Kinh tế

"Ăn đậm" ở hàng không, bố chồng Hà Tăng tính lấn sân ngành đường sắt

Công ty do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại sân bay lớn nhất cả nước với lợi nhuận mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, đại gia này đang tìm cách lấn sân cung cấp dịch vụ đường sắt và đường bộ.

Sasco là "ông lớn" dịch vụ hàng không trong và ngoài sân bay như phòng chờ thương gia, cửa hàng miễn thuế, quảng cáo sân bay,...

Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã CK: SAS) vừa công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 27/3 sắp tới.

Theo đó, Sasco sẽ xin ý kiến cổ đông đăng ký bổ sung ngành nghề mới là hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt và đường bộ.

Động thái này nằm trong kế hoạch mở rộng ngành nghề kinh doanh trong năm 2018, thí điểm cung cấp suất ăn cho 6 đoàn tàu Bắc – Nam, thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Các suất ăn trên tàu đều được kiểm soát chất lượng và bảo quản theo quy trình của hàng không. Trước đó, đội ngũ tiếp viên cũng được đào tạo tại Học viện Hàng không.

Ngoài ra, Sasco cũng đề xuất cải tạo toàn bộ mặt bằng tầng một và hai của ga Sài Gòn nhằm cải thiện công năng sử dụng, bổ sung một số dịch vụ cao cấp như cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán lẻ và phòng khách… Công trình khởi công trong quý I/2018 và hoàn thành sau ba tháng với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 2/2018, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiết lộ thông tin Sasco đã đề nghị cùng với Tổng công ty cải tạo toàn bộ mặt bằng nhà ga Sài Gòn.

Theo kế hoạch, toàn bộ tầng 1, tầng 2 ga Sài Gòn phục vụ nhu cầu của khách đi tàu như cửa hàng bán lẻ, cửa hàng café, nhà hàng ăn uống, phòng khách và tác nghiệp hành khách bán vé, khu vực đợi tàu với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.

Sasco sẽ trả cho Tổng công ty Đường sắt khoảng 2 tỷ đồng/năm để được sử dụng toàn bộ mặt bằng nhà ga trong thời gian 5 năm kể từ khi hoàn tất việc sửa chữa.

Sasco hiện là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với các nguồn thu chính gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách sân bay, bán lẻ tại trung tâm thương mại…

Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sasco hiện là ông Jonathan Hạnh Nguyễn (nhậm chức từ tháng 4/2017) - được mệnh danh là "ông vua hàng hiệu" trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, vợ ông Hạnh, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên là thành viên Hội đồng quản trị. Bà Thuỷ Tiên còn là Tổng giám đốc Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group), một cổ đông lớn của Sasco.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - bố mẹ chồng diễn viên Tăng Thanh Hà đều nắm quyền điều hành tại Sasco

Trong năm 2017, Sasco ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số với tổng doanh thu đạt 2.287 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận trước thuế tăng 17% so với năm 2016, đạt mức 220 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả kinh doanh khả quan trong năm, doanh nghiệp gắn liền với hình ảnh của nhà chồng diễn viên Tăng Thanh Hà cho rằng, sự tăng trưởng liên tục của ngành hàng không thời gian qua là yếu tố chính. Sản lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng trưởng 12% giúp sản lượng giao dịch và doanh thu từ hoạt động kinh doanh lõi tăng trưởng tốt.

Tuy vậy, Sasco cũng thừa nhận chủ trương mở cửa thị trường dịch vụ phi hàng không tại các nhà ga sân bay của các cơ quan chức năng tạo nên sự cạnh tranh gay gắt, thu hẹp thị phần của công ty. Đơn cử như dịch vụ vân chuyển taxi Phú Quốc bị cạnh tranh, mảng kinh doanh du lịch và khách sạn, resort tại Phú Quốc cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Với định hướng lấn sân sang lĩnh vực đường sắt song song với ngành nghề truyền thống là dịch vụ hàng không, doanh nghiệp do ông Janathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT kỳ vọng đem về doanh thu 2.625 tỷ đồng - tăng trưởng 4,4% và lợi nhuận trước thuế 370 tỷ đồng, tăng trưởng 5,9%.

Tác giả: Hoa Liên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP