Cuộc sống số

5 điều chưa biết trong đợt khóa hàng triệu sim rác

MobiFone không cho đối thủ xem hệ thống giao tiếp tổng đài, Viettel “bức xúc” chuyện kiểm tra việc đăng ký lại thông tin thuê bao… là những điều chỉ người trong cuộc mới biết.

Đại diện các nhà mạng MobiFone, Viettel, VinaPhone, Vietnammobile, Gtel vừa giám sát, kiểm tra chéo lẫn nhau về việc khóa sim (khóa dịch vụ) đối với các thuê bao có dấu hiệu kích hoạt sẵn tồn trên kênh phân phối dưới sự giám sát, chứng kiến của đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 23/11.

Đến 0h ngày 24/11, việc kiểm tra chéo giữa các nhà mạng đã hoàn tất. Đoàn công tác của Bộ tập hợp thông tin báo cáo Bộ trưởng. Tuy nhiên, đến cuối ngày, nhiều thông tin liên quan đến đợt kiểm tra chéo này vẫn chưa được công bố.

MobiFone không cho đối thủ xem toàn hệ thống HLR

Theo chương trình, tổ công tác sẽ kiểm tra chéo hệ thống quản lý thuê bao và hệ thống HLR (hệ thống giao tiếp tổng đài) của nhau, lấy số thật để kiểm tra quy trình cắt/hủy sim rác (khoảng 20 số ngẫu nhiên) đồng thời kiểm tra việc đăng ký lại thông tin thuê bao xem có đúng không và rà soát danh sách thuê bao ngoại lệ.

Trao đổi với Zing.vn sau buổi kiểm tra chéo này, đại diện tổ công tác của một nhà mạng kiểm tra việc khóa sim rác ở MobiFone cho hay khi kiểm tra hệ thống HLR, nhà mạng này không cho đối thủ xem hết các tệp dữ liệu (log).

Vị này cho hay về mặt dữ liệu, họ không thể nào kiểm tra hết mọi thuê bao thuộc diện sim rác được. Nhưng với việc nhà mạng không cho xem đầy đủ các log trên HLR, tổ công tác không thể xem hết được thông tin của các thuê bao được kiểm tra ngẫu nhiên (20 thuê bao).

“Phải vào được log đầy đủ mọi thứ mới tường minh. Còn nếu họ không cho xem thì cao thủ cũng không thể biết được hết. Chúng tôi phải vào thêm phần quản lý thuê bao mới xem được thông tin đó”, vị này nói.

5 dieu chua biet trong dot khoa hang trieu sim rac hinh anh 1
Đến nay, nhiều thông tin liên quan đến đợt kiểm tra chéo này vẫn chưa được công bố. Ảnh: Zen Nguyễn.

Trong biên bản giám sát, MobiFone cũng ghi rõ 5 bước thực hiện, nhưng riêng bước 2 (kiểm tra 2 hệ thống: quản lý thuê bao và HLR), nhà mạng nhấn mạnh các đối thủ chỉ được kiểm tra mẫu ngẫu nhiên.

Cụ thể, các đối thủ chỉ được đo kiểm tổng số giao dịch (dòng) xem có tương ứng với tổng số thuê bao đã kết xuất và đã khóa hay không; kiểm tra ngẫu nhiên 20 số thuộc diện sim rác xem có gọi, nhắn tin được không. Vì chưa có quy định nào về việc này nên MobiFone vẫn được phép đề nghị đoàn kiểm tra thực hiện như trên.

Bình luận về việc này, đại diện nhà mạng cho rằng kịch bản test đó đội kỹ thuật của các nhà mạng đã họp và thống nhất với nhau. “Chúng tôi chỉ làm theo kịch bản”, vị này nhấn mạnh.

Viettel thắc mắc về yêu cầu của Bộ

Trong khi đó, đại diện tổ công tác của một nhà mạng khác nói với Zing.vn phần gây tranh cãi nhất là phần kiểm tra việc đăng ký lại thông tin thuê bao xem có đúng không.

Theo quy định, tổ công tác phải kiểm tra xem hồ sơ gốc giữa nhà mạng và khách hàng (hợp đồng, photo chứng minh nhân dân 2 mặt) có trùng với dữ liệu trong hệ thống quản lý thuê bao của nhà mạng hay không. Nếu trùng thì hồ sơ hợp lệ và ngược lại.

“Phía Viettel cho rằng yêu cầu này từ phía Bộ không rõ ràng, cụ thể xem kiểm tra, so sánh thông tin gì giữa hồ sơ gốc và dữ liệu trong hệ thống khiến các bộ phận gặp khó trong việc thực hiện. Chứng minh thư nhân dân gồm cả số, ảnh, đặc điểm nhận dạng, Bộ phải yêu cầu rõ kiểm tra, so sánh thông tin nào chứ ghi chung chung thế nghĩa là kiểm tra hết. Rất khó”, vị này nói.

Thừa nhận thực tế này, một thành viên thuộc tổ công tác của Bộ cho rằng tiêu chí thì thống nhất, nhưng cách hiểu thì khác nhau nên còn gây tranh cãi trong cách thực hiện.

Hoãn kiểm tra IN

Ban đầu, biên bản giám sát, kiểm tra chéo ghi rõ các nhà mạng phải kiểm tra chéo 3 hệ thống gồm quản lý thuê bao, IN (hệ thống quản lý thuê bao trả trước) và HLR.

Tuy nhiên, đến chiều ngày 23/11, trước khi bắt đầu buổi làm việc tại Mobifone, đại diện đoàn công tác của Bộ đã yêu cầu tạm hoãn việc kiểm tra IN do “chưa cần thiết” đồng thời yêu cầu bổ sung việc kiểm tra, rà soát danh sách thuê bao ngoại lệ.

Theo tìm hiểu được, trước khi tiến hành kiểm tra chéo, Ban chăm sóc khách hàng và Ban kinh doanh của các nhà mạng đã phối hợp bỏ các thuê bao liên lạc nghiệp vụ ra khỏi danh sách khóa.

3 nhà mạng chậm khóa sim rác hơn

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu tất cả các nhà mạng cùng vào cuộc, khai tử sim rác. Tuy nhiên, 3 nhà mạng gồm Viettel, Gtel và Vietnammobile sẽ thực hiện lệnh trên chậm hơn so với các đối thủ khác.

Cụ thể, Viettel dự kiến khóa 3,6 triệu thuê bao. Tuy nhiên, thời gian triển khai từ 0h ngày 20/11 đến 24h ngày 21/12. Từ chối tiết lộ lý do của sự “chậm trễ” này song đại diện Viettel khẳng định sẽ thực hiện đúng cam kết.

Trong khi đó, đại diện đoàn công tác của Bộ cho hay ngoài quy định quản lý nhà nước còn phải theo cam kết của các doanh nghiệp.

“Mỗi nhà mạng cam kết khóa sim rác trong khoảng thời gian khác nhau là do thời gian họ chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật, con người khác nhau”, vị này nói.

Đề xuất quản lý thuê bao kiểu mới

Ngày 23/11, trao đổi với Zing.vn, một đại diện đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay ông đề xuất các nhà mạng tới đây đưa phần mềm nhận dạng thông tin chứng minh thư, hộ chiếu… vào hệ thống để tiện quản lý chuyện này.

Bình luận về việc này, đại diện một nhà mạng cho hay: “Làm được việc đó thì tốt, nhưng còn phải đánh giá xem phần mềm có làm được chính xác hay không và phải có chỉ tiêu để đo lường”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP