thoăn thoắt tay kim, tay lá. Bên các bà, các mẹ, đám trẻ vui đùa bắt chước để rồi thành nghề tự lúc nào chẳng hay. “Coi nghề chằm tơi là nghề phụ quan trọng, mỗi mùa tơi, người dân Yên Lạc thu về gần 600 triệu đồng. Tuy mức thu nhập chưa cao, nhưng đến bây giờ, vì còn tiêu thụ được nên người dân ở đây vẫn dốc sức theo nghề... Hơn nửa thế kỷ làm nghề chằm tơi, tôi chỉ mong sao nghề này không bị mai một theo thời gian...” - Ông Quế chia sẻ với chúng tôi.
Ông Quế tâm sự, đã hơn nửa thế kỷ ngồi cặm cụi bên bàn tơi để xỏ từng đường kim, thấy nghề chằm áo tơi chẳng mấy dư dả nhưng cũng đỡ đần mắm muối, dầu đèn. Ông thường bảo con cháu trong nhà chớ phụ cái nghề mà nhờ nó, bao năm chiến tranh triền miên, khó khăn trăm bề, người làng Yên Lạc vẫn có đủ gạo cơm, mắm muối đắp đổi qua ngày.
Theo ông Quế, nghề chằm áo tơi đến với mỗi người dân Yên Lạc cứ tự nhiên như người lớn bây giờ biết bật ti vi và đi xe máy vậy. Hiện nay, dù đã có các kiểu áo mưa bằng bạt, áo ni lông tiện dụng thì ở làng Yên Lạc vẫn có hơn năm chục nhà chung thủy với nghề chằm tơi. Gọn nhẹ, sạch sẽ nên tất cả các công đoạn để làm áo tơi như: chẻ mây, vào khuôn, khâu, nức... đều có thể tranh thủ làm ở mọi lúc, mọi chỗ...
“Nghề này khá đơn giản, nhẹ nhàng, không nhất thiết đòi hỏi phải có vốn nên rất gắn bó với người dân Yên Lạc vốn ít ruộng, không có điều kiện kinh doanh, buôn bán. Cái hay của nghề chằm áo tơi là từ đứa trẻ bảy, tám tuổi đến những người già sắp gần đất xa trời như tôi đều có thể tự kiếm tiền...” - Ông Quế tỏ vẻ tự hào.
Làm cuộc “khảo sát bỏ túi” một vòng quanh làng Yên Lạc, chúng tôi thấy, hầu hết các “công nhân” làm nghề chằm áo tơi đều chăm chỉ, tâm huyết với nghề do cha ông mình truyền lại. Cũng phải thôi, nghề này không cần vốn vì tất cả vật liệu như lá tơi, dây mây đều có thế tự kiếm từ các vùng rừng gần nhà. Mỗi năm, mùa chằm áo tơi ở Yên Lạc bắt đầu khi lá tơi trên rừng vào độ “bánh tẻ”, đủ tiêu chuẩn để người thợ chằm ra những chiếc áo tơi có thể chống chọi được với cái nắng “quăn tàu cau” và gió Lào như táp lửa vào mặt ở vùng đất xứ Nghệ.
Để chằm được một chiếc áo tơi, người ta phải xếp lá sát vào nhau như lợp mái nhà tranh ngày xưa, sau đó, bẻ gập phần cuống xuống, dùng mây khâu đằn lên các lớp lá đó. Những công đoạn để cho ra đời một chiếc áo tơi hoàn chỉnh không tốn quá nhiều công sức. Dụng cụ dùng để chằm tơi cũng hết sức đơn giản, chỉ cần một bàn tơi đắp bằng đất hay ken bằng gỗ và một chiếc kim sắt lớn.
“Trong tất cả các công đoạn để cấu thành chiếc áo tơi, thì hơ lá trên lửa và phơi nắng, phơi sương là khâu chiếm mất nhiều thời gian nhất. Lá tơi có được hơ “đúng độ” và phơi đủ nắng thì mới bền và có màu vàng - trắng pha nâu bắt mắt. Ngoài ra, lá tơi còn phải được phơi sương để khi vuốt, xếp và khâu mới không quăn...” - Cụ Trần Thị Minh, năm nay đã 86 tuổi, người từng được cha mẹ dạy cho cách chằm áo tơi khi tóc còn để đuôi gà, cho chúng tôi biết.
Chiếc áo tơi cổ truyền vẫn còn gắn bó với người dân Hà Tĩnh. Ảnh: Uyên Phương |
Một mai có còn?...
Nói về thu nhập từ nghề chằm áo tơi với chúng tôi, ông Nguyễn Đắc Khoa, Trưởng thôn Yên Lạc rỉ rả: “Không giàu được nhưng người làng Yên Lạc cũng khá “xôm” nhờ nghề chằm tơi. Mỗi chiếc áo tơi hiện được bán với giá từ 30-50 nghìn đồng. Mấy năm vừa rồi, do thời tiết nắng nóng, cộng với gió Lào thổi rát rạt từ tối đến sáng nên áo tơi do người làng Yên Lạc làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đấy. Không chỉ người dân ở Can Lộc có nhu cầu về mặt hàng này mà ở các huyện lân cận như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ vẫn còn “chung thủy” với áo tơi. Từ đầu mùa đến giờ, ở Yên Lạc có nhiều nhà bán được cả nghìn chiếc áo tơi. Tiền sách bút, giấy mực cho con cháu học hành, tiền phân gio, điện “đóm”... đều trông cả vào đấy!...”.
Tâm sự với chúng tôi, ông Khoa bảo, ông có lý khi lo sợ nghề chằm tơi, cái nghề mà bao thế hệ người dân ở Yên Lạc đã tâm huyết theo đuổi sẽ thất truyền. Từ trước đến nay, ở Hà Tĩnh, người dân chung thủy với chiếc áo tơi hết mực vì nó vô cùng tiện dụng trong đời sống nông thôn. Xưa, chiếc áo tơi, duỗi ra là chiếc mâm dọn cơm rất dã chiến, xong bữa đứng lên, giũ tơi đặt xuống lại thành chiếc chiếu.
Nhà nông đi thăm ruộng, gặp kỳ ruộng nứt nẻ vì khô hạn, cởi áo tơi ra, rồi cầm lấy hai thân chụm lại, thoắt cái, áo tơi biến thành cái... gàu múc nước rất hiệu quả. Áo tơi còn là chiếc quạt để quạt thóc khi trời đứng gió... Có lẽ vì thế, ở các vùng nông thôn Hà Tĩnh bây giờ, dù các vật dụng thay thế chức năng của chiếc áo tơi khá nhiều và không quá đắt đỏ, nhưng nhiều người dân vẫn sử dụng áo tơi như hàng trăm năm trước.
“Trước đây, khi các loại áo mưa ni lông tiện dụng chưa ê hề như bây giờ, tôi cứ nghĩ, còn nắng, còn mưa, còn người làm ruộng thì còn tơi. Nhưng bây giờ, bọn trẻ ưa bay nhảy, ruộng đồng ngày càng ít đi. Đây chính là nguyên nhân khiến cho làng Yên Lạc trước đây có 150 hộ dân thì cả 150 hộ đều chằm áo tơi. Còn bây giờ, số hộ làm nghề chỉ còn một phần ba. Không biết đến lúc những người già như chúng tôi nằm xuống, nghề chằm áo tơi có còn?” - Ông Khoa bày tỏ nỗi lòng.
Tạm biệt những người làm nghề chằm áo tơi ở Yên Lạc, lời tâm sự như được rút ra từ trong ruột của cụ Minh, ông Quế, ông Khoa cứ đeo đẳng chúng tôi trong suốt hành trình trở về. Quả như lời họ nói, chiếc áo tơi vốn gắn bó thân thiết với cuộc sống của người dân lao động ở các vùng nông thôn Hà Tĩnh từ bao đời nay, đã đi vào cả những câu ca dao lục bát, vào văn hóa dân gian: “Trời mưa thì mặc trời mưa/Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi”, không biết rồi có còn đóng góp vào cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn mà thanh thản của họ?
Vẫn biết, ở những vùng quê Hà Tĩnh bây giờ, dù áo tơi vẫn có mặt ở các phiên chợ quê như một món hàng để mua, bán, giúp những làng nghề nặng duyên với nghề tơi như Yên Lạc còn cơ hội để tồn tại. Nhưng loại vật dụng “đặc biệt” cùng giá trị văn hóa dân gian gắn liền với nó liệu có thể mãi tìm được mạch sống riêng của mình và trường tồn cùng thời gian?
Tác giả: Uyên Phương
Nguồn tin: Báo Biên Phòng