Hội nghị đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Ngô Quang Trung, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình Phạm Thị Hồng.

Đoàn kết, nhất trí, nỗ lực

Năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của Bộ Công Thương và Thành uỷ/Tỉnh uỷ, HĐND, UBND 28 tỉnh, thành phố, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Công Thương khu vực đã đoàn kết, nhất trí cao, nỗ lực thực hiện đảm bảo nội dung, tiến độ kế hoạch đặt ra trên tất cả các lĩnh vực nhiệm vụ được giao.

Sản xuất công nghiệp của Khu vực có mức tăng trưởng khá (Năm 2015 tăng 18,5% so với năm 2014, 9 tháng đầu năm 2016 tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo cao.

Xuất khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì tăng trưởng (năm 2015 tăng 16,7% so với năm 2014, 9 tháng đầu năm 2016 tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015). Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và đa dạng, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần xuất khẩu sang thị trường Châu Á, tăng dần xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Châu Mỹ.

Tnh hình thị trường trong nước nhìn chung ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định ở phần lớn các nhóm hàng, Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2015 tăng 12% so với năm 2014; 9 tháng đầu năm 2016 tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Công tác quản lý nhà nước về công thương đã được tăng cường và triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực: Hoàn thành và tiếp tục triển khai một số quy hoạch trong lĩnh vực công thương; Quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, vật liệu nổ, an toàn hóa chất, khí hóa lỏng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn điều hành cung ứng điện được tăng cường; Cung – cầu các hàng hoá thiết yếu được đảm bảo, nguồn cung hàng hoá dồi dào, công tác bình ổn giá được thực hiện tốt, các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hải đảo, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo… được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường; Công tác kiểm tra kiếm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại được phối hợp triển khai tích cực, góp phần ổn định tình hình thị trường, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của ngành Công Thương khu vực phía Bắc như: tiến độ đầu tư vào các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm, thu hút đầu tư mới còn khó khăn; tỉ trọng lưu chuyển hàng hoá thông qua các hình thức kinh doanh thương mại tiên tiến hiện đại chưa nhiều; Hệ thống phân phối hàng hoá hình thành tự phát, sự liên kết thiếu chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giữa các nhà phân phối với nhau, giữa nhà kinh doanh bán buôn và bán lẻ…đang tồn tại hệ thống phân phối trung gian nhiều tầng, lớp; công nghiệp chế biến nông sản của các tỉnh, thành phố trong khu vực chưa phát triển mạnh, chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, công nghệ sản xuất tuy có nhiều đổi mới nhưng còn chậm…

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh: đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ngành Công Thương khu vực phía Bắc, để đánh giắ kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động kinh doanh của toàn ngành năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016; tạo điều kiện để Sở Công Thương các tỉnh, thành phố các tỉnh, thành phố có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đề xuất các giải pháp phối hợp, liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và đề xuất, tham mưu với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành  phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy oahats triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch

Ông Nguyễn Ngọc Thạch cho biết thêm, cùng với việc tổ chức Hội nghị ngành Công Thương, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo, tạo điều kiện để Sở Công Thương Ninh Bình phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức Hội chợ, triển lãm hàng công nghệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc 2016 tại thành phố Ninh Binh từ ngày 06 đến ngày 10/2016 nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết.

Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lào Cai… đã trình bày tham luận về các nội dung: công tác kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, xúc tiến thương mại, phát triển cụm công nghiệp, kết nối giao thương…  Đối với các đề xuất, kiến nghị của đại diện các Sở Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ như: Tổng cục năng lượng, Cục Điều tiết điện lực, Cục Xúc tiến thương mại đã trực tiếp giải đáp và đối thoại tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả về sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại mà 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được thời gian qua. Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2016, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chung của toàn ngành, làm tiền đề triển khai kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương quan tâm triển khai, thực hiện một số nội dung như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch của Ngành.

Ba là, phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng; chủ động xây dựng và phối hợp triển khai với các tỉnh, thành phố trong khu vực những chương trình, dự án công nghiệp có quy mô lớn mang tính Vùng nhằm làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác trong khu vực; thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển cụm công nghiệp; hoàn thành tốt các đề án khuyến công được giao, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

Bốn là, về phát triển thương mại, cần khai thác tốt thị trường nội địa, tiếp tục triển khai chương trình kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của các tỉnh, thành phố; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

Năm là, thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cải thủ tục hành chính, thưc hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đồng ý giao Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IV năm 2017.

Nguồn: HT/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương