Nhà đẹp

10 tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới

Tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai đang giữ kỷ lục cao nhất thế giới với độ cao 829,8 m.

Trung tâm Thương mại Quốc tế (Hong Kong, Trung Quốc) được khởi công năm 2002 và hoàn thành năm 2010, do công ty kiến trúc Kohn Pedersen Fox thiết kế. Tòa nhà cao 484 m, chủ yếu sử dụng làm văn phòng, ngoài ra còn có phòng khách sạn.

Một điểm đặc biệt là tòa nhà sử dụng các thang máy hai tầng. Những tầng chứa số 4 như 4, 14, 24, bị lược bỏ vì trong tiếng Trung, số 4 phát âm giống từ "chết". Ảnh: Aplicaciones Tecnológicas.

Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải (Thượng Hải, Trung Quốc) với độ cao 492 m, hoàn thành năm 2008, cũng là một thiết kế của Kohn Pedersen Fox.

Kiến trúc tổng thể của tòa nhà lấy cảm hứng từ những biểu tượng cổ Trung Quốc cho trời và đất. Khoang hở hình thang độc đáo phía trên có tác dụng giảm sức gió. Tòa nhà gồm văn phòng, khách sạn, các cửa hàng và đài quan sát cho du khách ngắm cảnh Thượng Hải từ trên cao. Ảnh: XciteFun.

Tháp Đài Bắc 101 (Đài Bắc, Đài Loan) do hãng C.Y. Lee & Partners thiết kế, cao 508 m, có thể chịu được những trận động đất và gió mạnh.

Tòa tháp đi vào hoạt động từ năm 2004 với thiết kế gồm nhiều hình khối hướng ra ngoài, gợi liên tưởng đến những ngôi chùa cổ Trung Quốc. Đài Bắc 101 từng nhận giải Bạch kim LEED cho công trình xanh. Ảnh: Klook.

Trung tâm Tài chính CTF Quảng Châu (Quảng Châu, Trung Quốc) là một công trình khác của Kohn Pedersen Fox, nổi bật với lớp phủ bên ngoài bằng đất nung. Đất nung vừa mang yếu tố lịch sử, gợi nhớ đến đội quân đất nung Tần Thủy Hoàng, vừa là vật liệu khó bị ăn mòn. Ngoài ra, quy trình sản xuất đất nung cũng thân thiện với môi trường hơn nhôm, kính, thép.

Tòa nhà cao 530 m, hoàn thành năm 2016, hiện sử dụng những chiếc thang máy thuộc loại nhanh nhất thế giới với tốc độ 72 km/h. Ảnh: SkyscraperCity.

Trung tâm Thương mại One World (New York, Mỹ) được đặt tên theo tòa tháp Bắc bị phá hủy trong sự kiện 11/9. Tòa nhà cao 541 m (1776 ft) với kiến trúc tổng thể lấy cảm hứng từ phong cách chóp nhọn của những tòa nhà chọc trời truyền thống ở New York. 1776 cũng chính là năm nước Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh.

Tòa nhà vượt xa các tiêu chuẩn xây dựng của New York và chính thức hoạt động lại năm 2014. Ảnh: Curbed NY.

Tháp Lotte World (Seoul, Hàn Quốc) cao 555 m, gồm 123 tầng với thiết kế ánh bạc độc đáo lấy cảm hứng từ gốm sứ và nghệ thuật viết truyền thống của Hàn Quốc. Du khách đến đây có thể sử dụng thang máy nhanh nhất thế giới để lên đài quan sát nằm gần đỉnh tháp và chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp.

Tháp được trang bị một số công nghệ bền vững, trong đó có các tấm pin năng lượng mặt trời, turbine gió và hệ thống thu gom nước. Tháp chính thức mở cửa hoạt động vào tháng 4/2017. Ảnh: Korea Bizwire.

Hoàn thành năm 2016, Trung tâm Tài chính Ping An (Thâm Quyến, Trung Quốc) có diện tích mặt sàn 462.000 m2 và cao 599 m. Tòa nhà cũng do Kohn Pedersen Fox thiết kế và hiện thu hút gần 9.000 du khách mỗi ngày đến tham quan đài quan sát trên cao.

Trung tâm Tài chính Ping An có thiết kế chóp nhọn, mặt tiền được điêu khắc để giảm ảnh hưởng của gió, các cột đá và cạnh lồi bằng thép không gỉ giúp chống sét. Ảnh: Reddit.

Tháp đồng hồ Makkah Royal (Mecca, Saudi Arabia) cao 601 m, nổi bật với 4 mặt đồng hồ lớn và cao nhất thế giới. Mặt hướng bắc và nam có dòng chữ "Chúa vĩ đại nhất", mặt hướng đông và tây được trang trí bằng những đoạn thơ trong kinh Koran. Ban đêm, các mặt đồng hồ được thắp sáng bằng 1 triệu bóng đèn LED.

Công trình này có cả khách sạn, đài quan sát và phòng triển lãm. Đỉnh tháp có một đài quan sát hình cầu và trên cùng là biểu tượng trăng lưỡi liềm bằng vàng. Ảnh: ProTenders.

Tháp Thượng Hải (Thượng Hải, Trung Quốc) có thiết kế bắt mắt với góc xoay 120 độ từ mặt đất lên đến đỉnh giúp giảm áp lực gió tới 24%. Mất 6 năm xây dựng, tòa tháp hoàn thành vào năm 2016 với độ cao 632 m, tổng diện tích mặt sàn là 420.000 m2.

Tháp Thượng Hải được bao phủ bởi kính hai lớp, trang bị tổng cộng 270 turbine gió, có thể tận dụng nước mưa cho hệ thống điều hòa không khí và sưởi ấm. Ảnh: Corey Gaffer Photography.

Mở cửa hoạt động từ năm 2010, Burj Khalifa (Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) đến nay vẫn là tòa tháp cao nhất thế giới với độ cao 829,8 m, gấp khoảng 2,5 lần tháp Eiffel và tổng diện tích mặt sàn 334.000 m2, gấp hơn 2 lần Tử Cấm Thành, Trung Quốc.

Tòa tháp được xây từ bê tông cốt thép, bao ngoài bằng kính. Lấy cảm hứng từ một loài hoa sa mạc kết hợp với kiến trúc đạo Hồi cổ điển, thiết kế của tháp Burj Khalifa vừa ấn tượng lại vừa hiệu quả. Ảnh: Found The World.

Tác giả: Thu Thảo

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP