Tàu lượn vận tải Ju 322. Ảnh: Wikipedia. |
Trước nguy cơ thảm bại ngày càng rõ ràng cuối Thế chiến II, trùm phát xít Đức Adolf Hitler đã huy động những nhà khoa học và kỹ sư giỏi nhất để bí mật nghiên cứu nhiều mẫu vũ khí mới mang tính cách mạng nhằm xoay chuyển cục diện chiến trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà hầu hết các dự án chỉ dừng ở giai đoạn thiết kế hoặc thử nghiệm sơ bộ, không kịp đưa ra chiến trường, theo War History.
Tàu lượn vận tải hạng nặng Ju 322 Mammut
Tàu lượn Junkers Ju 322 "Mammut" (Voi ma mút) sử dụng thiết kế cánh bay (flying wing) tương tự oanh tạc cơ tàng hình B-2 của Mỹ sau này, kết hợp với phần đuôi của máy bay truyền thống. Nó ra đời nhằm phục vụ mục đích vận tải của không quân Đức vào năm 1940, nhưng chỉ có hai nguyên mẫu được chế tạo.
Đây là loại tàu lượn khổng lồ làm hoàn toàn bằng gỗ, nhằm tiết kiệm chi phí ở thời điểm khan hiếm kim loại. Nguyên mẫu Ju 322 có thể chở 20 tấn hàng hóa, tương đương một xe tăng hạng trung Panzer IV hoặc một pháo phòng không Flak 88 với toàn bộ kíp chiến đấu, đạn dược và nhiên liệu.
Buồng lái của Ju 322 nằm lệch về bên trái để lấy chỗ cho khoang chứa hàng. Nó được trang bị ba súng máy MG-15 cỡ nòng 7,92 mm để phòng thủ. Tuy nhiên, tới tháng 5/1941, dự án này bị hủy với lý do thiết kế kém.
Máy bay vận tải Me 323 Gigant
Hiệu quả của tàu lượn hạng nhẹ DFS 230 trong trận chiếm pháo đài Eben-Emael ở Bỉ tháng 5/1940 là động lực để phát xít Đức phát triển máy bay tấn công hạng nặng Me 323 Gigant, phục vụ chiến dịch có mật danh "Sư tử biển" nhằm xâm lược nước Anh. Dù chiến dịch này bị hủy, việc chế tạo Me 323 vẫn được tiếp tục để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Liên Xô.
Vận tải cơ Me 323. Ảnh: WW2Live. |
Máy bay Me 323 được hoán cải từ biến thể chở hàng Me 321, trang bị 6 động cơ sử dụng cánh quạt bằng kim loại, đạt tốc độ tối đa 219 km/h ở gần mặt biển. Phi cơ này cũng được lắp 5 khẩu súng máy cỡ nòng 13 mm phía sau cánh để tự vệ. Đây là vận tải cơ trên bộ lớn nhất trong Thế chiến II, tổng cộng có 213 chiếc đã được chế tạo.
Siêu pháo tự hành Landkreuzer P1500 Monster
Landkreuzer P1500 Monster là dự án pháo tự hành siêu nặng ra đời trong Thế chiến II, được đánh giá là đỉnh cao của ngành thiết kế pháo Đức. Khẩu siêu pháo này dài 42 m, nặng 1.500 tấn, được trang bị lớp giáp dày 250 mm ở mặt trước và sử dụng tới 4 động cơ diesel cho tàu ngầm để di chuyển. P1500 được cho là có kíp vận hành hơn 100 người.
Vũ khí chính của P1500 là pháo Schwerer Gustav K(E) cỡ nòng 800 mm đặt trên một tháp pháo cố định. Bên cạnh đó là hai lựu pháo SHF 18/1 L/30 cỡ 150 mm và nhiều súng máy tự động MG 151/15 cỡ nòng 15 mm. Dàn hỏa lực mạnh giúp P1500 tấn công mục tiêu từ khoảng cách xa, thay vì đến gần sử dụng hỏa lực bắn thẳng như xe tăng.
Tuy nhiên, khối lượng quá lớn của siêu pháo này có thể phá hủy đường bộ và đường sắt khi di chuyển, không thể băng qua cầu, tốc độ thấp khiến nó dễ bị đối phương tập kích. Dự án P1500 bị hủy vào năm 1943 khi chưa có nguyên mẫu nào được chế tạo.
Bom bay Fieseler Fi 103R
Bom bay Fi 103R có nguyên lý giống tên lửa V-1, chỉ khác là nó có người lái. Mỗi oanh tạc cơ He 111 có thể mang một hoặc hai quả Fi 103R. Sau khi tách khỏi máy bay, phi công sẽ lái bom về phía mục tiêu. Anh ta chỉ có khoảng thời gian rất ngắn để nhảy dù trước khi quả bom bay lao xuống và phát nổ, khiến tỷ lệ tử vong của phi công là rất cao.
Nguyên mẫu bom Fieseler Fi 103R được lưu giữ sau chiến tranh. Ảnh: Wikipedia. |
Trên thực tế, Đức đã thành lập một phi đội bom bay mang tên Leonidas, với thành phần gồm các phi công tình nguyện, sẵn sàng chấp nhận cái chết để tấn công đối phương.
Ban đầu, bom Fi 103R dự kiến được sử dụng song song với tiêm kích Me 328. Tuy nhiên, những quả bom 900 kg được không quân Đức ưu tiên sử dụng cho tiêm kích Me 328 hơn Fi 103R, vì chúng không gây nguy hiểm cho tính mạng phi công. Tuy nhiên, mẫu Me 328 sớm phát sinh lỗi, buộc Hitler ra lệnh hồi sinh dự án Fi 103R.
Trong lần bay thử đầu tiên vào tháng 9/1944, một quả bom bay Fi 103R được thả từ máy bay He 111, nhưng nhanh chóng mất điều khiển và rơi khi phi công vô tình làm bật nắp buồng lái. Các cuộc thử nghiệm tiếp theo đều gặp trục trặc và tai nạn, khiến phi công phải nhảy dù.
Một tháng sau, các tướng không quân Đức thuyết phục Hitler rằng bom bay Fi 103R và phong cách đánh "cảm tử" không phù hợp với truyền thống quân sự Đức. Dự án này bị hủy bỏ, phi đội Leonidas bị giải tán.
Tác giả: Duy Sơn
Nguồn tin: Báo VnExpress