Thế giới

Ám ảnh bức tường nước chết chóc

Một làng chài ven biển ở Donggala, trên đảo Sulawesi - Indonesia, không còn ngôi nhà nào trụ vững

Hơn 4 ngày sau khi thảm họa kép động đất - sóng thần tấn công TP Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia, nỗi hoảng sợ về bức tường nước chết chóc ập tới chớp nhoáng cuốn phăng mọi đồ đạc và cả những người thương yêu, vẫn ám ảnh những nạn nhân sống sót.

Chấn động

Nhiều người trong số hàng triệu nạn nhân đang phải tá túc ở các trại sơ tán vẫn chưa hết sốc mỗi khi xảy ra một cơn dư chấn, trong khi ít nhất 200 đợt dư chấn như vậy được ghi nhận sau thảm họa. "Sau mỗi cơn dư chấn, mọi người hoảng loạn và bỏ chạy, một số người còn hét lên thảng thốt: Sóng thần!" - ông Radika Pinto, đại diện của tổ chức trợ giúp nhân đạo World Vision ở Palu, chia sẻ.

Người đàn ông bế thi thể em bé thiệt mạng trong thảm họa động đất - sóng thần ở Palu, Indonesia Ảnh: AP

"Ai cũng như có lửa đốt trong lòng!", đó là cảm xúc chung của những người sống sót đang mong ngóng tin tức về người thân mất tích. Anh Dwi Haris - một người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện quân đội TP Palu - vừa khóc vừa kể lại thời khắc trận động đất cực mạnh làm rung chuyển căn phòng khách sạn ở tầng 5, nơi anh ở cùng vợ và con gái. "Hoàn toàn không có thời gian để chúng tôi tự cứu lấy mình. Tôi bị quăng quật và những bức tường đổ nát. Tôi nghe tiếng vợ kêu cứu nhưng sau đó hoàn toàn im lặng. Tôi không biết cô ấy và con tôi ra sao rồi, chỉ biết cầu mong họ an toàn" - Haris kể.

Với những người bị mất tích người thân, mong mỏi lớn nhất là họ được an toàn. Thế nhưng, không ít trường hợp chỉ có thể tìm thấy người thân mất tích trong những … chiếc túi đựng thi thể.

Tàn khốc

Trong các hình ảnh quay lại từ trên cao, TP Palu, cách thủ đô Jakarta 1.500 km, sau khi hứng chịu hậu quả nặng nề từ trận động đất 7,5 độ Richter và theo sau đó là sóng thần cao tới 6 m hôm 28-9 đã bị san phẳng nhiều khu vực. Thi thể các nạn nhân vẫn không ngừng được đưa ra từ những đống đổ nát. Hình ảnh bãi biển Talise ở Palu vào đêm 28-9 và buổi sáng ngay sau đó thể hiện một sự tương phản tàn khốc.

Vào đêm 28-9, bãi biển ngập tràn niềm vui với hàng trăm người đổ về mừng khai mạc Lễ hội Âm nhạc Nomini của thành phố. Đến sáng 29-9, Talise nhuốm màu tang tóc với những thi thể rải trên bờ và trôi nổi trên mặt biển. "Dọc bờ biển ở Palu, nhà cửa bị sóng thần cuốn bay, trong đó có cả nhà tôi ở Tondo - chẳng còn lại một dấu vết nào sau cơn sóng dữ. Thi thể ở khắp mọi nơi" - anh Ical, một phóng viên địa phương chia sẻ với báo The Guardian.

Theo trang ABC, Boya, làng chài ven biển ở Donggala - khu vực gần tâm chấn của trận động đất nhất, thậm chí không còn ngôi nhà nào trụ vững. Gia đình anh Andi Rainaldi ở Boya, có tới 7 người thân mất tích, trong đó có cậu con trai nhỏ, khi thảm họa kép tấn công làng giữa lúc cả gia đình đang sum họp vào chiều 28-9.

Sau nhiều ngày vật lộn tìm kiếm, hôm 30-9, Andi tìm thấy thi thể con trai ở một nhà thờ Hồi giáo địa phương - nơi đang trở thành nhà xác tạm thời. "Tôi không thể nhận ra mặt con trai, chỉ nhận ra con qua quần áo. Người con không chỗ nào lành lặn" - người cha khắc khoải, "Đây là đứa con duy nhất của chúng tôi, nó bé bỏng quá. Tôi đau đớn lắm, chúng tôi buộc phải chôn cháu càng sớm càng tốt".

Tình người ấm áp

Bất chấp hiểm nguy, 2 công dân nước ngoài đã cứu sống 2 mẹ con mắc kẹt trong thảm họa kép ở Indonesia. Trang Channel News Asia ngày 30-9 đưa tin 2 công dân nước ngoài nói trên là ông Ng Kok Choong (Singapore, 53 tuổi) và Francois de Neuville (Bỉ, 29 tuổi). Cả 2 là bạn của nhau và cùng đến Palu để tham gia một cuộc thi dù lượn.

Trong lúc tìm đường thoát thân khi sóng thần đổ bộ hôm 28-9, họ phát hiện 2 mẹ con mắc kẹt bên dưới đống đổ nát của khách sạn Mercure vừa bị sập. Ban đầu, cả hai chỉ kịp đưa bé gái ra ngoài rồi đưa lên cây cao để tránh sóng thần. Sau khi sóng rút, ông Ng quyết quay lại và với sự trợ giúp của một số người xung quanh, ông đã cứu được người mẹ đang mắc kẹt quá sâu.

Trong khi đó, một nhân viên không lưu trẻ tuổi người Indonesia đang được truyền thông quốc tế gọi là người hùng khi ở lại làm nhiệm vụ tới giây phút cuối cùng, giúp máy bay chở hàng trăm hành khách thoát khỏi khu vực bị động đất. Khi thảm họa xảy ra, trong khi các đồng nghiệp đều di tản khỏi khu vực làm việc, Anthonius Gunawan Agung - 21 tuổi, nhân viên Cơ quan Kiểm soát Không lưu Indonesia tại TP Palu - quyết tâm ở lại tháp điều khiển tại sân bay Mutiara Sis Al Jufri, để bảo đảm chuyến bay số hiệu 6321 của hãng Batik Air có thể cất cánh an toàn. Khi máy bay đã rời mặt đất, tòa tháp không lưu rung lắc dữ dội, Agung nhảy từ tầng 4 xuống mặt đất và bị gãy chân cùng nhiều chấn thương bên trong. Anh được đưa đi cấp cứu sau đó nhưng không qua khỏi.

Tác giả: ĐỖ QUYÊN

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP