Nếu thường xuyên tinh chỉnh Firefox, hẳn bạn không lạ gì trang about:config. Tại trang này, bạn có thể tìm thấy rất nhiều thiết lập nâng cao cho Firefox mà không thể thực hiện được trên giao diện đồ hoạ.
Dưới đây là 9 mục tùy chỉnh trong about:config rất có ích cho người dùng Firefox.
Từ giao diện chính của Firefox, bạn gõ vào thanh Address dòng about:config và nhấn Enter. Khi thấy thông báo This might void your warranty hiện ra, bạn bấm nút I’ll be careful, I promise! để tiếp tục.
1. Xoá thời gian chờ cài add-on
Thông thường, sau khi tải về một add-on cho Firefox, bạn phải chờ năm giây mới cài được nó. Ở hộp thoại cài đặt, bạn phải chờ đếm ngược hết năm giây thì nút Install mới sáng lên để bạn bấm chọn.
Muốn xoá bỏ thời gian chờ năm giây không cần thiết, bạn vào trang about:config, nhấn Ctrl + F tìm từ security.dialog_enable_delay. Sau đó, bạn nhấp đôi vào dòng security.dialog_enable_delay vừa tìm thấy, điền giá trị 0 vào hộp thoại Enter integer value hiện ra, rồi bấm OK.
2. Thay đổi kết quả hiển thị trên Awesome Bar
Thanh Address của Firefox còn được gọi là Awesome Bar, vì ngoài nhập địa chỉ website cần truy cập, bạn có thể gõ một từ khoá nào đó để tìm lại website đã truy cập trước đây có liên quan đến từ khoá ấy. Sau khi gõ từ khoá, Awesome Bar sẽ hiển thị danh sách các trang web đã xem, cũng như các website trong Bookmarks có liên quan từ khoá. Mặc định, kết quả hiển thị trên Awesome Bar sẽ ưu tiên xếp các trang thường truy cập nhất lên đầu, sau đó mới đến các trang ít truy cập hơn nằm trong danh sách Bookmarks.
Nếu muốn ưu tiên hiển thị các trang trong Bookmarks lên đầu kết quả tìm kiếm, bạn vào about:config, tìm places.frecency.unvisitedBookmarkBonus và thay đổi giá trị của khoá (mặc định có giá trị 140).
Bạn tăng giá trị lên cao để tăng độ ưu tiên cho các trang trong Bookmarks, ngược lại thì giảm giá trị xuống thấp. Nếu không muốn hiển thị kết quả tìm thấy từ Bookmarks, bạn đưa giá trị về 0. Vậy cần tăng haygiảm thêm bao nhiêu giá trị cho hợp lý? Bạn truy cập vào https://developer.mozilla.org/en/docs/The_Places_frecency_algorithm để xem cách tính chi tiết.
3. Thay đổi số lượng kết quả hiển thị trên Awesome Bar
Mặc định, thanh Awesome Bar chỉ hiển thị tối đa 12 địa chỉ website.
Nếu muốn thay đổi số lượng website hiển thị, bạn tìm khoá browser.urlbar.maxRichResults và thay đổi giá trị của khoá từ 12 sang một con số nào đó tùy vào số lượng website muốn hiển thị. Để tắt luôn tính năng gợi ý website dựa trên từ khoá nhập vào của Awesome Bar, bạn đưa về giá trị -1.
4. Mở kết quả tìm kiếm trên thẻ mới
Ở góc trên bên phải giao diện Firefox là hộp tìm kiếm để bạn tìm nhanh một từ khoá trên Internet thông qua bộ máy Google, Yahoo!, Bing,…
Mặc định, trang hiển thị kết quả tìm thấy được hiển thị ngay trên thẻ đang mở. Nếu muốn mở trang kết quả trên một thẻ mới, bạn tìm khoá browser.search.openintab trong about:config, rồi nhấp đôi vào khoá này để chuyển nó từ giá trị False sang True.
Lưu ý: Thay vì nhập từ khoá cần tìm vào hộp tìm kiếm trên trình duyệt, bạn có thể nhập từ khoá ngay vào thanh Awesome Bar và nhấn Alt + Enter. Hai cách tìm kiếm này dù khác thao tác nhưng giống nhau về cách hoạt động.
5. Đổi kiểu hiển thị URL trên thanh Address
Để người dùng dễ xem, URL hiển thị trên thanh Address của Firefox có màu đen ở tên miền chính của website, các vùng còn lại có màu xám nhạt.
Muốn làm URL có màu đen toàn bộ (không còn màu xám nhạt nữa), bạn tìm đến khoá browser.urlbar.formatting.enabled trong about:config, nhấn đôi chuột vào khoá ấy để chuyển từ trạng thái True sang False.
Sau khi chỉnh, URL hiển thị trên thanh Address đã được làm ẩn đi đoạn “http://” ở đầu URL. Nếu muốn hiển thị lại đoạn ấy trên URL như cũ, bạn tìm đến khoá browser.urlbar.trimURLs và chuyển giá trị từ True sang False.
6. Tắt hộp thoại kiểm tra add-on tương thích
Hộp thoại Checking Compatibility of Add-ons thường hiện ra mỗi khi bạn cập nhật Firefox lên phiên bản mới nhằm kiểm tra độ tương thích của những add-on cũ. Tuy nhiên, hộp thoại này cũng không mấy cần thiết và chỉ làm mất thời gian chờ đợi.
Do vậy, để tắt hộp thoại Checking Compatibility of Add-ons, bạn vào trang about:config, nhấp chuột phải vào vùng trống bất kỳ trên trang, chọn New > Boolean để tạo khoá mới, đặt tên là extensions.checkCompatibility, rồi bấm OK. Ở hộp Enter boolean value, bạn chọn mục false và bấm OK.
Ngoài cách làm như trên, bạn có thể tải nhanh tiện ích Add-on Compatibility Reporter (https://addons.mozilla.org/en-US/firefox/addon/add-on-compatibility-reporter) để tắt hộp thoại kiểm tra tính tương thích trên Firefox.
7. Tùy biến Spell checker
Tính năng Spell checker trên Firefox hỗ trợ kiểm tra lỗi chính tả khi nhập liệu trên Firefox, song chỉ hữu dụng khi bạn dùng ngôn ngữ tiếng Anh. Mặc định, Spell checker chỉ hoạt động đối với những khung soạn thảo có nhiều dòng, còn những nội dung nhập vào các khung chỉ một dòng (ví dụ như hộp tìm kiếm trên các website) không được kiểm tra lỗi chính tả khi nhập.
Nếu muốn kích hoạt tính năng Spell checker trên mọi phạm vi nhập liệu, bạn tìm khoá layout.spellcheckDefault và sửa giá trị khoá này thành 2. Sau đó, bạn làm mới lại trang web và thử nhập liệu lại để kiểm tra kết quả.
Đối với những từ nhập sai chính tả, sẽ có một dấu gạch chân màu đỏ dạng zigzag để bạn biết mà sửa lại. Bằng cách thiết lập trong about:config, bạn có thể thay đổi dấu gạch chân ấy sang kiểu khác, ví dụ gạch nét đôi, gạch chấm,… Để thực hiện, bạn nhấp chuột phải vào vùng trống trên trang about:config, chọn New > Integer để tạo khoá mới với tên ui.SpellCheckerUnderlineStyle. Sau đó, bạn bấm đôi chuột vào khoá vừa tạo và điền các giá trị từ 0 đến 5 tương ứng với năm kiểu gạch chân cho từ sau chính tả. Trong đó, giá trị 0 là không gạch chân, 1 là gạch chấm, 2 là gạch nối, 3 là gạch dạng đường thẳng, 4 là gạch đôi, 5 là gạch dạng zigzag như mặc định.
7. Hiện hộp chuyển đổi qua lại giữa các thẻ
Trên Windows, bạn có thể nhấn tổ hợp phím Alt + Tab để mở ra bảng chứa các cửa sổ đang mở dưới dạng ảnh thu nhỏ, từ đó chuyển nhanh đến cửa sổ cần dùng. Trên Firefox, bạn cũng có thực hiện giống vậy bằng tổ hợp phím Ctrl + Tab. Mặc định, tổ hợp phím Ctrl + Tab trên Firefox chỉ giúp người dùng chuyển đến thẻ kế tiếp trong danh sách các thẻ đang mở.
Do vậy, để kích hoạt tính năng hiển thị các thẻ dưới dạng ảnh thu nhỏ khi nhấn Ctrl + Tab trên Firefox, bạn tìm khoá browser.ctrlTab.previews, nhấn đôi chuột vào khoá ấy để chuyển từ trạng thái False sang True. Xong, bạn nhấn thử Ctrl + Tab để kiểm tra kết quả.
8. Đổi số dòng, số cột trên trang New Tab
Khi mở thẻ mới trên Firefox, trang New Tab sẽ hiện ra chứa danh sách chín website truy cập gần đây dưới dạng ảnh thu nhỏ, gồm ba dòng và ba cột. Bạn có thể thay đổi lại số dòng và cột trên trang ấy, bằng cách vào trang about:config, tìm hai giá trị browser.newtabpage.rows (số dòng) và browser.newtabpage.columns (số cột). Tương ứng với mỗi khoá, bạn thay đổi giá trị từ 3 sang giá trị khác tuỳ vào số dòng hay số cột muốn hiển thị trên trang nhà.
9. Tắt hiệu ứng động
Khi mở thẻ mới, phóng to trình duyệt ra chế độ toàn màn hình, hay mở tính năng Tab Groups, bạn sẽ thấy có hiệu ứng chuyển trang diễn ra khá nhanh trên giao diện Firefox để các thao tác ấy trông mượt mà hơn. Dù vậy, trên máy tính cấu hình thấp, các hiệu ứng động ấy có thể làm giảm tốc độ thực thi của phần mềm.
Để tắt hiệu ứng động trên giao diện Firefox, bạn vào about:config lần lượt tìm đến ba khoá browser.tabs.animate, browser.panorama.animate_zoom và browser.fullscreen.animateUp. Ở hai khoá đầu tiên, bạn nhấn đôi vào khoá để chuyển giá trị từ True sang False. Ở khoá thứ ba, bạn thay đổi giá trị từ 1 sang 0.
Phương Trúc
Motthegioi