Quốc hội khóa XIV

Thủ tướng: Loại bỏ ngay những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất!

Trả lời về việc xử lý cán bộ thoái hóa biến chất, Thủ tướng thừa nhận tình trạng tiêu cực nhũng nhiễu đang gây thách thức về niềm tin của người dân với cuộc chiến đấu tranh của đất nước. Cần loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy.

Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Video trực tiếp từ Quốc hội do VTV.VN hỗ trợ)

9h28’, Thủ tướng tiếp tục trả lời chất vấn.

Tiếp tục vấn đề tự chủ nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam sẽ chú trọng phát triển những doanh nghiệp nội lớn với thương hiệu mạnh.

Riêng về ngành nông nghiệp, đây được xác định là một lợi thế so sánh lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được. Để phát triển nông nghiệp quy mô lớn thì rào cản trước hết cần tháo gỡ là vấn đề hạn điền để tích tụ ruộng đất, sản xuất công nghiệp. Sau nữa, Thủ tướng đề cập vấn đề đầu tư công nghệ, vốn cho sản xuất nông nghiệp. Nếu có một nền tài chính tốt có thể giải quyết vấn đề trong thời gian tới.

“Quan trọng nhất là phải tái cơ cấu nông nghiệp để tạo sản phẩm lợi thế so sánh ở mỗi địa phương cụ thể” – Thủ tướng nói.

Về môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhắc đến kết quả vượt 9 bậc trên bảng xếp hạng quốc tế, nhất là về các tiêu chí như nộp thuế, tiếp cận đất đai, điện, thủ tục hải quan… “Như vậy là có sự tiến bộ, dù chúng ta còn phải cố gắng hơn nữa” – Thủ tướng đáp lại câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương.

Hiện trong ASEAN, môi trường cạnh tranh của Việt Nam đang được xếp thứ 5 và Chính phủ sẽ nỗ lực, quyết tâm để bước vào top 4 trong năm 2017. Trao đổi thêm về cộng đồng ASEAN, Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã cùng nỗ lực xây dựng cộng đồng chung một cách tích cực. Kết quả thu hút đầu tư cũng tăng lên nhưng chưa tương xứng. Đây là khu vực thị trường rộng lớn thứ 3 trên thế giới trong khi các thị trường khác xuất khẩu của Việt Nam tăng, riêng tại ASEAN lại giảm. Theo ý kiến Thủ tướng, đó là vấn đề cần quan tâm.

9h25’, lượt đại biểu thứ 2 đặt câu hỏi với Thủ tướng.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị Thủ tướng trình bày giải pháp để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng nhưng vẫn đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập vấn đề nhạy cảm là về công tác bổ nhiệm cán bộ vừa qua như bổ nhiệm người thân, họ hàng, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn… nhưng tất cả vẫn đều “đúng quy trình”. Kết luận về những hạn chế trong công tác này đã được nêu ra. Thủ tướng cũng nêu thông điệp khi nhậm chức là làm sao để con cháu người nghèo, người dân tộc thiểu số cũng có cơ hội tiến thân. Ông Trí đặt câu hỏi làm sao để chọn, bổ nhiệm cho được người tài, người giỏi, dù họ có là con cháu ai, ở góc rừng, góc bể nào?

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nói về 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ lớn. Ông Minh cho rằng việc làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức với những dự án gây thiệt hại lớn này đang rất chậm và việc xử lý chậm sẽ càng ngày càng gây thua lỗ lớn. Thủ tướng cần chỉ đạo quyết liệt việc này để lấy lại niềm tin của người dân. Kết quả cải cách hành chính công, người dân chưa hài lòng về đạo đức công vụ của cán bộ công chức viên chức. Chính phủ đang quyết tâm xây dựng theo hướng liêm chính, kiến tạo, phục vụ thì giải pháp gì trước hết cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công?

 Thủ tướng khẳng định không dùng tiền thuế của dân để bù lỗ cho những dự án thua lỗ nghìn tỷ.

Thủ tướng khẳng định không dùng tiền thuế của dân để bù lỗ cho những dự án thua lỗ nghìn tỷ.

9h10’, trình bày những biện pháp nâng cao thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh đây là yêu cầu quan trọng để nâng cao nhà nước pháp quyền. Chính phủ thời gian qua đã dành thời gian cần thiết để xây dựng thể chế và lần đầu tiên đã thanh toán tình trạng nợ nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Để luật đi vào cuộc sống, Thủ tướng cho rằng phải tuyên truyền luật đến nhân dân bằng những biện pháp thích hợp.

Đề cập vai trò của Tây Nguyên, Thủ tướng khẳng định vị trí “mái nhà Đông Dương” của khu vực này. Phát triển Tây Nguyên rất quan trọng để các đồng bào dân tộc khu vực này có cuộc sống tương xứng hơn ở vùng đất đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức này.

Vấn đề sử dụng tài sản công đại biểu Phi Thường đề cập, Thủ tướng xác nhận việc dùng xe công, đất công, trụ sở công… vẫn còn rất nhiều lãng phí. Giải pháp là các tiêu chuẩn định mức phải được công khai, minh bạch cho mọi người dân được biết. Biện pháp khoán xe, khoán nhà cũng là một khâu yếu cần quyết liệt thực hiện.

Vấn đề xử lý dự án thua lỗ nghìn tỷ, Thủ tướng khẳng định không dùng tiền thuế của dân để bù lỗ cho những đơn vị này. Không thể tiếp tục dùng ngân sách tiếp tục bỏ vào đây cho những dự án, DN thua lỗ. Với từng dự án, Thủ tướng cho biết đã có kế hoạch với từng trường hợp cụ thể để thu hồi tiền nhà nước tối đa.

Về sự kết nối khu vực kinh tế FDI và kinh tế tư nhân trong nước, Thủ tướng vạch chương trình tái đầu tư FDI, chọn những DN có lợi cho nền kinh tế, tránh tình trạng mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề đều là DN FDI vào nắm giữ hết.

Còn về website Chính phủ với DN, Thủ tướng thông tin vừa qua đã có 87 đề nghị từ DN thông qua công cụ này, trong đó Chính phủ trực tiếp xử lý 15 đề nghị, còn lại chuyển cho các địa phương, cơ quan liên quan. Thủ tướng kỳ vọng làm sao giải quyết được kịp thời mọi khúc mắc của cộng đồng DN.

Đánh giá về phẩm chất trí tuệ, năng lực, tiềm năng của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng nói, Chính phủ mới đi vào vận hành chưa được 7 tháng. 5 ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng tinh thần là phải hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ như trên một bàn tay để cùng hành động, làm việc.

Thủ tướng khẳng định tinh thần đoàn kết là điểm cốt yếu, quan trọng. Theo đó, mỗi thành viên Chính phủ đều phải hành động theo tinh thần liêm chính, kiến tạo, phục vụ. “Với sự lãnh đạo của Thủ tướng, tôi tin các thành viên Chính phủ sẽ hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân giao phó” – Thủ tướng nói.

Về tình hình chính trị mới ở Mỹ, Thủ tướng khẳng định vẫn tiếp tục chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ tình thế cũng như độc lập, tự chủ trong mọi mối quan hệ. Thủ tướng khẳng định tin tưởng Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển quan hệ tốt đẹp vì lợi ích chung của 2 nước.

Với câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Thủ tướng đáp, nền kinh tế Việt Nam quy mô còn rất nhỏ, mới hơn 200 tỷ USD/năm. Vậy nên dù khó khăn, cần đặt mục tiêu phát triển, tăng trưởng 6,7% để tiếp tục vươn lên. Việt Nam sẽ cố gắng bám theo các thành tố GDP như chi tiêu Chính phủ phải giảm, đầu tư cho phát triển phải tăng lên, huy động toàn diện các nguồn vốn xã hội cho phát triển.

Vấn đề độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập sâu rộng, Thủ tướng phân tích, những cân đối lớn như năng lượng, lương thực, nguyên liệu sản xuất phải tự chủ được để không phụ thuộc vào bất cứ thị trường bên ngoài nào. Nói tóm lại, Thủ tướng trả lời, có nhiều biện pháp để Việt Nam phát triển là một đất nước tự chủ, độc lập tương đối về kinh tế.

8h59’, Thủ tướng bắt đầu trả lời về việc xử lý cán bộ thoái hóa biến chất. Thủ tướng thừa nhận tình trạng tiêu cực nhũng nhiễu đang gây thách thức về niềm tin của người dân với cuộc chiến đấu tranh của đất nước. Cần loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy. Cần có biện pháp cách thức cụ thể trong Đảng, Nhà nước.

Chính phủ mới ký chỉ thị mới nhất về tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Giải pháp thứ hai là tăng cường giáo dục đạo đức cho cán bộ, đi liền với việc xử lý nghiêm khắc cá nhân tập thể vi phạm, thực hiện nghiêm Nghị quyết 4 của Ban chấp hành TƯ Đảng XII.

Trong tình hình hiện nay, tiếp tục cải cách tiền lương với cán bộ công chức đi liền với cải cách bộ máy là giải pháp để tăng cường kỷ cương, chống thoái hóa cán bộ. Chính phủ thực hiện giải pháp này với quyết tâm lớn – Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề nợ xấu, hoạt động của VAMC, Thủ tướng xác nhận đây là một vấn đề lớn đặt ra với 3 việc phải làm. Một là có cơ chế pháp lý cho VAMC. Thứ 2, phải kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ xấu mới, trong đó có vấn đề ngân hàng 0 đồng. Thứ 3, minh bạch vấn đề nợ xấu để quản lý trong nền kinh tế. Chính phủ đang xây dựng toàn diện đề án để xử lý nợ xấu tại Việt Nam để việc điều hành nền kinh tế an toàn hơn. Thủ tướng xác nhận đây là vấn đề Chính phủ đang rất lo lắng.

Về TPP, Thủ tướng khẳng định Việt Nam là 1 trong 12 nước tham gia. Mỹ đã tuyên bố dừng trình Quốc hội phê chuẩn TPP nên Việt Nam cũng đang cân nhắc việc này. Dù có tham gia hay không thì Thủ tướng khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục trên đường hội nhập quốc tế, với 12 hiệp định thương mại tự do khác đã ký.

Về việc quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng nêu con số khái quát 5.000 đơn vị đang hoạt động, trong đó số lượng không lớn đã thực hiện việc tự trang trải, hạch toán. Trong khi đó, nút thắt trong cải cách biên chế là ở nhóm 1,2 triệu viên chức vẫn ăn lương nhà nước.

Chủ trương xã hội hóa, tự chủ hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng khẳng định sẽ làm mạnh mẽ như một bước đi lộ trình để thực hiện việc cải cách.

Về vấn đề phát triển ngành du lịch, Thủ tướng khẳng định đây là ngành mũi nhọn được xác định. Hiện ngành đang mang lại 17% GDP. Dù tỷ lệ tăng trưởng khách khá lớn, 25% nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, du lịch vẫn chưa phải là một ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng nêu quan điểm phải phát triển với tiêu chí nhân văn, bền vững.

8h47’, có 27 đại biểu đã đăng ký chất vấn Thủ tướng.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) là người đầu tiên nêu câu hỏi chất vấn. Ông Học bày tỏ sự đồng tình với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm Thủ tướng đặt ra nhưng cho rằng dư luận vẫn bất bình với việc kỷ luật kỷ cương không nghiêm, với vấn đề quản lý cán bộ, điều hành… Có 82% công chức vi phạm có hành vi tham ô, tham nhũng, cờ bạc, tệ nạn. Thủ tướng có quyết tâm chống những biểu hiện này?

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nói về tái cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân. Ông Quân phân tích nợ xấu hiện vẫn như cục máu đông, nguy cơ đối với nền kinh tế và muốn biết về biện pháp xử lý cục máu đông này? Ông Quân cũng muốn biết ý kiến của Thủ tướng về tương lai của TPP khi Mỹ có Tổng thống mới là ông Donal Trump.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập hạn chế của ngành du lịch dù được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Tới đây Thủ tướng có giải pháp đột phá gì để phát triển nền công nghiệp không khói này?

Đại biểu Tô Văn Tám (kon Tum) chất vấn Thủ tướng về việc hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật và giải pháp để phát huy tiềm năng của Tây Nguyên.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) có 2 câu hỏi chất vấn. Trước hết là vấn đề sử dụng tài sản công lãng phí, kém hiệu quả. Chính phủ có giải pháp gì để thực hiện chủ trương báo cáo về 5 dự án thua lỗ lớn (xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Phú thọ, đạm Ninh Bình, giấy Long An). Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này?

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) hỏi về giải pháp để gắn kết doanh nghiệp khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước. Đại biểu cũng quan tâm trang web Chính phủ và doanh nghiệp mà Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ quản lý.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) yêu cầu đánh giá thêm về các Bộ trưởng qua 2 ngày chất vấn cũng như thời gian đã đảm nhiệm chức vụ 7 tháng qua, đã phù hợp với tiêu chí để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ? Ông Vân đề cập thêm việc Mỹ có Tổng thống mới là một người được nhận định là “đa tính cách”. Chính phủ có các kịch bản gì để vận dụng trong các tình huống, diễn biến mới?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề cập giải pháp để nền kinh tế đảm bảo độc lập tự chủ trong hội nhập, cơ cấu lại nền nông nghiệp theo xu hướng sản xuất lớn. Mong Thủ tướng giải quyết triệt để tình hình nông nghiệp hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Thủ tướng về 2 nội dung. Về môi trường đầu tư kinh doanh, cử tri vẫn lo lắng năm 2017 không đạt được mục tiêu vào top 4 ASEAN. Thủ tướng đánh giá thế nào về việc này? Có giải pháp gì để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh? Về việc tham gia cộng đồng ASEAN, đại biểu đánh giá là lợi ích mang lại cho Việt Nam không lớn, sức đầu tư của các nước vào Việt Nam cũng không thay đổi nhiều khi cộng đồng vận hành. Giải pháp nào để phát huy tốt hơn ở thị trường này.

8h38’, Thủ tướng báo cáo về một số vấn đề cụ thể đặt ra thời gian qua.

Trước hết, về nợ công, Thủ tướng khẳng định, đó là vấn đề hệ trọng đối với kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Có nhiều ý kiến cho rằng nợ công tăng nhanh, nếu tính đầy đủ đã vượt trần cho phép. Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, tập trung rà soát các dự án sử dụng vốn vay, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ.

Về nợ xấu, Thủ tướng xác nhận ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội phân tích là nợ xấu còn cao, xử lý chưa thực chất và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nói về năng lực của VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng), Thủ tướng khái quát là còn nhiều hạn chế, tỷ lệ nợ được xử lý qua công ty mua bán nợ này rất thấp. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường tiềm lực tài chính cho VAMC.

Vấn đề khác là tập trung xử lý các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng và giám sát đặc biệt trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng báo cáo, kết quả chưa được như mong muốn, dù số lượng DN đã giảm mạnh nhưng tỷ lệ vốn bán ra mới đạt khoảng 8%. Đề cập những dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, DNNN chậm tiến độ, thua lỗ lớn, phải dừng hoạt động, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra các dự án này để có biện pháp giải quyết, thu hồi tối đa vốn, tài sản nhà nước và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm.

8h31’, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên bục trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thủ tướng báo cáo ngắn gọn trong vòng 15 phút.

Báo cáo của Thủ tướng nêu rõ, trong những tháng qua, ngay sau khi nhận chuyển giao quyền lực từ khóa trước, Chính phủ đã bắt tay vào việc với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chính phủ tập trung trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, cải cách thủ tục hành chính, trật tự an toàn xã hội… Chính phủ tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, chống lợi ích nhóm, nhất là trong cổ phần hóa, đầu tư công; tăng cường phòng chống tham nhũng…

Những kết quả điều hành kinh tế xã hội đạt được đến thời điểm này, Thủ tướng khẳng định cả nước đã cơ bản đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa trước nhưng trên cương vị Phó Thủ tướng được Thủ tướng ủy quyền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa trước nhưng trên cương vị Phó Thủ tướng được Thủ tướng ủy quyền.

Theo chương trình đã được thống nhất tại Quốc hội, Thủ tướng có thời gian khoảng 1 giờ để báo cáo bổ sung về tình hình điều hành kinh tế xã hội của đất nước. Sau đó, còn hơn 1 giờ nữa trong buổi làm việc sáng để các đại biểu đặt câu hỏi và Thủ tướng trực tiếp trả lời tại hội trường.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng được xác định phạm vi trong số các nhóm vấn đề đã chất vấn với 4 Bộ trưởng (Công Thương, Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT), Nội vụ) 2 ngày nay.

Cụ thể, có 10 nhóm vấn đề đã được đặt ra với những thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trước Thủ tướng. Trong đó, có nhiều nội dung đã được lật đi lật lại trong các phiên chất vấn trước đây như chống buôn lậu, thủy điện xả lũ, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, chương trình cải cách giáo dục, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương…

Nhưng cũng có những nội dung mới, thời sự được cập nhật, đưa vào chương trình chất vấn, ví như chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô; đánh giá các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý trách nhiệm với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp; công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ…

Diễn biến phiên chất vấn 2 ngày qua cũng ghi nhận rất nhiều câu hỏi gai góc về những vấn đề thời sự, thu hút sự chú ý của dư luận như về những dự án nghìn tỷ thua lỗ lớn, về chủ trương đầu tư làm thép Cà Ná – Ninh Thuận, về xử lý trách nhiệm hậu sự cố Formosa, về vụ việc giáo viên bị “điều” đi tiếp khách, mời rượu, về việc xử lý kỷ luật với nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng…

Như vậy, phạm vi các vấn đề chất vấn với Thủ tướng rất rộng, không loại trừ bất cứ vấn đề “nóng” nào…

P.Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP