Tin Liên Quan

Lũ qua, còn lại hai bàn tay trắng

Ông Đậu Minh Lâm gượng cười chua chát khi ngồi nhẩm tính những thiệt hại sau cơn lũ lịch sử. Đám cưới của con trai ông dự tính tổ chức trong ít ngày tới nhưng nay đã phải trì hoãn.




“Phải cho con đi ở rể’


Chiều 2/10, khi nước lũ tại Quỳnh Trang đã rút, 2 bố con ông Đậu Minh Lâm (xóm 10, Quỳnh Trang) vẫn lội bì bõm trong sân.


Căn nhà ông nằm sâu nhất trong vùng, lại kế bên mương xả nước của hồ Vực Mấu nên đã hứng trọn cơn lũ lịch sử.


“Khoảng 2h sáng ngày 1/10, cả nhà tui khi đó đang nằm ngủ. Tui thức dậy đi vệ sinh thì giật mình khi thấy nước lênh láng dưới sân, bèn hô hoán cả nhà dậy” – ông Lâm nhớ lại.


cơn lũ, gà vịt, thóc lúa, mất trắng, Nghệ An

Anh Phan (con ông Lâm) xót xa trước cảnh tang hoang, những gì chuẩn bị cho đám cưới đã trôi sạch.


Ông Lâm kể tiếp: “Chừng ba chục phút sau, nước tiếp tục lên rất nhanh và tràn vào nhà, tui giục vợ con dậy xúc thóc lúa nhưng không kịp. Vợ chồng, cha con phải bỏ nhà để chạy, chỉ có con trâu đã buộc sẵn dây thừng bên ngoài là tui kịp dắt đi”.


Thóc lúa mất hết đã đau rồi, nhưng ông Lâm còn đau khổ thêm bởi đàn gà, ngan gần 200 con vợ chồng ông bỏ công nuôi để làm đám cưới cho con trai đầu. Hai nhà đã định ngày cưới vào 19/9 âm lịch sắp tới, thế mà trôi hết cả không còn một con!


“Lụt xong chạy về nhìn căn nhà mà ngơ ngác. Tui nói vui với ông thông gia chắc cho con trai tui đến ở rể 3 năm đã, chứ nhà tui trôi hết cả rồi!” – ông Lâm gượng cười.


cơn lũ, gà vịt, thóc lúa, mất trắng, Nghệ An

Thóc lúa của người dân vùng lũ bị hư hỏng.

Cũng tại xóm 10 Quỳnh Trang, căn nhà cấp 4 nhỏ xíu của gia đình ông Lê Đình Dũng gần như tan hoang sau cơn lũ. Gia đình ông nằm sát bên bờ khe, lũ về chi kịp ‘bỏ của chạy lấy người’, mấy tạ lúa vừa gặt về bị ngâm trong nước lũ.


“Hôm trước em không ở nhà, sớm dậy nghe tin lũ bèn chạy về mà không vô làng được. Nay thì nhà cửa ngổn ngang, lúa má hư hết rồi” – anh Lê Đình Nghĩa, con trai ông Dũng vừa sải lúa ướt ra phơi vừa than thở.


Cùng chung tình cảnh như gia đình ông Lâm, ông Dũng là hàng nghìn hộ dân khác ở Quỳnh Trang và thị xã Hoàng Mai. Nhiều gia đình bỗng chốc lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, thậm chí đói ăn sau cơn lũ lịch sử.


Phút chốc trắng tay


Tại Thanh Hóa, nước lũ vừa rút đi, hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng rốn lũ của huyện Tĩnh Gia đã nước mắt ngắn dài nhìn đống tài sản của nhà mình ra đi trong chớp mắt.



Nước lũ lên nhanh cũng xuống nhanh, nhưng chỉ trong chớp mắt 4 xã của huyện Tĩnh Gia đã chìm trong biển nước, người dân chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người”. Hàng trăm ngàn vật nuôi, diện tích hoa màu, ao cá, đồ vật dụng trong gia đình… bị nhấn chìm trong nước.


Chị Lê Thị Dậu, thôn 4, xã Tân Trường cho biết, nửa đêm về sáng ngày 1/10 lúc đó nhà chị đang ngủ thì nghe tiếng hô hào của hàng xóm nói vỡ đập. Như người dội gáo nước lạnh, chị theo phản xạ quấn đồ đạc trong nhà lên cao để tránh nước lũ.


Chị Dậu cho biết thêm, trong trận lũ vừa qua gia đình chị thiệt hại 4 sào lúa chưa kịp cắt, hơn 100 con ngan, hàng chục con gà, một con lợn nái và đồ đạc gia dụng chìm trong nước.


“Gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng giờ lúa bị ngập lụt có nguy cơ mất trắng. Ngan, vịt là vật nuôi mang lại thu nhập chính của cả gia đình nhưng đã bị nước cuốn trôi đi hết, giờ gia đình tôi không biết phải lấy vốn đâu để xoay vòng nữa”, chị Dậu nghẹn ngào nói.


cơn lũ, gà vịt, thóc lúa, mất trắng, Nghệ An

Đồ dùng, sách vở các em ngâm trong nước lũ, không còn sách vở đi học.

Thẫn thần nhìn về phía hồ đập bị vỡ, anh Hoàng Quốc Toàn, thôn Sơn Thủy, xã Trường Lâm nói trong tiếc nuối: “Nước lũ lên nhanh, cả một trang trại vịt gần 500 con, gà hơn 200 con của tôi bị nước ngập trắng băng, vịt bơi trắng hồ. Đến khi đập Đồng Đáng bị vỡ thì số vịt trên cũng trôi theo dòng nước mất tích”.


Anh bảo, để có được số vịt trên gia đình phải vay mượn hơn 50 triệu đồng. Mỗi ngày thu hoạch từ trứng cũng thu về từ 200-300 ngàn đồng. Giờ mất trắng tổng cộng gần 100 triệu, tiền nợ cũng không trả được, vốn quay vòng không có, nguy cơ nợ nần chồng chất là rất lớn.


Ông Đỗ Thế Thống, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm cho biết, nước lũ tràn về nhanh nhấn chìm 500 hộ dân ở 7/13 thôn trong xã. Trâu, bò, lợn, gà… của bà con cũng bị nước lũ cuốn trôi hết. Tuy chưa có con số thống kê thiệt hại chính xác, nhưng nhìn chung người dân thiệt hại về kinh tế rất nặng.


Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết, ước tính thiệt hại do bão số 10 gây ra trên địa bàn huyện khoảng 135 tỷ đồng.


Cao Thái – Lê Anh

VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP