Năm 982, Lê Hoàn lên ngôi vua, cầm quân đánh thắng quân xâm lược Chiêm Thành dành lại vùng đất từ Đèo Ngang đến núi Nam Giới và Ông đã đặt tên cho vùng đất này là “Thạch Hà”. Nhưng tên đất “Thạch Hà” được chính sử ghi nhận kể từ năm 1005, nghĩa là cách đây 1010 năm. Từ đó đến nay, tên “Thạch Hà” luôn tồn tại mãi với dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Theo các tài liệu địa lý, lịch sử thì đất Thạch Hà xưa nằm trong bộ Việt Thường, nước Văn Lang. Thời Bắc thuộc, đời Hán thuộc huyện Hàm Hoan, đời Ngô – Tấn thuộc quận Tỵ Ảnh, đời Đường thuộc châu Phúc Lộc. Đến đời Lý châu Thạch Hà đổi thành huyện Thạch Hà. Thời thuộc Minh, đổi thành châu Nam Tĩnh. Đời Lê, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Khi vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước, tên huyện Thạch Hà lại được khôi phục. Đời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), lập tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà vẫn thuộc phủ Hà Hoa. Đến năm đầu Khải Định (1916), bỏ phủ Hà Thanh, đặt huyện Thạch Hà làm phủ (phủ Thạch Hà). Sau Cách mạng tháng Tám (1945), bỏ phủ lấy lại tên huyện Thạch Hà cho đến nay.
Các đơn vị hành chính dưới huyện cũng vì thế mà có sự thay đổi theo từng triều đại. Đời Lê năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đặt lại huyện, Thạch Hà có 31 xã; Đời Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Thạch Hà có 7 tổng, 54 xã, thôn, trang, sở, trại, vạn; Năm Tự Đức thứ 6 (1853), huyện Thạch Hà có 7 tổng, 51 xã, thôn, trang, phường, trại, vạn và năm Khải Định thứ 6 (1921), có 85 xã, thôn.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), số đơn vị trực thuộc huyyện cũng rất nhiều biến động. Năm 1946, sau khi cắt một số xã về Can Lộc, sáp nhập 79 xã còn lại thành 26 xã. Đến cuối năm 1950 đầu 1951, lại sáp nhập 26 xã thành 17 xã lớn hơn. Đến cuối năm 1954 lại chia tách từ 17 xã thành 44 xã. Năm 1965 lập thêm xã Thạch Bàn, năm 1968 thành lập thị trấn Nông trường Thạch Ngọc, năm 1983 thành lập xã Nam Hương và đổi thị trấn Nông trường Thạch Ngọc thành xã Ngọc Sơn. Năm 1985 thành lập xã Bắc Sơn và lập thị trấn Cày. Năm 1994 sáp nhập Thị trấn Cày với xã Thạch Thượng thành thị trấn Thạch Hà. Đến lúc này tổng cộng toàn huyện có 48 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện và đây cũng là thời điểm Thạch Hà trở thành huyện lớn nhất tỉnh cả về dân số và đơn vị hành chính trực thuộc. Từ năm 1989 đến năm 2007, theo các quyết định của Chính phủ đã có 11 xã chuyển về Thành phố Hà Tĩnh, 6 xã chuyển về huyện Lộc Hà. Đến nay Thạch Hà còn 31 xã và thị trấn, với số dân gẩn 140 ngàn người; đất tự nhiên còn 355 km2. Tuy địa hình có bị chia cắt, song Thạch Hà vẫn là một huyện có đầy đủ các vùng sinh thái: Rừng núi, đồng bằng, biển và bờ biển, những yếu tố rất quan trọng góp phần thuận lợi cho Thạch Hà tạo thế phát triển đi lên một cách toàn diện và vững chắc.
Với 1010 năm danh xưng, các thế hệ người Thạch Hà đã chinh phục thiên nhiên, chung lưng đấu cật, gắn bó, đoàn kết xây dựng mảnh đất Thạch Hà ngày nay trở nên giàu đẹp, văn minh; Trở thành vùng quê giàu truyền thống yêu nước; cách mạng; truyền thống văn hóa.
Do có những đặc điểm về tự nhiên và xã hội diễn biến qua trường kỳ lịch sử, trên vùng đất Thạch Hà các thế hệ cư dân đã sớm sáng tạo, xây dựng nên một truyền thống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc địa phương, trong đó có tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán và các hoạt động văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian Thạch Hà tương đối phong phú về loại hình, thể loại, đa diện và sâu sắc về nội dung.
Thạch Hà còn là một vùng văn hóa có nét riêng ở Hà Tĩnh; là cái nôi của Ví – Giặm; địa bàn phát sinh ra điệu hát Giặm, là một trong những vùng hát Giặm phổ biến nhất cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Là vùng quê giàu truyền thống học hành, khoa bảng. Người khai khoa Tiến sĩ đầu tiên cho cả Hà Tĩnh nói chung, Thạch Hà nói riêng là Hoàng giáp Nguyễn Hộc, người xã Cổ Kênh, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (năm 1442). Từ đó việc học hành ở Thạch Hà ngày càng thịnh đạt, người đỗ khoa hội, khoa hương ngày càng đông. Tính trên địa bàn Thạch Hà đời Lê, Nguyễn đã có tới 24 người đỗ đại khoa, đời Nguyễn 9 người có một thám hoa, năm tiến sĩ, một phó bảng.
Ở trường hương, hàng chục sĩ tử Thạch Hà đỗ hương cống (đời Lê) và 29 người đỗ cử nhân (đời Nguyễn). Ngoài ra còn có rất nhiều người trúng sinh đồ, tú tài. Nhiều dòng họ học hành tiêu biểu như họ Phan Huy, họ Nguyễn, họ Trương, họ Trần, họ Đặng…
Trong số những người đỗ đạt trên, sau này trở nên nổi tiếng và có nhiều công lao to lớn đối với quê hương, đất nước, trước hết phải kể đến: Nguyễn Phi Hổ ( Thạch Vĩnh), Nguyễn Suyền (Thạch Trị), Nguyễn Hoành Từ (Thạch Tân), Nguyễn Hoằng Nghĩa (Thạch Thắng), Bùi Thố, Trương Quốc Dụng ( Thạch Khê).
Thạch Hà là vùng đất có nhiều di tích, thắng cảnh tiêu biểu như chùa Nghĩa Sơn, Cảm Sơn, nổi bật là danh thắng Quỳnh Viên với đền Chiêu Trưng và truyền thuyết Chữ Đồng Tử cùng Tiên Dung tu hành đắc đạo trên ngọn Quỳnh Viên; có đền Thánh Mẫu Nam Sơn…và cửa biển Nam Giới, khe nước ngọt Hau Hau.
Nối tiếp truyền thống yêu nước, bất khuất hàng ngàn năm trước, từ thời cổ, cận đại cho đến thời hiện đại, thời nào người dân Thạch Hà cũng biểu hiện rõ nét tinh thần quật khởi, gan góc, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm. Tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, chống xâm lược liên tục trong lịch sử cũng là điểm nổi bật của đất Thạch Hà.
Từ những năm 1925, Thạch Hà cũng đã xuất hiện những tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản và đã có những đóng góp xứng đáng cho phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng. Thạch Hà, đã có những sự kiện, những con người tiêu biểu cho tinh thần, ý chí, sức mạnh của Đảng và của dân tộc được ghi vào lịch sử.
Lý Tự Trọng, người con của quê hương Thạch Hà, được Bác Hồ giáo dục và rèn luyện, trở thành người đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên; người chiến sĩ cách mạng, đã từng có câu nói nổi tiếng “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường Cách mạng, chứ không có con đường nào khác”. Sự hy sinh oanh liệt của anh đã trở thành tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh niên Việt Nam mãi mãi noi theo.
Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sự kiện này thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng tổ chức và phát triển lực lượng Cộng sản ở Hà Tĩnh và Thạch Hà. Tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Hà Tĩnh lâm thời được thành lập và tiếp đến là các chi bộ Đảng trên đất Thạch Hà cũng được thành lập..
Cùng với việc thành lập các chi bộ, phát triển đảng viên, các tổ chức nông hội cũng được hình thành ở nhiều nơi. Trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong huyện, cuối tháng 8 năm 1930, Ban Huyện ủy lâm thời Thạch Hà được thành lập, mở ra bước phát triển mới của phong trào cách mạng huyện nhà.
Từ đây, cuộc đấu tranh chống đế quốc phong kiến của nhân dân Thạch Hà đã có sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp bộ Đảng Cộng sản Việt Nam là Huyện ủy và các chi bộ. Sự vùng dậy đấu tranh giành quyền lợi của quần chúng nhân dân được các cấp bộ Đảng chỉ đạo, hướng dẫn đã tạo nên cao trào Cách mạng năm 1930-1931 mà đỉnh cao là Phong trào Xô viết với nhiều làng Đỏ xuất hiện. Những thành quả cách mạng mà thời kỳ 1930-1931 mang đến để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong mọi người dân.
Ngày 20/8/1945, chính quyền cách mạng Thạch Hà được thành lập. Thắng lợi này đã góp phần làm cho Hà Tĩnh trở thành một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ hy sinh trong điều kiện bí mật, bất hợp pháp, Đảng bộ và nhân dân Thạch Hà đã anh dũng vượt qua mọi thử thách và giành thắng lợi vẻ vang.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với cả nước, nhân dân Thạch Hà phấn khởi, tin tưởng bắt tay xây dựng chế độ mới với những thuận lợi cơ bản. Cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân huyện nhà vốn giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, lại được tôi luyện trưởng thành trong những năm tháng đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Là huyện dành được chính quyền sớm, chính quyền cách mạng của nhân dân đã được thiết lập từ huyện đến tận các thôn, xã. Mọi tiềm năng sức mạnh của huyện đang vươn dậy dưới ánh sáng của cuộc sống mới.
Chỉ một thời gian ngắn sau Cách mạng Tháng tám, bằng sự nổ lực vượt bậc của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, huyện Thạch Hà đã vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành một loạt nhiệm vụ quan trọng: Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp; khôi phục và phát triển ngành nghề thủ công cùng các nghành nghề khác; xây dựng đời sống mới;
Những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội là cơ sở bước đầu hết sức quan trọng để Đảng bộ và nhân dân huyện nhà phấn khởi, tin tưởng bước vào công cuộc chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thạch Hà vừa tập trung xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện, là hậu phương lớn, vững chắc cho tiền tuyến; vừa tập trung sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến ấy, toàn huyện đã có 5.661 người đi bộ đội, trong đó có 433 người đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường; 21.000 lượt người đi dân công hỏa tuyến và có 1460 người tham gia thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu.
Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân Thạch Hà vừa tập trung xây dựng chính quyền vững mạnh; hoàn thành cải cách ruộng đất và các nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội; xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa cùng với quân dân cả nước đấu tranh giải phóng miền Nam. Thạch Hà vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến lớn. Thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, quân và dân Thạch Hà vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu kiên cường chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ quê hương và chi viện cho miền Nam ruột thịt, có đến 8339 người con lại tiếp tục lên đường cầm súng đánh giặc trên khắp các chiến trường. Đã có 3.988 người con của quê hương hy sinh anh dũng; 1.495 người trở thành thương bệnh binh. Với tinh thần hậu phương thi đua với tiền phương, quân và dân Thạch Hà đã chi viện cho tiền tuyến hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm, muối; độc lập bắn rơi 8 máy bay mỹ; phối hợp với bộ đội bắn rơi 51 máy bay; bắn chìm, bắn cháy 9 tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ- Ngụy. Có 23 đơn vị được Nhà nước tặng thưởng Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, 5 người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 02 người được tặng danh hiệu Anh hùng trong lao động và 197 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Từ sau năm 1975, huyện Thạch Hà đã có những lần chia tách, tái lập đơn vị hành chính. Trong suốt chặng đường ấy, Đảng bộ và nhân dân Thạch Hà cùng với cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện: Tổng sản phẩm xã hội (GDP) năm sau tăng hơn năm trước; thời điểm hiện tại đạt ở mức 14%; Thu nhập bình quân đầu người 28,3 triệu đồng. Tổng sản lượng lương thực đạt 76.164 tấn; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 60 triệu đồng/ha; Tỷ trọng ngành nông nghiệp 26,9%; công nghiệp-xây dựng 36,03%, thương mại – dịch vụ 37,07%. Hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt được đầu tư, cải tạo, nâng cấp; đã xây dựng, đưa vào sử dụng một số công trình lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài, góp phần quyết định cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, xây dựng nguồn nhân lực, thường xuyên được quan tâm và tiếp tục đạt được nhiều thành tích mới. Giáo dục và Đào tạo Thạch Hà liên tục nhiều năm liền được xếp trong tốp đầu của tỉnh. Các chính sách xã hội, an sinh, phúc lợi được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 7,12%. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Phong trào xây dựng Nông thôn mới đang triển khai rầm rộ và đạt nhiều kết quả phấn khởi, đến năm 2014 đã có 2 xã được tỉnh kiểm tra công nhận hoàn thành 19 Tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2015 có thêm 3 xã về đích. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lựa chọn các nội dung đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở cả 3 vùng: Bắc Hà, Tây Hà và Bãi ngang, ban hành nhiều Nghị quyết và một số Đề án về phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2010-2015; giai đoạn 2015-2020. Đồng thời phát động mạnh mẽ Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua các phong trào thi đua đã khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của người nông dân, của cộng đồng dân cư thi đua xây dựng nông thôn mới. Trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Thạch Hà đã có cách làm mới, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương.
Những thành tựu, công sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Hà trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc đổi mới xây dựng đất nước đã ghi thêm vào truyền thống quê hương những trang sử hào hùng mới.
Phấn khởi và tự hào về những thành tựu đã đạt được, song cũng phải thấy rằng, những kết quả đạt được trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện nhà. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, một số chỉ số phát triển chủ yếu chưa cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách còn khó khăn. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số nơi còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Trong chặng đường mới, Đảng bộ, quân và dân Thạch Hà quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX với mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, huy động tốt mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển mạnh thương mại – dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình kinh tế. Đầu tư phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, quy hoạch, chỉnh trang thị trấn và các điểm đô thị vùng; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quân sự địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đưa Thạch Hà phát triển nhanh, vững chắc.
Để đạt được mục tiêu trên, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo sự đột phá. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững, đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo thế ổn định, vững chắc cho sự phát triển chung của huyện. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, nâng cao khả năng hội nhập. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hoá, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội, tạo động lực tinh thần cho quá trình phát triển của huyện. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ.
Kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương Thạch Hà anh hùng; kế thừa và phát huy công sức, thành quả của nhiều thế hệ, với sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của tất cả cán bộ, đảng viên; quân dân toàn huyện. Hôm nay, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 danh xưng Thạch Hà để có cái nhìn đúng đắn về quá trình hình thành và phát triển của huyện nhà qua từng thời kỳ lịch sử. Qua đó, chúng ta trân trọng, tự hào về quá khứ, hiện tại và cả tương lai tươi sáng đang chờ đón chúng ta. Để chúng ta mãi mãi trân trọng, ghi nhớ công ơn tổ tiên, cha ông đã tạo dựng nên mảnh đất Thạch Hà ngày nay; mãi mãi tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, các đồng chí, đồng bào đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì quê hương Thạch Hà thân yêu; tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng và các thế hệ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân qua các thời kỳ lịch sử đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng quê hương, để chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay.
Chúng ta vô cùng tự hào về truyền thống văn hiến, tự cường, yêu nước và cách mạng với những giá trị và bản sắc riêng vốn có của quê hương, nơi sinh thành và tôi luyện nhiều bậc hiền tài, nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhiều tấm gương anh hùng trong lao động, sản xuất, nhiều trí thức tiêu biểu đã góp công sức, trí tuệ giữ gìn và phát huy truyền thống, cốt cách của dân tộc, của người Thạch Hà trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Truyền thống vẻ vang của quê hương chính là nền tảng vững chắc và là một trong những động lực chủ yếu cho sự phát triển toàn diện của huyện nhà.
Chúng ta vô cùng biết ơn, sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh; sự giúp đỡ chí tình, đầy hiệu quả của các Sở, ban, ngành và sự quan tâm, động viên to lớn của các huyện, thành phố trong tỉnh. Chúng ta trân trọng cảm ơn Đảng bộ và nhân dân 17 xã nay đã chuyến về thành phố Hà Tĩnh và Lộc Hà cũng đã từng chung sống với Thạch Hà ngót 1002 năm kể từ ngày cái tên “Thạch Hà” đi vào chính sử và đã có sự đóng góp quan trọng cho sự phát triển mọi mặt của huyện Thạch Hà chúng ta hôm nay.
Trong không khí tự hào và tràn đầy niềm tin, khí thế và quyết tâm mới, cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện nhà, những người con quê hương Thạch Hà đang sống, làm việc, công tác, học tập ở trong và ngoài nước, tiếp tục phát huy truyền thống, hào khí quê hương Anh hùng, đồng tâm hợp sức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng quê hương Thạch Hà ngày càng giàu mạnh, văn minh, hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn; chúng ta nguyện cùng nhau mãi mãi giữ trọn cái tên “Thạch Hà” đã được xưng danh qua 1010 năm lịch sử, như bao thế hệ những người đi trước giữ trọn cho đến ngày hôm nay./.
TRƯỞNG PHÒNG VĂN HÓA THÔNG TIN