Vợ nạn nhân Phạm Hồng Phượng thảng thốt gọi tên chồng
“Về đi anh, con còn nhỏ, chưa biết gì đâu…”
Trong khi lực lượng công nhân nỗ lực để thông tàu thì khoảng 21 giờ ngày 20.2, vợ và chị gái của nạn nhân Phạm Hồng Phượng (33 tuổi, nhân viên đường sắt), người thiệt mạng trong vụ tai nạn đã có mặt ở hiện trường, sau nhiều giờ tức tốc đi từ TP.Yên Bái vào xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế).
Vừa bước xuống xe, thấy hiện trường ngổn ngang giữa tiếng gầm rú của máy cẩu, chị Phạm Thị Nguyệt (chị gái anh Phượng) và chị Bích Hồng dường như không bước nổi.
Khi được dìu đi đến toa bưu vụ phát điện, nơi trước đó lực lượng cảnh sát PCCC mất gần 4 giờ mới đưa được thi thể anh Phượng ra ngoài, chị Hồng luôn miệng hỏi: “Anh ấy khi đưa ra có nguyên vẹn không các anh ơi?”.
Chị gái và vợ nạn nhân Phạm Hồng Phượng tại hiện trường vụ tai nạn
Khi lực lượng cứu hộ cắt được toa bưu vụ phát điện ra khỏi đầu máy và các toa tàu khác, toa này đã lăn 3 vòng. Trong tiếng khóc than khàn đục, chị Bích Hồng gọi: “Anh hãy về với mẹ con em anh ơi. Con nó còn nhỏ, chưa biết gì đâu…”.
Đứt cáp giữa khuya
Ngay sau vụ tai nạn tàu SE2 thảm khốc khiến 3 người thiệt mạng xảy ra lúc 14 giờ 40 ngày 20.2, lực lượng công nhân đã bắt tay vào công tác giải phóng hiện trường. Để thực hiện việc cứu hộ và thông tàu, ngành đường sắt đã tách 9 toa tàu sau đó đưa về ga Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc) – cách hiện trừng 5 km – để lại 5 toa tàu và đầu máy bị lật, văng khỏi đường ray.
Công nhân nỗ lực thông tàu
Hàng trăm công nhân gần như làm việc thâu đêm để sớm thông tàu. Anh Phạm Trương Thanh, một công nhân trẻ của Xí nghiệp toa xe Đà Nẵng đã làm việc suốt từ 19 giờ ngày 20.2 đến 7 giờ 21.2, cho biết bản thân anh rất mệt nhưng đặc thù nghề nghiệp, lại từng tham gia cứu hộ nhiều vụ tai nạn đường sắt nên cũng quen dần. “Chỉ còn 2 toa nữa thôi là được nghỉ rồi. Cố lên thôi!”, anh Thanh tự động viên.
Một công nhân đang ghép nối những đoạn ray hỏng
Đầu máy tàu là thứ khó nhất khiến lực lượng cứu hộ phải dùng đến 2 cần cẩu, nhưng có lúc bị đứt cáp
Ngay trong đêm, một cần cẩu hạng nặng, sức nâng 100 tấn khác của ngành đường sắt, cũng được điều từ Đồng Hới (Quảng Bình) đến hiện trường để tham gia cứu hộ, giải tỏa hiện trường để thông tàu.
Không chỉ thế, một xe cẩu hạng nặng của Xí nghiệp vận tải Hùng Vương Huế thuộc ngành đường bộ cũng được điều đến hiện trường trợ giúp cho chiếc cẩu ngành đường sắt.
Đến đầu giờ sáng 21.2 hiện trường vẫn ngổn ngang
Việc cẩu kéo các toa tàu khá khó khăn khi có 2 toa và đầu máy nằm vắt vẻo theo các hướng khác nhau, nhất là đầu máy tàu bị lật nhào vì quá nặng. Lúc 1 giờ 20 ngày 21.2, sự cố đứt cáp đã xảy ra khi hai cần cẩu phía nam cẩu đầu máy tàu.
Công nhân xí nghiệp toa xe Đà Nẵng trắng đêm phục vụ bộ phận cẩu
Các lực lượng đã rất nỗ lực để thay cáp và cẩu lại, tuy nhiên sau khi dịch chiếc đầu máy được một đoạn thì phát hiện gầm tàu bị mắc kẹt dưới một toa tàu khác. Công việc trở nên hết sức nan giải.
Từng toa tàu được đưa ra khỏi đường ray
“Dù từ chiều hôm qua đến sáng nay nhiều anh em phải làm việc liên tục nhiều giờ và thức trắng đêm nhưng chúng tôi luôn sát cánh, động viên anh em công nhân, cán bộ bằng tinh thần lẫn vật chất với quyết tâm cao nhất để thông tàu sớm nhất”, ông Đặng Văn Thanh, Phó giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên bộc bạch.
Những chiếc toa cuối cùng được giải phóng trong sự nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng cứu hộ và nhân viên ngành đường sắt
Đình Toàn