Người đương thời

Hà Tĩnh: Chuyện tình cảm động của ông thợ cắt tóc tật nguyền

Hơn 20 năm qua, người dân xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã quá quen thuộc với hình ảnh ông Hoàng Văn Hồng (55 tuổi) chống nạng, đứng cắt tóc cho khách trước sân nhà.

Nếu như câu chuyện về cơ duyên đến với nghề cắt tóc mưu sinh khiến mọi người cảm phục sự lạc quan, vượt lên số phận của ông thì chuyện nhân duyên đến muộn sau những lận đận khiến ai nghe cũng thấy cảm động…

hatinh24h

Cơ cực “gà trống nuôi con”

Ông tâm sự, lúc sinh ra cũng khỏe mạnh bình thường, nhưng năm 23 tuổi, trong một lần lao vào can đám bạn đánh nhau, ông bị thương dẫn đến chứng cột sống dính khớp. Vết thương nặng khiến toàn bộ cột sống lưng đau nhói, không thể cử động được.

Sau nửa năm điều trị không có kết quả, chàng trai đành chấp nhận định mệnh nghiệt ngã để tiếp tục lạc quan vui sống. Không thể ra đồng làm việc hay đi làm thuê như bao người khác, anh chọn nghề cắt tóc để mưu sinh.

Nhớ lại những ngày học việc, ông Hồng vui vẻ: Do trước khi gặp nạn đã học lỏm được cách cắt tóc nên việc học nghề không quá khó khăn. Tận dụng chiếc gương cũ trong gia đình, mua thêm vài chiếc kéo, chiếc lược, tiệm cắt tóc của ông ra đời. Lúc đầu, một số người e ngại trước cây kéo của người đàn ông người đàn ông chống nạng, nhưng về sau khách đến càng đông.

Năm 35 tuổi, hạnh phúc giản đơn đã đến với ông khi kết hôn cùng một cô gái quê xã Xuân Liên, hai người có 2 đứa con chung. Nhưng kéo theo đó là gánh nặng kinh tế tăng lên gấp nhiều lần. Hàng ngày, ông vẫn cần mẫn với công việc cắt tóc, bất chấp những cơn đau buốt do di chứng bệnh tật. Tuy vậy, cuộc sống vẫn chẳng thể khấm khá lên. Năm 2004, sau 8 năm chung sống, người vợ bỏ đi vì cuộc sống quá nghèo đói.

Nhớ lại khoảng thời gian này, khuôn mặt ông Hồng thoáng buồn. Ông kể về người vợ cũ: “Năm đó, cô ấy để 2 đứa con nhỏ ở nhà rồi nói với tôi sẽ đi vào Đắk Lắk làm thuê. Trong quá trình làm việc, cô ấy không hề liên lạc gì cho bố con tôi ở nhà. Sau đó chừng 3 tháng, cô ấy chỉ điện về thông báo rằng: “Ông ở nhà chăm sóc con, tôi không về quê nữa đâu””. Khi ông gặng hỏi lý do, người vợ chỉ bảo không chịu đựng được cảnh nghèo.

Mất một thời gian dài, ông Hồng thất tình, buồn đời đến mức không buồn cắt tóc. Thế nhưng, mỗi lúc nhìn hai đứa con mới 6 tuổi, 5 tuổi, ông lại cố gắng gượng làm việc để nuôi các con.

Ông kể, thời điểm đó không có ai trông con giúp nên sáng sớm ông phải đưa hai con đi gửi nhà họ hàng, rồi về nhà làm việc. Đến khi các con tới trường, một tay ông chu đáo chuẩn bị từng cái ăn, cái mặc cho con.

Thiếu vắng bàn tay người phụ nữ trong nhà, ông Hồng càng phải nỗ lực để bù đắp cho các con. Quần quật làm việc liên tục trong khi sức khỏe ngày càng yếu nên có thời điểm, ông không thể gượng dậy làm việc được. Những cơn đau tức ập đến, khó thở, hai tay cong lại. Hai đứa con dường như hiểu hoàn cảnh gia đình nên sớm biết phụ giúp bố công việc hàng ngày.

“Nhiều hôm nằm ôm con ngủ, tôi đã rơi nước mắt. Không những phải sống trong cảnh nghèo đói, các con còn thiếu vắng tình thương người mẹ. Những lúc vậy, tôi giận cô ấy lắm, nhưng rồi nghĩ lại cũng do mình bất lực, nghèo đói nên người ta mới bỏ đi”, ông tâm sự. Thương ba bố con lầm lũi sống với nhau, họ hàng thi thoảng sang phụ giúp những công việc lặt vặt. Đến mùa gặt lúa, mỗi người lại cho ba bố con ít yên gạo sống qua ngày.

Chuyện tình cảm động

Bốn năm “gà trống nuôi con” với bao vất vả, ông Hồng chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ đi bước nữa. Thế nhưng, đầu năm 2008, bạn bè thương cảnh ông lầm lũi quyết định tìm vợ giúp.

Người được mai mối là chị Võ Thị Nghĩa (43 tuổi, quê xã Phúc Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Thời điểm đó, chị Nghĩa bước sang tuổi 33. Dù đã có tuổi nhưng với sự chịu khó, nết na, chị vẫn được nhiều người trong làng đem lòng quý mến, nhưng chị vẫn chưa ưng ai. Song chỉ vừa gặp ông Hồng một lần, chị  đã có cảm tình.

“Dù trước đó tôi nghe bạn bè nói anh ấy bị tật, lại từng có vợ, đang nuôi con nhỏ, nhà nghèo đói, nhưng không hiểu sao mới chỉ gặp lần đầu, tôi đã có cảm tình. Nhìn gương mặt hiền lành, khắc khổ, lòng tôi lại có cảm giác khó tả. Đó không hẳn là thương hại, mà là sự cảm phục, mong muốn được cùng người đó gắn bó đến cuối đời”, chị tâm sự.

Sau lần gặp đầu tiên, hai người tiếp tục liên lạc với nhau qua điện thoại. Ông Hồng cho biết, từ khi quen đến lúc xin cưới, họ chỉ gặp nhau đúng 3 lần, nhưng tình cảm rất dạt dào. Đến ngày 22/1/2008, sau chưa đầy một tháng quen biết, hai người chính thức về một nhà dù gia đình vợ chưa hoàn toàn đồng ý.

Chị Nghĩa vẫn nhớ như in ngày hạnh phúc của cuộc đời mình. Chị kể, ngày đưa dâu hôm đó, gia đình nhà gái có khoảng 20 người, trong khi đằng trai chỉ vỏn vẹn 5 người. Ông Hồng được người bạn chở đi rước dâu bằng xe máy, theo sau là vài người bạn. Chị Nghĩa cũng không mặc váy cưới mà chỉ là bộ quần áo bình thường. “Về đến nhà chứng kiến hai đứa con nhỏ đang chơi ngoài sân, kế bên là căn nhà lụp xụp, tôi đã ứa nước mắt”, chị nhớ lại.

Chị kể, sau đám cưới một ngày, người vợ đầu của chồng gọi điện đến nhờ chăm sóc hai đứa con. Chị đã trả lời: “Tôi đã chấp nhận lấy anh Hồng làm chồng thì chuyện chăm sóc hai đứa con không quá khó khăn. Chị yên tâm”. Như hiểu tấm lòng mẹ kế, hai đứa trẻ rất ngoan ngoãn. Đó là niềm an ủi lớn nhất với chị khi bước vào ngôi nhà này.

Vì chỉ có vài sào ruộng nên hàng ngày chị quần quật làm thuê kiếm thêm thu nhập. Từ việc cày đất thuê, cho đến đi nhổ lạc, làm cỏ, chị đều vui vẻ nhận lời. Lúc không có công việc, người phụ nữ ấy lại ra đồng bắt con cua, con ốc về làm thức ăn cho gia đình, đồng thời bán bớt kiếm tiền.

Còn với ông Hồng, từ ngày có chị Nghĩa về chung nhà, tinh thần phấn chấn, vui vẻ hẳn lên. Bà con lối xóm cũng tìm đến cắt tóc nhiều hơn để động viên tinh thần hai vợ chồng. Không lâu sau, chị Nghĩa lần lượt sinh hai đứa con bụ bẫm.

Hai người con lớn của ông Hồng hiện đã nghỉ học đi làm. Một người đang làm công nhân, người còn lại đang đi ở cho người ta, chỉ dịp tết đến với về nhà thăm bố mẹ. Ngày các con về đoàn tụ chính là ngày hạnh phúc nhất với vợ chồng chị.

Về phần ông Hồng, sau bao năm vất vả, giờ sức khỏe ông yếu đi nhiều, hễ trái gió trở trời là khắp người đau nhức phải nằm liệt một chỗ, ngực đau tức, đến việc phát âm cũng khó, chưa nói đến công việc cắt tóc hàng ngày. Thế nhưng, hết cơn đau, ông lại lê chiếc nạng cùng bộ đồ nghề cũ kỹ ra trước sân nhà để kiếm từng đồng tiền nuôi gia đình. Thương chồng, chị Nghĩa chỉ biết thuốc thang đều đặn cho chồng.

Trời xế chiều, hai thiếu niên đi học qua liền táp xe đạp vào nhà ông Hồng nhờ cắt tóc. Cố gượng dậy, người đàn ông chống nạng vội đi đến bàn cắt. Chiếc nạng được kê ở phần nách liên tục di chuyển theo từng đường kéo thoăn thoắt.

Ông chia sẻ: “Tôi chỉ ước có được một bộ đồ nghề cắt tóc mới, trị giá khoảng 5 triệu đồng, nhưng gia đình nghèo quá không mua nổi. Có được bộ đồ nghề mới tôi sẽ cố gắng kiếm tiền nuôi các cháu ăn học”.

Long Trần

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP