Hàng loạt mỏ khoáng sản ở Hà Tĩnh bị đóng cửa để quản lý, bảo vệ khoáng sản... |
Theo lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã kiểm tra, thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 12 đề án đóng cửa mỏ tại các khu vực mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác.
Trong đó, huyện Kỳ Anh 4 mỏ khoáng sản khai thác đá xây dựng gồm: Mỏ khai thác đá Khe Trọt Môn, thôn Lạc Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh. Mỏ khai thác đá Khe Trọt Môn được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH VLXD Đức Bắc Trung từ năm 2009.
Mỏ khai thác đá Cánh Sạt, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh của CTCP Xây dựng Dầu khí Nghệ An (PVA). Mỏ Cánh Sạt được cấp phép khai thác cho PVA từ năm 2010, trên diện tích sử dụng 8,3ha, công suất khai thác khoảng 270.000 m3/năm.
Mỏ khai thác đá núi Voi, xã Kỳ Phong do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 1 Hà Tĩnh và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng dịch vụ Thương mại Hợp Thành cấp quyền khai thác từ năm 2011.
Mỏ khai thác đá Xây dựng Khe Su, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại 171 được cấp quyền khai thác từ năm 2013.
Tại huyện Thạch Hà, 1 mỏ khoáng sản san lấp đất tại xã Thạch Ngọc của Công ty TNHH Quỳnh Lâm và mỏ khai thác sét gạch ngói tại Đồng Kiệt, xã Nam Điền của Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh bị đóng cửa, phục hồi môi trường, giao cho địa phương quản lý trong năm 2020.
Huyện Nghi Xuân, 2 mỏ khai thác khoáng sản là mỏ đá xây dựng núi Nấy, xã Xuân Liên của Hợp tác xã Bình Minh cấp quyền khai thác khoáng sản từ năm 2014; mỏ khoáng sản đá xây dựng tại khu vực Rú Am, xã Xuân Lam cấp cho Xí nghiệp Sản xuất VLXD Hồng Lam thuộc Tổng Công ty hợp tác Kinh tế năm 2002.
Huyện Hương Sơn 1 mỏ khai thác đất san lấp thuộc khu vực Khe Su, xã Sơn Bình do Công ty TNHH Thương mại và Khai thác Khoáng sản Phú Lộc An (địa chỉ tại…) được cấp phép khai thác từ ngày 30/6/2014 đến ngày 3/8/2020 phải đóng cửa mỏ, khôi phục môi môi trường.
Thị xã Hồng Lĩnh, mỏ đá xây dựng Tân Minh thuộc khu vực Cổng Khánh, phường Đậu Liêu của HTX khai thác đá xây dựng Tân Minh cấp quyền khai thác từ năm 2012.
Huyện Vũ Quang, mỏ khoáng sản cát xây dựng xã Đức Hương của Công ty TNHH Quyết Thắng cấp phép xây dựng năm 2014.
Huyện Lộc Hà, mỏ khoáng sản đất san lấp tại núi Động Hàn, xã Hồng Lộc cấp quyền khai thác khoáng sản cho HTX khai đá Núi Hồng năm 2012…
Các mỏ khoảng sản trên được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định đóng cửa mỏ nhằm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và giao đất (thu hồi) cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác.
Theo cán bộ phòng Khoáng sản Sở TN&MT Hà Tĩnh, để phục hồi, giảm thiểu tác động xấu của việc khai thác khoáng sản đối với môi trường, thời gian qua, mặc dù đã yêu cầu, đôn đốc các đơn vị khai thác thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đối với các mỏ đã hết hạn; tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát hiện nay, một số đơn vị hoạt động khoáng sản đã giải thể, phá sản hoặc chưa thực hiện, chưa hoàn thành ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường dẫn đến khó khăn trong thực hiện đóng cửa mỏ.
Tác giả: V. TUÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn