Tin Hà Tĩnh

Dân bất lực nhìn sông 'nuốt' đất nông nghiệp

Gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Rào Trổ, đoạn qua địa phận xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), vô cùng nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, khoảng 2 - 3 ha đất nông nghiệp của người dân bị 'hà bá' nuốt chửng.

Người dân mất đất sản xuất nông nghiệp do sạt lở bờ sông Rào Trổ - Ảnh: ẢNH PHẠM ĐỨC

Bà Nguyễn Thị Ái (76 tuổi, ngụ thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn), cho biết tình trạng sạt lở bờ sông Rào Trổ xảy ra suốt nhiều năm qua và 2 năm trở lại đây trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, năm nào xảy ra mưa lũ thì hàng ngàn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của người dân nằm sát bờ sông lại bị “hà bá” nuốt chửng. Mặc dù người dân đã trồng cỏ, keo dọc theo bờ sông để chống xói lở nhưng không mấy khả quan.

“Trước đây chiều rộng lòng sông khoảng 30 m thì nay mặt sông bị sạt lở, ăn sâu vào diện tích hai bên bờ gần 50 m. Riêng bờ bên kia sông là đồi núi có cây cối và cỏ dại mọc nhiều nên sạt lở ít hơn, còn phía bên này là diện tích đất của người dân sản xuất nông nghiệp thì bị sạt lở mạnh. Nhà tôi có 3 sào đất nông nghiệp nằm sát bờ sông, đến nay chỉ còn lại 2 sào. Cứ đà này tôi lo ít năm nữa đất nông nghiệp của gia đình sẽ không còn”, bà Ái than thở.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc bờ sông Rào Trổ đi qua thôn Mỹ Thuận có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những hàm ếch lớn, những vách đất dựng đứng cao khoảng 4 - 6 m chênh vênh chỉ chờ đổ sập xuống phía dưới lòng sông Rào Trổ bất cứ lúc nào.

Dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng thôn Mỹ Thuận, cho hay diện tích đất nông nghiệp của người dân trong thôn đang ngày càng bị thu hẹp vì tình trạng sạt lở bờ sông. Theo thống kê sơ bộ, toàn thôn có 60 hộ có đất nằm dọc theo bờ sông thì khoảng 3 năm trở lại đây, đã có hơn 2 ha đất của 30 hộ dân bị nước cuốn trôi.

Ông Tuấn cho biết sạt lở đã ăn sâu vào bờ sông khoảng 10 m, cuốn trôi hàng nghìn mét đất canh tác dọc hơn 5 km bờ sông đi qua xã Kỳ Sơn. “Mấy năm gần đây, khi dự án đập dâng Lạc Tiến cung cấp nước sạch cho Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) được xây dựng đã khiến dòng chảy bị thay đổi, cộng với nước dâng cao ngấm sâu vào lòng đất khiến sạt lở đất xảy ra càng đáng báo động hơn”, ông Tuấn nói.

Làm kè đá tại khu vực trọng yếu

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, cho hay tình trạng sạt lở bờ sông Rào Trổ xảy ra là do bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và đập dâng Lạc Tiến chặn dòng khiến nước dâng cao. Trung bình mỗi năm, khoảng 2 - 3 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp kèm theo cây trồng của người dân bị nước cuốn trôi.

“Sông Rào Trổ chảy qua địa phận của xã Kỳ Sơn với chiều dài khoảng 10 km.Trong những năm qua, do ảnh hưởng của thiên tai nên dọc hai bên sông bị sụt lún, sạt lở. Những năm gần đây thì tình trạng này xảy ra nghiêm trọng hơn khi đập dâng Lạc Tiến đi vào hoạt động. Ngoài sông Rào Trổ, tình trạng sạt lở đất cũng xảy ra trên sông Rào Mốc, đoạn qua địa bàn của xã”, ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất, chính quyền xã đã cấm người dân khai thác cát sỏi và đào cây dọc bờ sông. Ngoài ra, UBND xã cũng đã tổ chức huy động các thôn xóm trồng các loại cây như tre, cỏ dọc bờ sông hàng năm. Ông Ngọc cho hay, hiện nay cấp trên cũng có chính sách hỗ trợ cho làm kè đá, sắp tới xã sẽ huy động người dân làm kè đá ở những khu vực trọng yếu.

Tác giả: Phạm Đức

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP