Thể thao

Tham vọng của Thể thao Việt Nam hướng đến Olympic và SEA Games

Lần đầu tiên thể thao Việt Nam sẽ cùng tham dự hai sự kiện lớn là SEA Games và Olympic trong cùng một năm.

Điều đáng nói là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới cũng như khu vực, thể thao Việt Nam phải tiếp tục vượt khó, hướng tới mục tiêu chinh phục những đỉnh cao.

Việc Olympic 2020 hoãn lại 1 năm do dịch bệnh tràn lan khiến kế hoạch chuẩn bị của các bộ môn bị xáo trộn nghiêm trọng, phong độ của các VĐV cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Huy Hoàng vẫn là niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic

Dẫu vậy, thể thao Việt Nam đã sớm lên kế hoạch để sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 5 vé chính thức vượt qua vòng loại Olympic, gồm: Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (đạt 2 chuẩn Olympic cự ly 400m và 1.500m tự do); VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng và hai VĐV bắn cung Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ; võ sĩ Nguyễn Văn Đương (boxing).

Mục tiêu của thể thao Việt Nam là giành ít nhất 20 vé tới Thế vận hội Tokyo 2021. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh các VĐV không được cọ xát ở các giải quốc tế, đó là chưa kể nhiều giải đấu có tính chất vòng loại vẫn chưa có lịch cụ thể vì dịch Covid-19.

Với truyền thống vượt khó, thể thao Việt Nam đang cho thấy sự chuẩn bị rất tích cực. Tại giải VĐQG năm 2020, môn bắn súng xác lập 8 kỷ lục quốc gia, trong khi điền kinh có 3 kỷ lục mới. Theo báo cáo tổng kết của Tổng cục TDTT, ngành thể thao đã tổ chức hơn 100 giải trong nước, có thành tích được đánh giá cao. Đây chính là cú hích để các VĐV tiếp tục nỗ lực tập luyện, sẵn sàng cho các nhiệm vụ trong năm 2021, đặc biệt là lấy vé dự Olympic 2021.

Trước mắt, ngành thể thao đang lên kế hoạch để đầu tư cho các VĐV Trọng điểm. Trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, các đội tuyển tiếp tục tập luyện trong nước.

Hàng loạt giải đấu cấp châu lục và thế giới được tính là vòng loại Olympic với thành tích chính là điểm số có thể giúp VĐV thẳng tiến đến Tokyo sẽ lại được mở ra từ nay đến hết tháng 5/2021. Niềm hy vọng của thể thao Việt Nam được đặt vào các võ sĩ của taekwondo Việt Nam.

Điều tương tự cũng đang được ấp ủ với những gương mặt sáng giá khác ở các bộ môn mũi nhọn: bơi niềm hy vọng Nguyễn Thị Ánh Viên; điền kinh có Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan; bắn súng với Hoàng Xuân Vinh, cầu lông với Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh và Vũ Thị Trang, cử tạ có Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền…

6 tháng đầu năm với mục tiêu Olympic, trong khi 6 tháng cuối năm là SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà.

Trước đó, ngày 20/11/2020, Ban tổ chức SEA Games 31 tổ chức lễ đếm ngược 1 năm trước ngày khai mạc đại hội thể thao khu vực. Như vậy, Việt Nam chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa để chuẩn bị cho kỳ SEA Games thứ 2 được tổ chức. Thời gian không nhiều với một sự kiện số 1 Đông Nam Á, và điều khiến Ban tổ chức lo lắng nhất là tình hình dịch bệnh khiến các kế hoạch vẫn ở "chế độ chờ".

Tất nhiên, Ban tổ chức không ngồi chờ hết dịch, mà đã bắt tay vào việc, cùng với đó là hàng chục phương án cho kịch bản SEA Games có thể phải tổ chức trong điều kiện dịch Covid-19 chưa được kiểm soát.

Để kiểm soát tốt dịch Covid-19, nước chủ nhà Việt Nam quyết định không xây dựng làng VĐV. Thay vào đó, Ban tổ chức cung cấp địa chỉ lưu trú cũng như dịch vụ y tế cho các thành viên tham dự theo đúng yêu cầu. Ngay từ thời điểm này, Việt Nam đã làm việc với các phòng thí nghiệm tại Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc để có những tư vấn hiệu quả về phòng chống dịch.

Thể thao Việt Nam có nhiều mục tiêu quan trọng trong năm Tân Sửu

"Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6, Ban tổ chức sẽ cung cấp các mẫu khai báo tham dự SEA Games 31 cho các nước thành viên tham gia. Tiếp đó, tháng 6/2021, nước chủ nhà cũng cung cấp sách hướng dẫn về y tế, dược phẩm cho các đoàn", Giám đốc Trung tâm doping và y học Thể thao Việt Nam, Trưởng ban Y tế SEA Games 31 Nguyễn Văn Phú cho biết.

Dù có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng dịch bệnh rất khó lường trong năm tới. Một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, có lẽ Việt Nam phải chờ… ông trời có thương hay không. Bởi, nếu dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nguy cơ hoãn, hoặc hủy SEA Games là hoàn toàn có thể xảy ra.

Việt Nam từng tổ chức rất tốt, và rất tự hào về kỳ SEA Games 2003. Tuy nhiên, lần này giải thể thao số 1 khu vực thực sự là một thách thức.

Khó khăn trăm bề được nhìn thấy từ bây giờ, nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Hoàng Yến vẫn kỳ vọng: "Chưa bao giờ một kỳ SEA Games lại đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức như lần này. Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực đưa ra hàng chục phương án khác nhau để đối phó với tình hình dịch Covid-19 trong năm 2021. Chúng ta vẫn có quyền hy vọng mọi thứ sẽ tốt lên, và SEA Games 31 được tổ chức thành công vào cuối năm nay".

Tác giả: Hoàng Quốc

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP