Đốt trường vì “câu” ngàn like
Ngày 9/10, một clip ghi lại cảnh nữ sinh cầm túi xăng tưới và châm lửa đốt trường học được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội. Nữ sinh trong đoạn clip là Ngọc Hân, sinh năm 2003, là học sinh lớp 8 của Trường THCS Nguyễn Trị Phương (Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Em mang xăng đến đốt trường cũ (Trường THCS Phạm Ngũ Lão, xã Ninh An, Ninh Hòa, Khánh Hòa) chỉ vì trước đó có đăng lên Facebook, nếu đủ 1.000 lượt like sẽ châm lửa đốt trường. Khi đã đủ số lượt like, Hân bị các bạn khác xúi giục, ép đốt trường đúng như đã tuyên bố.
Mặc dù nữ sinh này đã được phối hợp để xử lý theo đúng quy định nhưng sự việc để lại nhiều bài học cho giới trẻ về việc “câu like”, “câu view” trên mạng xã hội.
Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, học sinh lứa tuổi THCS đang lớn, có nhiều thay đổi tâm sinh lý và dễ bị tác động, dễ bị lôi kéo. Do đó, “trách nhiệm của nhà trường, của gia đình là cần phối hợp thường xuyên quan tâm theo dõi, diễn biến tâm sinh lý nhắc nhở để tránh tình trạng đáng tiếc như vậy”.
Giáo viên bị điều đi tiếp khách
Một trong những câu chuyện giáo dục tốn nhiều giấy mực trong năm 2016 là việc nữ giáo viên bị điều đi tiếp khách xảy ra tại Hà Tĩnh trong thời gian tháng 8/2016.
Theo đó, để chuẩn bị cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh tổ chức vào tháng 8, UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã có sự phân công nhiệm vụ cho 21 cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ lễ tân. Đây đều là những giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh.
Một số giáo viên phản ánh, đằng sau sự tiếp đón về mặt hình thức ấy, các giáo viên còn phải đi cùng đoàn khách mời đến các quán karaoke “rất phiền phức và không thoải mái”. Điều này gây ra sự khó xử cho các giáo viên đã được phân công nhiệm vụ.
Vụ việc trên đã được phản ánh lên tận Bộ trưởng GD&ĐT nên ngày 14/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh làm rõ thông tin và tổ chức rút kinh nghiệm trước vụ việc trên.
Học sinh tự tử vì nghi bị làm nhục
Mặc dù chưa thể khẳng định do bạo lực nhưng một vụ tự tử ở Yên Bái của một học sinh vào trong năm nay đã khiến nhiều người giật mình.
Theo đó, học sinh Bùi Quang Huy có mâu thuẫn với một bạn cùng lớp. Bạn học này đã mách chuyện với gia đình và Huy bị phụ huynh của bạn chặn đánh ở cổng trường bằng tuýp cao su. Sau đó, nhóm thanh niên còn bắt Huy quỳ và chắp tay xin tha trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè trong trường.
Sau khi bị đánh, em Huy bị thương, hoảng loạn tâm lý nên gia đình đã đưa em vào Bệnh viện 103 Yên Bái nằm một tuần. Sau khi từ viện trở về, Huy càng ít nói hơn. Ngày 25/9, gia đình phát hiện cháu Huy tự tử ở dưới bếp.
Theo một luật sư, hành vi của nhóm đối tượng đánh học sinh Bùi Quang Huy rõ ràng có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cả hai tội danh có thể “áp” để xử lý đều phải theo yêu cầu của người bị hại nhưng cháu Huy đã mất nên rất khó có thể khởi tố.
“Giáo sư” nhảy lên bàn chửi tục học viên
Ngày 6/11, trên mạng xã hội lan truyền một video dài hơn 3 phút ghi lại một cuộc đối thoại giữa 2 người đàn ông trong một căn phòng xoay quanh vấn đề tiền nong. Một người đàn ông mặc áo hồng (được cho là thầy giáo) hai chân giẫm lên bàn, vừa xưng tao – mày, vừa chửi học viên của mình bằng những từ ngữ tục tĩu.
Theo chia sẻ của người đăng tải đoạn clip, người thầy chửi tục trên là Giáo sư, Tiến sĩ Phan Văn Hưng, Hiệu trưởng “Học viện” Kinh tế Sáng tạo.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chức danh giáo sư danh dự của ông Phan Văn Hưng tại ĐH Southwest America. Bởi lẽ, ngay từ năm 2010 thì trường ĐH Southwest America (Hoa Kỳ) đã bị liệt vào danh sách 21 trường ĐH “ma” tại Mỹ.
Ngày 9/11/2016, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận được công văn số 1441/ĐTVNN của Cục Đào tạo nước ngoài đề nghị thanh kiểm tra hoạt động của Học viện Kinh tế Sáng tạo. Theo ghi nhận của PV Dân trí, đơn vị này đã gỡ bỏ biển hiệu và dừng quảng cáo chức danh “ma” trên website.
Đưa game vào trường và tâm thư gửi Bộ trưởng
Ngày 8/12, facebook của anh Trần Trọng An (Hoàng Mai, Hà Nội) có bài phản ánh liên quan đến game “Chinh phục vũ môn”. Được biết, anh An là người đã gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Bộ GD&ĐT cổ súy cho học sinh- đặc biệt là học sinh tiểu học, chơi game online thông qua cuộc thi “Chinh phục vũ môn”.
Là một phụ huynh của học sinh đang học lớp 5, anh vô cùng lo lắng bởi việc này sẽ vô cùng ảnh hưởng tới con trẻ bởi trong đó có nhiều phần game mang tính bạo lực và nhiều phần yêu cầu phải nạp thẻ cào với mệnh giá từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup cho biết, “Chinh phục vũ môn” được thiết kế có 3 phần chính: Chơi game, phần học tập trực tuyến và tham gia cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Tuy nhiên, người sử dụng chỉ trả phí qua thẻ cào ở trong trường hợp nâng cao và việc này là tự nguyện.
Ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu tạm dừng cuộc thi, đồng thời yêu cầu TƯ Đoàn- đơn vị chủ trì phối hợp rà soát toàn bộ cuộc thi “Chinh phục vũ môn”.
Chiều 10/12, Trưởng ban tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn” đã có văn bản thông báo chính thức tạm dừng cuộc thi từ 17h ngày 10/12/2016.
Thầy giáo luồn tay vào nách chỉ bài cho học sinh
Tháng 3/2016, dư luận xã hội vô cùng xôn xao khi một bức hình chụp một thầy giáo luồn tay qua nách nữ sinh để chỉ bài. Thông tin về giáo viên nhanh chóng được xác định là D.A.T. dạy Vật lý của trường THCS Nguyễn Trãi (Châu Đốc, An Giang).
Bức ảnh luồn tay vào nách học sinh do một người bạn cùng lớp của em C.T.S.T. (học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Trãi) chụp lại tại nhà riêng của thầy T. trong giờ học thêm Anh văn của vợ thầy giáo này. Khi sự việc được đưa ra công luận, thầy T. cho rằng, việc mình có trong lớp là phụ vợ sửa bài cho các em học sinh, luồn tay qua nách học sinh như thế thuận tiện hơn, thay vì dùng tay chỉ bài học sinh từ phía đối diện có thể làm trúng các em.
Được biết, hành động luồn tay qua nách học sinh để chỉ bài của thầy T. không phải chỉ diễn ra một lần mà là nhiều lần và nhiều học sinh khác cũng bị chứ không riêng gì em S.T. Ngày 25/3/2016, Phó chủ tịch UBND TP. Châu Đốc (An Giang) đã kỷ luật khiển trách và sẽ chuyển công tác thầy giáo T.
Mỹ Hà